Sự thật chiến dịch “100 nghìn chữ A” gây "sốt" mạng những ngày qua
(Dân trí) - Dù nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của cộng đồng vì ý nghĩa xã hội tốt đẹp, song chiến dịch gom đủ 100 nghìn chữ A cho trẻ tự kỷ cũng vấp phải không ít ý kiến trái chiều.
Cộng đồng mạng tranh cãi trái chiều về chiến dịch
Những ngày qua, cộng đồng mạng đã đồng loạt chia sẻ dòng trạng thái về chiến dịch 3 chữ A ủng hộ trẻ tự kỷ trên Facebook cá nhân.
Đây là chiến dịch được phát động bởi Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN) từ ngày 10/3 nhằm gom đủ 100.000 chữ A để nhà tài trợ tặng 200 triệu đồng tổ chức các khóa tập huấn cho phụ huynh có con tự kỷ.
Với mỗi bài viết người dùng Facebook cần đăng những tấm hình đẹp, lạc quan (ưu tiên hoạt động thể thao), gắn 3 hashtag bắt đầu bằng chữ A là #autism, #awareness, #a365. Mỗi lần đăng như vậy được tính 3 chữ A, một người có thể đăng nhiều lần.
Chỉ trong một thời gian ngắn phát động, chiến dịch đã nhận được sự hưởng ứng và lan tỏa mạnh mẽ của người dùng mạng. Ban đầu chiến dịch dự tính sẽ phải kéo dài đến hết tháng 4, tuy nhiên chỉ đến ngày 15/4, số lượng người tham gia đã vượt xa con số kỳ vọng. Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam sau đó đã đăng thông báo kết thúc chiến dịch sớm hơn thời hạn.
Dù nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của cộng đồng vì ý nghĩa xã hội tốt đẹp, song chiến dịch cũng vấp phải không ít ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng, chương trình lợi dụng để quảng cáo PR cho nhà tài trợ.
Gói tiền “200 triệu dành cho trẻ tự kỷ” cũng không phải là tiền mặt mà là trị giá khóa học do một đơn vị tổ chức. Ngay từ đầu, dù không gom đủ 100.000 chữ A thì gói học này vẫn sẽ được tiến hành. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi và hồ nghi về ý nghĩa tốt đẹp của chiến dịch. Không ít người còn có lời lẽ bình luận nặng nề dành cho đơn vị tổ chức.
Có hay không việc lợi dụng chiến dịch để PR?
Trước những ý kiến trái chiều, chia sẻ với PV Dân trí, chị Trần Thị Hoa Mai (Phó Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam - Viet Nam Autism Network) khẳng định, đây hoàn toàn là chiến dịch phi lợi nhuận. Khi thực hiện chiến dịch này, mục tiêu của những người tổ chức là thức dậy mối quan tâm và nhận thức về tự kỷ.
Tự kỷ cần được nhận thức đúng, phát hiện sớm, và can thiệp kịp thời, đúng cách. Điều đó sẽ làm thay đổi cuộc đời của những người tự kỷ một cách tích cực. Chương trình được phát động trong dịp này, là để hưởng ứng Ngày Thế giới Nhận thức về Tự kỷ 2/4 do Liên Hợp Quốc phát động.
“Khi phát động chương trình, chúng tôi chỉ đặt ra kỳ vọng và kêu gọi giúp sức, để lan tỏa sự quan tâm về tự kỷ, nhưng không đặt rõ thời hạn thực hiện, vì tính đến yếu tố dịch bệnh, nên có thể kéo dài hết tháng 4 hoặc lâu hơn. Tuy nhiên thời điểm này chúng tôi nhận thấy chắc chắn đã đạt được mốc kỳ vọng, nên sẽ kết thúc chương trình vào ngày 15/4”, chị Hoa Mai nói.
“Xin cảm ơn nỗ lực của cộng đồng đã giúp đỡ và lan tỏa mạnh mẽ. Sự ủng hộ của mọi người là nguồn động viên lớn lao đến các bậc cha mẹ có con tự kỷ”, đại diện VAN nhấn mạnh.
Giải thích lý do vì sao trong các bài chia sẻ có nhắc đến A365, đại diện VAN cho biết, đó là một website do chính VAN cùng tham gia xây dựng với các nhà khoa học thuộc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số CCIHP, và là website về tự kỷ hoàn toàn miễn phí.
Dự án được Grand Challenges Canada tài trợ từ năm 2014, cho toàn bộ các hoạt động phổ biến kiến thức khoa học về tự kỷ đến cộng đồng (mà việc tổ chức các khóa tập huấn phụ huynh trực tiếp tại các tỉnh chỉ là một trong các hoạt động).
“Chúng tôi không nhằm tới việc quảng bá cho một nhãn hiệu, mà chỉ mong muốn hệ thống này được mọi người biết đến, chia sẻ, để giúp được nhiều gia đình có con tự kỷ. Đây không đơn thuần là dịch vụ tư vấn, mà là sự kết hợp chính tâm huyết và chia sẻ của các phụ huynh có con tự kỷ, cùng với các nhà nghiên cứu”, bà Mai giải thích.
Chia sẻ về các hoạt động trong năm 2019, đại diện Van cho biết đã tổ chức 15 buổi tập huấn ở các địa phương và mới chỉ “dừng bước vì Covid-19”.
Số tiền 200 triệu đồng trong chiến dịch gom đủ 100 nghìn chữ A ủng hộ trẻ tự kỷ, ước tính sẽ tổ chức được 10-15 cuộc tập huấn dành cho các gia đình có trẻ tự kỷ. “Số tiền này chỉ được dùng để trả chi phí cho chuyên gia, phương tiện đi lại, thuê địa điểm (nếu có)… Chúng tôi không thu phí của người tham gia tập huấn, không trả lương cho tình nguyện viên của VAN và A365 đi tham gia tổ chức tập huấn”, chị Mai khẳng định.
Đại diện VAN cũng cho rằng vì là chương trình phi lợi nhuận, mục tiêu đặt ra là lan tỏa những điều tốt đẹp, kêu gọi sự ủng hộ của mọi người dành cho trẻ tử kỷ nên đã không lường trước được những tình huống phát sinh, dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc.
“Tất cả mọi thông tin kế hoạch thực hiện chương trình đều được chúng tôi đăng tải đầy đủ trên trang thông tin của Mạng lưới tự kỷ Việt Nam. Kết lại hành trình gom nhặt những chữ A, là những bức hình tràn đầy sự lạc quan vui vẻ của mọi người tham gia trên facebook thời gian qua. Tôi xin khẳng định một lần nữa là chúng tôi không lợi dụng bất cứ ai khi tham gia đồng hành vào chiến dịch này”, đại diện VAN nhấn mạnh.
Hà Trang