Rùng mình với lễ hội nhảy múa cùng hộp sọ người

Trà Xanh

(Dân trí) - Những người tham gia thờ cúng sẽ nhảy múa với hộp sọ người và mang đầu lâu đi khắp nơi trên đường phố.

Rùng mình với lễ hội nhảy múa cùng hộp sọ người - 1
Lễ hội Gajan ở thành phố Bardhaman, Ấn Độ

Trong lễ hội kỳ lạ này, những tín đồ sẽ diễu hành quanh thành phố, cầm trên tay những chiếc đầu lâu của người chết với hy vọng sẽ làm hài lòng các vị thần và có một vụ mùa bội thu trong năm tới.

Đây được gọi là lễ hội Gajan, một lễ kỷ niệm của người Hindu được tổ chức vào tháng 4 hàng năm và kéo dài 1 tuần lễ ở bang Tây Bengal, Ấn Độ. Trong dịp lễ, người dân sẽ mặc đồ có màu sắc rực rỡ và khoe đầu lâu trước đám đông.

Rùng mình với lễ hội nhảy múa cùng hộp sọ người - 2
Hình ảnh cầm đầu lâu trong lễ hội khiến người xem rùng mình

Tờ DailyMail đưa tin lễ hội Gajan gắn liền với các vị thần Hindu, bao gồm Shiva, Neel và Dharmaraj. Những chiếc đầu lâu được đem đi diễu hành thường bị bôi sơn. Nhiều chiếc dường như vẫn còn tóc và một số vẫn còn răng.

Rùng mình với lễ hội nhảy múa cùng hộp sọ người - 3
Người tham dự cởi trần và đeo vòng hoa trên cổ

Trong khi những người cầm đầu lâu không khỏi bối rối khi chạm vào chúng thì một số người trong đám đông, đặc biệt là trẻ em, dường như không quan tâm lắm.

Theo nhiếp ảnh gia Avishek Das, ngày cuối cùng của lịch Bengali là vào giữa tháng 4. Đó cũng là khi các tín đồ thực hiện lễ hội truyền thống Gajan thờ xác chết, lễ hội có tuổi đời 100 năm tuổi để thỏa mãn thần Shiva, người sẽ đem lại mưa và mùa màng tốt tươi.

Trong lễ hội Gajan có các hội chợ, có người chơi âm nhạc và trống. Một số người còn tham gia vào các màn đốt lửa.

Rùng mình với lễ hội nhảy múa cùng hộp sọ người - 4
Một số trẻ em thậm chí còn tỏ ra thích thú với những chiếc đầu lâu

Vùng Tây Bengal, Ấn Độ vốn quen thuộc với các lễ hội và còn có những lễ hội đáng sợ khác khi những người đàn ông dùng những thanh sắt và móc sắt sắc nhọn để đâm vào cơ thể mình. Họ thường đâm vào môi, tai, cánh tay, ngực, bụng và lưng nhằm gây đau đớn. Biểu hiện của sự đau đớn được coi là một cách để những người thờ cúng thể hiện sự tôn sùng của họ đối với vị thần Hindu, Shiva, và để nhận được một mùa màng bội thu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm