Sau đợt lũ liên tiếp, người chăn nuôi chật vật tìm kiếm thức ăn cho gia súc

Đăng Đức

(Dân trí) - Lũ ngập khiến nguồn thức ăn dự trữ cho chăn nuôi của nông dân tại Quảng Trị bị ngập, trôi hết, nay bà con chật vật tìm kiếm thức ăn để gia súc chống chọi qua đợt giá rét.

Người chăn nuôi gia súc loay hoay tìm kiếm thức ăn cho vật nuôi

Làm "nhà tầng" cho trâu, bò!

Xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ là nơi thường xảy ra ngập khi mưa lũ, trong đó thôn Bắc Bình - nơi có nhiều hộ chăn nuôi gia súc, nhưng thường bị ngập sâu.

Để đảm bảo cho gia súc sống sót qua các đợt mưa lũ, bà con nông dân đã nảy ra sáng kiến xây "nhà tầng" cho trâu, bò trú ẩn.

Sau đợt lũ liên tiếp, người chăn nuôi chật vật tìm kiếm thức ăn cho gia súc - 1

Chuồng trại được xây cao so với mặt đất để tránh lũ cho trâu, bò.

Khi xảy ra ngập sâu, người dân di chuyển trâu, bò lên những ngôi nhà này. Nhờ đó, bà con đã chủ động hơn trong chăn nuôi, ứng phó với tình huống thiên tai bất thường.

Theo thống kê, thôn Bắc Bình có khoảng 87 hộ dân, trong đó khoảng 80% hộ chăn nuôi đều làm chuồng trại kiên cố. Chuồng được xây cao hơn 3m so với mặt đất, đảm bảo cho gia súc an toàn, ít khi bị ngập lụt.

Sau đợt lũ liên tiếp, người chăn nuôi chật vật tìm kiếm thức ăn cho gia súc - 2

Nhiều hộ chăn nuôi gia súc ở vùng lũ đều rơi vào tình trạng khan hiếm thức ăn

Bà Trần Thị Thương, trú ở thôn Bắc Bình - cho biết, nhà tránh lũ cho trâu, bò được gia đình xây dựng nhiều năm. Trước đây, do mọi người đã bỏ công nên chi phí xây dựng chỉ khoảng 10 triệu đồng.

"Những năm trước, nước chỉ lên ngang sàn, nhưng năm nay lũ cao nên có bị ngập đến chân. Bình thường nuôi nhốt gia súc bên dưới, trên đựng các vật dụng nông nghiệp, đến mùa lũ thì dắt trâu, bò lên cao", bà Thương nói

Theo anh Trần Phi Bằng, nhờ xây nhà nuôi nhốt cao nên đã phát huy hiệu quả khi xảy ra mưa lũ, an toàn cho gia súc. Khi bị ngập thì cho trâu bò lên cao trú ẩn, lúc nước rút thì dắt gia súc xuống dưới.

Sau đợt lũ liên tiếp, người chăn nuôi chật vật tìm kiếm thức ăn cho gia súc - 3

Anh Bằng phải mua rơm khô từ các tỉnh phía Nam về cho bò ăn.

Trước gia đình anh Bằng xây dựng 1 nhà cho gia súc với gần 20 triệu đồng. Sau mở rộng chăn nuôi nên xây thêm 1 nhà bên cạnh với chi phí xây dựng khoảng 35 triệu đồng.

Do được xây kiên cố nên những ngày thời tiết rét đậm, gia súc được đưa vào chuồng trại kín gió, an toàn hơn.

Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền cho hay, có thể nói, mô hình nhà chống lũ cho gia súc đã phát huy được hiệu quả, giúp bà con chủ động hơn trong chăn nuôi. Khi xảy ra ngập, gia súc được được vào nhà cao để tránh lũ, ngày thường bà con có thể sử dụng để đựng phế phẩm nông nghiệp, thức ăn cho gia súc… Qua các đợt lũ trước và 2 trận lũ gần đây, dù ngập rất sâu nhưng thiệt hại cho gia súc rất thấp.

