Rùng mình các cơ sở ngâm chanh, quất thối làm mứt tết
Dịp cuối năm, nhu cầu về chanh, quất để làm mứt, ô mai của các cơ sở sản xuất mặt hàng này tăng cao. Để cung ứng cho các cơ sở, người dân thu gom cả chanh, quất giập nát, ủng vàng, chảy nước... Cơ sở sản xuất mứt, ô mai là nơi chăn thả gia súc, gia cầm.
Sửng sốt quy trình
Để tìm hiểu về việc làm này, PV trong vai một chủ cơ sở đi mua nguyên liệu để làm mứt tết và ô mai dễ dàng chứng kiến một vài quy trình sản xuất với công nghệ… chân tay thấy ớn tại phường Đồng Mai (Hà Đông, Hà Nội). Cơ sở này công khai ngay trong khu đất của Nhà văn hóa tổ 7, nhếch nhác, nơi nhiều người qua lại, cũng là nơi chăn thả gia súc, gia cầm.
Từ trung tâm Hà Nội chạy dọc theo hướng QL6A khoảng chục cây số, đến đầu cầu Mai Lĩnh rẽ men theo đường đê, đi qua UBND phường Đồng Mai rồi rẽ phải, đi thẳng đến Nhà văn hóa tổ 7. Đập vào mắt PV là một bãi phơi ngập ngụa quả chanh, quất lổn nhổn trên những miếng bạt nylon, bên cạnh là những con bò nhởn nhơ gặm cỏ, nhả phân, đàn gà cào, bới kiếm ăn, ruồi, nhặng bay vo ve. Một mùi hôi thối nồng nặc sộc lên mũi đến rùng mình.
Chưa khỏi sửng sốt, gần đó, trên con đường dẫn vào khu nghĩa địa, sát con sông Nhuệ với dòng nước đen kịt là 4-5 hố sâu được dùng để chôn, ủ chanh, quất; trên miệng hố là những dải nylon cáu bẩn, hoen ố vừa được móc lên từ dưới hố.
Tiếp cận một nhóm người đang vớt quả dưới hố, chúng tôi tận mắt chứng kiến họ cào vớt những đống quả dưới hố bằng cuốc, xẻng rồi đưa lên đổ đống lên những tấm bạt trải, sộc lên mùi chua lòm sặc sụa và thum thủm khiến những ai chứng kiến đều khó chịu.
Ghi nhận của PV, quy trình ủ chanh, quất cho “thối” theo phương thức rất đơn giản. Chủ cơ sở này đào hố sâu khoảng 3-5m, rộng 2-3m, rồi dựng vài cái cột gỗ để lợp vài tấm fibroximăng che nắng, mưa. Sau đó, họ rắc một lớp vôi bột, rải nylon lên rồi đổ chanh, quất, sấu… cả những quả giập nát, ủng vàng đã chảy nước rồi rải một lớp muối lên, phủ một lớp nylon cho kín các miệng hố.
Cứ vậy, khoảng 10 ngày sau khi chanh, quất chuyển vỏ thâm sì, chảy nước, bốc mùi, thì vớt lên phơi khô quắt lại rồi đóng bao nylon bán cho các cơ sở làm mứt, ô mai. Sau khi vớt những đống quả dưới hố đem đi phơi, họ không hề có động tác vệ sinh hố đất hay lớp nylon trải đựng sấu, quất, chanh ủ mà chỉ phơi khô qua loa, để vài hôm lại cho ủ mẻ khác, nhìn những hố này đều đục vàng, bốc mùi chua mốc.
Khi được hỏi về nguồn gốc số chanh, quất này, chị H - người làm trong cơ sở này - cho biết, chanh, quất được mua, gom tại các chủ vườn rồi đóng thành từng tải chuyển về, sau đó được đổ xuống hố. Mức giá thu mua chỉ vài trăm nghìn đến gần 1 triệu đồng/tấn nguyên liệu… Sau khi chế biến kỹ lưỡng, số quả này có giá cao hơn một chút (khoảng vài triệu đồng/tấn, tùy từng loại quả).
Phường không nắm được tình hình
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thoan - Chủ tịch UBND phường Đồng Mai - cho biết: Việc ngâm, ủ chanh, quất, sấu trên địa bàn phường Đồng Mai chỉ có duy nhất hộ của ông N. Trước đó, năm 2013, 2014 trên địa bàn của phường nhiều hộ dân có ngâm, ủ nhưng đã được phường xử lý. Hiện tại phường không nắm rõ được tình hình buôn, bán. Vị Chủ tịch UBND phường Đồng Mai cũng cho rằng, việc người dân ngâm, ủ chanh, sấu, quất không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Nếu có cũng không đáng kể.
Được biết, phường Đồng Mai (quận Hà Đông, Hà Nội) nổi tiếng với nghề sơ chế ô mai (loại ô mai đã được phơi khô nhưng chưa ướp đường, gừng và những gia vị khác). Những hộ thuộc địa bàn phường Đồng Mai chuyên ngâm, ủ chanh, quất, sấu cho các cơ sở làm mứt, ô mai đã có cả chục năm nay. Sau khi ủ và phơi qua nắng được xuất đến các cơ sở đặt hàng trong nước hoặc xuất khẩu sang Trung Quốc.
Các cửa hàng bán ô mai sau khi nhập hoa quả mặn từ đây về sẽ thông qua một số công đoạn như làm ngọt, xào đường, trộn gừng… Mỗi bao tải ô mai, được người bán san ra thành các gói nhỏ, đóng kèm thêm nhãn mác, ngay lập tức “hô biến” thành ô mai “sạch” đưa đi tiêu thụ.
Theo Lao động