Rơi lệ hình ảnh những “chiến binh” đầu trọc kiên cường chiến đấu ung thư
(Dân trí) - Nhiều bệnh nhi còn quá nhỏ để biết ung thư chính xác là cái gì, có nguy hiểm không, đáng sợ ra sao? Tuy nhiên, sự lạc quan, niềm tin chiến thắng bệnh tật là động lực để các con chiến đấu với các cơn đau giày vò mỗi ngày.
Với nhiều người, ung thư như án tử, mắc ung thư là cái chết đã được định sẵn. Thế nhưng, ở Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, hàng ngày các bác sỹ và những chiến binh đầu trọc đủ mọi lứa tuổi vẫn kiên cường chống chọi với bênh tật, lạc quan nhìn về tương lai phía trước. Với họ, ung thư không phải là kết thúc, vẫn có ánh sáng phía cuối đường hầm, điều quan trọng là phải mạnh mẽ chiến đấu đến cùng.
Trong đó, đa phần là các em còn rất nhỏ, đang trong độ tuổi cắp sách đến trường, nhiều trường hợp có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn.
Bé Nguyễn Việt Cường (sinh năm 2016, dân tộc Tày, Lạng Sơn) mắc u võng mạc. Con đã điều trị được 3 đợt hóa chất. Từ khi nhập viện, cậu bé giảm 3 kg, đôi bàn tay bé nhỏ chi chít những mũi kim truyền, khuôn mặt cũng xanh xao do tác dụng phụ của việc điều trị thuốc. Đau đớn là thế nhưng theo bà Dương Thị San (bà nội bé Cường), con chỉ khóc khi tiêm, còn bình thường rất bản lĩnh.
Cậu bé Nguyễn Văn Bình (6 tuổi, Hải Dương), lí lắc hồn nhiên nhất phòng bệnh. Nghe nụ cười giòn tan, đôi mắt sáng thông minh, lúc nào cũng vui cười của Bình ít ai biết, con mắc bệnh ung thư xương, đã từng phải trải qua 18 đợt điều trị hóa chất, 5 lần mổ với không ít đau đớn, giày vò.
Năm nay, Bình vào lớp 1, mỗi lần đến đợt điều trị hóa chất, con phải xin nghỉ học cùng bố khăn gói lên Hà Nội. Cậu bé đã phẫu thuật cắt bỏ một chân, nên thường được mọi người trong phòng bệnh gọi vui là: chú lính chì dũng cảm. Bình cũng thích biệt danh này và thường cười giòn tan mỗi khi được ai nhắc đến.
Mang trong mình căn bệnh ung thư, các em nhỏ đang điều trị tại Bệnh viện K thường phải “ở viện nhiều hơn ở nhà” và hầu hết đều phải trải qua các đợt điều trị hóa chất, đau đớn đến héo mòn cơ thể. Ước mơ được cắp sách tới trường, được nô đùa với bạn bè vì thế cũng phải tạm gác lại. Trong ảnh là một bệnh nhi ung thư mệt mỏi thiếp đi trên giường bệnh trong khi truyền thuốc.
Đau đớn nhất là mỗi lần đến đợt lấy máu xét nghiệm, những đôi bàn tay bé xíu chi chít những mũi kim truyền. Con khóc, ông bà bố mẹ cũng nức nở lên từng hồi.
Bé Nguyễn Thị Thanh Thảo, gần 3 tuổi có hoàn cảnh khá thương tâm. Mẹ mất vì ung thư não khi bé vừa tròn 8 tháng tuổi, người bố cũng mắc bệnh trầm cảm. Khi phát hiện ung thư tủy, con được ông nội đưa ra Hà Nội điều trị. Mỗi lần các bác sỹ lấy máu, tiêm truyền, cô bé khóc thét đòi mẹ, khiến nhiều người xung quanh ứa nước mắt vì thương.
Ông nội Nguyễn Thanh Hiền (ông nội bé Thảo) khóc nức nở vì thương cháu còn quá nhỏ đã phải chịu nỗi đau bệnh tật, giày vò.
Một người bố âu yếm dỗ dành cho con quên cơn đau đớn trong khi truyền thuốc
Bé Trần Thị Ngọc Linh (14 tuổi, Hà Nam) mắc u đại tràng và ung thư buồng trứng, cô bé thiêm thiếp ngủ trên giường bệnh, cố gắng lấy lại sức để chuẩn bị bước vào các đợt điều trị hóa chất tiếp theo.
Một cô bé say sưa đọc sách tại tủ sách của bệnh viện. Em còn quá nhỏ để biết ung thư chính xác là cái gì, có nguy hiểm không, đáng sợ ra sao? Tuy nhiên, sự lạc quan, niềm tin chiến thắng bệnh tật là động lực để các bệnh nhi ở đây chiến đấu với các cơn đau đớn giày vò mỗi ngày.
Theo các bác sỹ, ung thư không phải là án tử. Y học ngày càng hiện đại, nếu được phát hiện điều trị sớm tỷ lệ phục hồi của người bệnh rất khả quan. Điều quan trọng là phải luôn lạc quan, kiên cường chiến đấu với bệnh tật.
Hà Trang
Ảnh, video: Toàn Vũ