Vừa lo chống rét, đến lo khan hiếm nguồn thức ăn

Sau đợt mưa lũ liên tiếp, nguồn thức ăn dự trữ cho chăn nuôi bị ướt, hư hỏng do bị ngâm nước, khiến nhiều hộ nông dân chật vật tìm kiếm thức ăn để gia súc cầm cự, vượt qua đợt giá rét.

Sau đợt lũ liên tiếp, người chăn nuôi chật vật tìm kiếm thức ăn cho gia súc - 4

Bà Thương cắt thân chuối cho bò ăn để cầm cự qua đợt giá rét.

Hộ gia đình bà Phạm Thị Loan, xã Cam Tuyền nuôi 7 con bò, nhưng đợt lũ mấy tháng trước bị trôi hết 3 con. Hiện còn 4 con bò nhốt trong chuồng nhưng khan hiếm nguồn thức ăn.

"Mỗi bữa tui phải cắt thân chuối rồi trộn với ít cám để cho bò ăn, thậm chí cho ăn lá chuối để cầm cự. Đợt lũ vừa qua, bao nhiêu rơm rạ dự trữ bị ướt, cỏ ngoài đồng bị bùn bồi lấp", bà Loan nói.

Sau đợt lũ liên tiếp, người chăn nuôi chật vật tìm kiếm thức ăn cho gia súc - 5

Những ngày này bà con phải nhốt bò trong chuồng vì lạnh.

Dù đã có nguồn rơm dự trữ làm thức ăn cho bò nhưng cũng bị ngấm nước, hư hại. Những ngày này, hộ ông Lê Văn Hiếu, thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền phải loay hoay tìm kiếm thức ăn. Vợ ông Hiếu mỗi ngày phải cắt thân chuối, trộn thêm cám để cho bò ăn. Tuy nhiên, đến cây chuối người dân nơi đây vẫn phải đi mua.

"Hiện nguồn thức ăn dự trữ bị hỏng nên không có thức ăn. Lũ lụt gần 2 tháng khiến rơm và cỏ đều hư hỏng. Nhà trồng 2 sào cỏ voi mà ngập, hiện đang khan hiếm mua không có giống", bà Trần Thị Thương lo lắng.

Để đảm bảo cho đàn trâu bò có nguồn thức ăn, gia đình anh Trần Phi Bằng phải mua rơm từ các tỉnh phía Nam, mỗi cuộn từ 70-80 ngàn đồng, mua bã sắn… để cho trâu bò ăn, duy trì qua đợt rét.

Sau đợt lũ liên tiếp, người chăn nuôi chật vật tìm kiếm thức ăn cho gia súc - 6

Để duy trì đàn bò, người dân tìm đủ mọi cách để đảm bảo nguồn thức ăn.

Xã Cam Tuyền có hơn 1.381 con trâu, bò. Riêng thôn Bắc Bình có khoảng 300 con.

Ông Nguyễn Anh Tuân, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền cho biết, trước tình hình giá rét, địa phương đã tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi gia súc che chắn chuồng trại, giữ ấm cho vật nuôi, tập trung thức ăn tinh, phế phẩm nông nghiệp để đảm bảo sức sống cho trâu bò.

Ngoài ra, chính quyền vận động bà con hạn chế cho gia súc ra khỏi chuồng để tránh rét làm ảnh hưởng đến sức khỏe đàn gia súc.

Ông Tuân nói rằng, mặc dù bà con đã chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc về mùa đông. Nhưng năm nay, do đợt lũ kéo dài nên một số địa bàn ở vùng thấp trũng bị trôi thức ăn khô. Do đó, hiện nhiều hộ chăn nuôi bị thiếu thức ăn cho trâu bò. Các hộ tận dụng cây chuối, vào rừng cắt cỏ, lau cho bò.

Trong khi đó, đồng cỏ bị bùn bồi nên chết hết. Người dân đang phục hồi trồng lại cỏ, làm thức ăn cho trâu bò, nhưng vài tháng sau mới có. Do khan hiếm thức ăn nên một số hộ chăn nuôi nhiều buộc phải bán bò.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm