Say nữ phi công Việt xinh đẹp, giám đốc Pháp bay sang Mỹ nấu cơm, rửa bát

Ở tuổi 27, Diệu Thúy gom hết tiền tiết kiệm suốt 5 năm đi làm để qua Mỹ học phi công, với suy nghĩ, thành công thì tốt, thất bại thì xem như là một trải nghiệm.

Năm 2012, tốt nghiệp đại học, Thúy quyết định bỏ nghề diễn đi làm công việc chinh phục bầu trời. Sau chuyến bay từ Hà Nội đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM, Thúy dành một buổi chiều để chia sẻ về công việc, cuộc sống của mình với VietNamNet.

Chào Diệu Thúy, là phi công, hằng ngày phải bay trên bầu trời, bạn dành thời gian cho gia đình như thế nào?

Tôi và chồng - doanh nhân người Pháp - anh Antoine Aubry cưới nhau tháng 8/2018. Sau đám cưới tổ chức ở Quảng Trị quê tôi, cả hai muốn tập trung tốt cho công việc trước khi có con, chúng tôi quyết định sống mỗi người một nơi.

Anh ấy về lại Pháp hoàn thành việc kinh doanh. Còn tôi, hiện mới là phi công của máy bay A320 và đang là học viên huấn luyện bay đường dài. Vợ chồng tôi quy định, hai tháng gặp nhau 10 ngày. Lúc đó, cả hai gạt công việc sang một bên để ở bên nhau.

Say nữ phi công Việt xinh đẹp, giám đốc Pháp bay sang Mỹ nấu cơm, rửa bát - 1

Phi công Diệu Thúy

Sau mỗi chuyến bay, tôi đều nhắn tin cho chồng báo: ‘Máy bay vừa hạ cánh, hôn anh’. Còn anh ấy dặn tôi ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ chuẩn bị sức khỏe cho chuyến bay tiếp theo.

Vợ chồng tôi dự tính, một hai năm nữa, công việc cả hai tốt hơn mới tính đến chuyện có con. Bây giờ, tôi chỉ tập trung cho công việc và tận dụng thời gian rảnh để gặp chồng. Vợ chồng tôi đều đang học tiếng của nhau để hiểu nhau hơn và có thể giao tiếp với bố mẹ, anh chị hai bên nội ngoại.

Nghề phi công đến với Thúy như thế nào?

Khi còn làm tiếp viên hàng không, tôi thường vào buồng lái nói chuyện với cơ trưởng và cơ phó. Lúc đó, tôi hay hỏi về các thao tác kỹ thuật và được chỉ dẫn rất tận tình. Một lần, tôi bày tỏ ý muốn trở thành phi công, nhưng không dám vì mình là phụ nữ. Anh cơ trưởng chia sẻ: ‘Không việc gì phải ngại. Con gái tôi thích làm phi công, tôi rất ủng hộ’. Sau câu nói của anh ấy tôi đã suy nghĩ.

Say nữ phi công Việt xinh đẹp, giám đốc Pháp bay sang Mỹ nấu cơm, rửa bát - 2

Diệu Thúy trong buồng lái máy bay.

Giữa năm 2016, tôi đã bước qua tuổi 27. Sau 5 năm đi làm tiếp viên hàng không và diễn viên, tôi tích lũy được một số tiền, dự tính đủ để qua Mỹ học khóa đào tạo hai năm về phi công.

Dù thế, tôi rất phân vân, vì lúc đó đã nhiều tuổi, đi học là phải bỏ hết công việc hiện tại, nhưng ước mơ làm phi công cứ thôi thúc tôi. Tâm sự với ông xã, khi đó còn là bạn trai về nguyện vọng của mình thì được anh ủng hộ, tôi quyết định đánh liều. Thành công thì tốt, thất bại thì xem như là một trải nghiệm.

Tháng 6 năm đó, tôi thi đậu học viên phi công tại Trường bay Việt. Học 6 tháng lý thuyết ở đây, tôi qua Mỹ học thực hành bay. Khóa học này có thời gian học tối đa là 2 năm. Thời gian này quả rất khó khăn với tôi về các khoản chi phí về ăn, ở, đi lại, học và thuê giáo viên dạy.

