"Sập bẫy" khi tìm việc "nhập dữ liệu tại nhà"

Tưởng chừng công việc gõ mã ký tự đơn giản, không ít người đã ký hợp đồng, nộp tiền lệ phí "xin việc" để rồi... lương chẳng có, lệ phí cũng mất theo. Vụ việc liên quan tới Công ty TNHH Thế giới online (Hà Nội) dưới đây là một ví dụ mang tính cảnh báo.

Thời gian gần đây, thông tin tuyển dụng nhân viên nhập dữ liệu tại nhà với mức lương cao xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Tưởng chừng công việc gõ mã ký tự đơn giản, không ít người đã ký hợp đồng, nộp tiền lệ phí "xin việc" để rồi... lương chẳng có, lệ phí cũng mất theo. Vụ việc liên quan tới Công ty TNHH Thế giới online (Hà Nội) dưới đây là một ví dụ mang tính cảnh báo.


Những lời quảng cáo dễ thu hút mọi người.

Những lời quảng cáo dễ thu hút mọi người.

 


Hợp đồng do Công ty TNHH Thế giới online ký với người lao động.

Hợp đồng do Công ty TNHH Thế giới online ký với người lao động.

 

Nhập mỏi tay, lương không thấy

Chỉ cần tìm trên Google, sẽ thấy có đến hơn 443.000 kết quả liên quan đến công việc “tuyển nhân viên nhập dữ liệu tại nhà”. Chính vì đánh trúng tâm lý của những người muốn làm thêm tại nhà nên những trang quảng cáo này thường thu hút nhiều người tham gia.

Trình bày với chúng tôi, chị H.T.T (ở quận Long Biên, TP Hà Nội) cho biết: “Tôi biết Công ty TNHH Thế giới online qua mạng, nghĩ công việc khá đơn giản, chỉ là nhập dữ liệu, lại thấy có tên công ty, địa chỉ cụ thể, khiến tôi rất tin tưởng. Do hằng ngày phải làm việc với máy tính, tôi thấy công việc làm thêm này phù hợp với mình và gửi email xin phỏng vấn. Ngay sau đó, tôi nhận được email phản hồi và một cuộc điện thoại của nhân viên công ty hẹn lịch đến nhận việc”.

Khi chị T. đến trụ sở của công ty tại ngõ 1, số 40, phố Phạm Tuấn Tài, quận Cầu Giấy thì thấy có rất nhiều người đến nhận việc và đang được nhân viên kỹ thuật của công ty hướng dẫn nhập dữ liệu. Văn phòng công ty nằm ở tầng 1, văn phòng có 4 người. Chị T. được yêu cầu phải đóng 360.000 đồng, trong khi trên thông tin đăng tuyển và email thông báo đến giao việc không hề đề cập khoản tiền này. Khi chị thắc mắc thì phía công ty trả lời đây là phí hỗ trợ và duy trì phần mềm. Sau đó, chị được hướng dẫn công việc khoảng 2 phút.

Về đến nhà, chị T. nhận được email hướng dẫn cài đặt và cách sử dụng phần mềm nhập dữ liệu. Phía công ty cung cấp một mật khẩu và 3 tên truy cập để có thể dùng phần mềm trên 3 máy tính. Cài đặt xong phần mềm, ngày đầu tiên, sau 10-15 phút khởi động, trên màn hình làm việc của chị hiện ra một loạt ký tự nhập nhèm, có khoảng 5-6 ký tự tùy mỗi lần hiện mã, không như những ký tự mà chị đã được hướng dẫn lúc ở công ty. Theo quy định của công ty, nếu nhập 1.000 mã đúng thì sẽ được trả 15.000 đồng. Nếu 8 tuần kể từ ngày ký hợp đồng, mỗi tuần chị hoàn thành được 20.000 mã thì sẽ được hoàn trả lại số tiền 360.000 đồng. Ngày đầu tiên chị T. chỉ nhập được hơn 100 mã. Ngày thứ hai, khởi động chương trình cả ngày cũng không thấy hiện mã để nhập. Chị phản hồi với bộ phận kỹ thuật nhưng bộ phận kỹ thuật lại chuyển cho bộ phận hành chính, bộ phận hành chính nhận được mail và lại bảo chị chuyển qua bộ phận kỹ thuật, đùn đẩy trách nhiệm và cuối cùng chương trình vẫn không chạy ra mã.

Chị T. kể: “Mã dữ liệu khó nhìn, nhập nhằng, tôi sử dụng word, excel khá thành thạo vì có kinh nghiệm làm việc nhiều năm, vậy mà nhập mỏi tay vẫn sai. Mỏi mắt, mỏi tay mà cả ngày không được 1.000 mã, không kiếm nổi 15.000 đồng. Để có được 2.500.000 - 3.000.000 đồng như trong thông tin quảng cáo của công ty là điều không thể. Và để lấy lại số tiền 360.000 đồng là điều... không khả thi". 

Lỗi kỹ thuật hay lừa đảo?

Trao đổi với quản lý của công ty về những khúc mắc của chị T. khi đã phản hồi với công ty mà không nhận được lời giải đáp thích đáng, người đại diện văn phòng tên là Phong cho biết: “Tôi nghĩ là do lỗi kỹ thuật, tôi sẽ liên lạc lại với chị T. để kiểm tra và khắc phục lỗi”. Sau đó, phía công ty gọi điện thông báo với chị T. rằng: Chương trình không bị lỗi kỹ thuật mà do chị nhập mã sai nhiều lần nên tài khoản bị khóa. Bên công ty cấp thêm cho chị 2 tài khoản khác. Chị T. tiếp tục sử dụng 2 tài khoản này nhưng dãy mã ký tự vẫn nhập nhằng khó dịch và chưa đầy một tiếng sau, chương trình lại tiếp tục chạy cả tiếng đồng hồ không xuất hiện mã để nhập. Đến nay, chị T. đành ngậm ngùi chịu mất tiền, từ bỏ công việc mà không biết kêu ai.

Tìm hiểu thông tin về Công ty TNHH Thế giới online, chúng tôi được biết công ty này mới hoạt động từ đầu năm 2015, ngành nghề đăng ký kinh doanh không có lĩnh vực nào liên quan tới "nhập dữ liệu". Ngay trên các trang mạng quảng bá thông tin về công ty này như tại địa chỉ: http://www.thongtincongty.com/company/13392fe61-cong-ty-tnhh-the-gioi-online/, cũng có rất nhiều ý kiến phản ánh, "tố" công ty có dấu hiệu lừa đảo để lấy khoản phí hơn 300.000 đồng mà ứng viên tham gia. Vụ việc của chị T. không phải là cá biệt, đến nay, đã có nhiều sinh viên, người lao động phản ảnh trên báo chí với nhiều trường hợp "tiền mất tật mang", liên quan đến một số công ty khác.

Đề nghị các cơ quan quản lý cần sớm vào cuộc kiểm tra, thanh tra làm rõ hoạt động của loại hình kinh doanh thuê "nhập dữ liệu". Đồng thời, với người lao động, cần thận trọng, tìm hiểu kỹ càng để tránh "tiền mất tật mang" .

Theo Quân đội Nhân dân