Nếu tính ra, số tiền tôi tiết kiệm, phải chi tiêu thật dè xẻn. Tôi đặt ra mục tiêu sẽ hoàn thành khóa học trong vòng 12 tháng và tự yêu cầu mình không được để rớt môn nào. May mắn, tôi chỉ học 9 tháng là xong hết các môn. Học xong, số tiền tiết kiệm vẫn còn một ít (cười).

Say nữ phi công Việt xinh đẹp, giám đốc Pháp bay sang Mỹ nấu cơm, rửa bát - 3

Vẻ đẹp của nữ phi công Diệu Thúy.

Ông xã ủng hộ quyết định của bạn như thế nào?

Suốt thời gian tôi học ở Mỹ, tôi và anh xã chưa có gì ràng buộc cả. Tuy nhiên, anh luôn động viên, khích lệ, giúp tôi thêm tự tin về quyết định của mình. Anh còn bay từ Pháp qua Mỹ sống gần hai tháng chỉ để đưa đón tôi đi học, nấu ăn, ủi quần áo cho tôi. Có hôm, thấy tôi học nhiều, anh lén cất hết sách vở, để tôi nghỉ đi chơi.

Cho đến bây giờ, chỉ cần tôi nói chuyện vì công việc, anh luôn ủng hộ. Chuyện chúng tôi chưa có con cũng vì anh tôn trọng quyết định của tôi. Bởi nghề phi công này rất đặc thù, nếu có con, tôi phải nghỉ một năm không bay. Bây giờ, công việc còn lưng chừng, tôi không muốn mất đi những cơ hội.

Say nữ phi công Việt xinh đẹp, giám đốc Pháp bay sang Mỹ nấu cơm, rửa bát - 4

Diệu Thúy và chồng Pháp.

Kết thúc khóa học ở Mỹ, tôi xin được vào làm cho một hãng bay tư nhân ở châu Âu. Tuy nhiên, công việc ở đó, nếu tính dài lâu sẽ không tốt, tôi quyết định về Việt Nam xin việc. Tôi thi đậu vào hai hãng bay trong nước và chọn làm việc ở hãng bay mới thành lập. Quyết định của tôi được anh xã rất ủng hộ.

Hiện nay, có rất nhiều vụ máy bay rơi, là phi công Thúy đón nhận thông tin và xử lý tình huống ấy như thế nào?

Phi công phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hàng trăm con người, vì thế, khi ngồi vào buồng lái máy bay, tôi luôn ý thức phải rèn luyện bản thân, chắc tay lái, giữ tập trung, thái độ chuyên nghiệp trên mỗi hành trình. Sau mỗi chuyến bay, tôi luôn tự nhắc mình phải giữ sức khỏe, ngủ đủ giấc để chuẩn bị cho chuyến tiếp theo. Ở phương xa, mỗi khi tôi chuẩn bị bay, chồng tôi luôn nhắn: ‘Chúc em có chuyến bay an toàn’. Lời động viên của anh giúp đôi tự tin hơn.

Khi quyết định làm công việc chinh phục bầu trời, tôi xem rất nhiều vụ điều tra tai nạn máy bay từ xưa đến nay. Sau đó, tôi tự tìm hiểu nguyên nhân xảy ra lỗi và tìm cách xử lý tính huống. Có những lỗi do kỹ thuật thao tác của người phi công, có lỗi do thời tiết, có lỗi lại do nguyên nhân bất khả kháng… Khi quyết định làm nghề này, tôi không sợ gì cả. Tôi luôn nhắc mình phải tự tin, có kiến thức, bình tĩnh, trách nhiệm với công việc, với những khách hàng đang trên máy bay.

Mục tiêu tương lai của Thúy là gì?

Tôi muốn gắn bó cả đời với nghề phi công. Hiện tôi đang có kế hoạch tiếp tục trau dồi, tích lũy kinh nghiệm về ngành hàng không để khi đến tuổi về hưu sẽ là một phi công có hàng chục nghìn giờ bay an toàn. Đó sẽ là tài sản vô giá với tôi.

Cảm ơn Diệu Thúy!

Theo Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm