Rể Tây nguyện ở nhà sàn, theo phong tục người Dao để được cưới sơn nữ
Người đàn ông quốc tịch Pháp đã đem lòng cảm mến nàng sơn nữ dân tộc Dao. Sau nhiều lần trò chuyện, bỏ qua những cách trở về văn hóa và lối sống, cả hai đã nguyện cùng nhau “kết tóc xe tơ”.
Những ngày tháng làm việc tại hồ Thác Bà (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái), người đàn ông quốc tịch Pháp đã đem lòng cảm mến nàng sơn nữ dân tộc Dao. Sau nhiều lần trò chuyện, bỏ qua những cách trở về văn hóa và lối sống, cả hai đã nguyện cùng nhau “kết tóc xe tơ”. Nhưng ít người biết, để có cơ hội làm chồng nàng sơn nữ, chàng kỹ sư người Pháp đã phải lập lời hứa với bố vợ… kém anh 2 tuổi.
Tình yêu của đôi uyên ương Tây - Ta
Qua hàng trăm năm bồi đắp nền văn hóa đặc sắc, riêng biệt, người Dao quần trắng (người Dao chia thành nhiều nhóm khác nhau dựa vào phong tục mà biểu hiện rõ nhất là ở trang phục – PV) đặc biệt khắt khe trong việc chọn rể. Mỗi thiếu nữ người Dao lấy chồng thì điều kiện tiên quyết phải là cùng dân tộc, nói cùng ngôn ngữ. Bởi vậy, khi Tiberghien Fredo (SN 1966, quốc tịch Pháp, tên Việt là Bình - PV) được các già làng chấp nhận làm con rể người Dao thì đó quả thực là một sự kiện vô cùng hiếm có.
Đám cưới của Fredo và Lý Kiều Xuân được tổ chức vào cuối tháng 8/2014 đã trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận ở Đồng Chằm (xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái). Ngày đám cưới diễn ra, nhiều người vẫn không thể tin được một chàng trai đến từ trời Tây lại chọn nơi này làm điểm dừng chân. Trong nụ cười rạng ngời hạnh phúc, chỉ có Fredo và chính tân nương xinh đẹp mới hiểu, chàng rể người Pháp đã phải vượt qua sóng gió lớn lao nhường nào để có được tình yêu và hạnh phúc đích thực. Trong nụ cười rạng ngời hạnh phúc, chỉ có Fredo và chính tân nương xinh đẹp mới hiểu, chàng rể người Pháp đã phải vượt qua sóng gió lớn lao nhường nào để có được tình yêu và hạnh phúc đích thực.
Dọc theo hồ Thác Bà mênh mông, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của đôi vợ chồng đặc biệt. Người dân địa phương cũng nhiệt tình chỉ dẫn bởi hạnh phúc đặc biệt của Fredo đã trở thành câu chuyện quá nổi tiếng tại đây. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn đơn sơ, Fredo nói chuyện bằng tiếng Việt khá sõi. Dù là người ngoại quốc nhưng nếp ăn ở, sinh hoạt của người đàn ông này mang đậm bản sắc văn hóa của người Dao. Theo lời Fredo thì anh là “kết quả” về sự dung hòa của hai dòng máu. Cha anh là người Pháp còn mẹ anh là người Việt Nam. Fredo đã có thời gian sinh sống ở Việt Nam gần 20 năm nên anh luôn xem nơi đây như quê hương thứ hai của mình. Anh sinh ra ở thủ đô Paris (Pháp) nhưng phần lớn thời gian sinh sống ở Việt Nam. Và khi đặt chân đến miền núi xa xôi này, trái tim anh đã loạn nhịp trước vẻ đẹp hoang dại, thuần khiết của nàng sơn nữ dân tộc Dao. Tuy nhiên tình yêu của Fredo và Kiều Xuân lại gặp phải sự cản trở của gia đình. Bởi ngoài yếu tố ngoại quốc thì Fredo còn nhiều tuổi… hơn cả bố vợ. Gia đình cô gái e sợ, mối tình “đũa lệch” này sẽ khó đưa Kiều Xuân đến một cuộc sống hạnh phúc.
Ngồi bên cạnh con rể, ông Lý Văn Mạnh (SN 1968) nói: “Ngay khi con gái đưa Fredo về ra mắt, gia đình tôi đã kịch liệt phản đối. Bởi Fredo là người ngoại quốc, lại hơn tôi đến hai tuổi. Ở dân tộc Dao, chuyện con gái lấy người mang quốc tịch khác làm chồng là việc chưa từng xảy ra. Biết chuyện, già làng cũng đã đến khuyên nhủ. Sau này, chúng tôi chỉ đổi ý khi Fredo chấp nhận sẽ làm rể, học văn hóa người Dao, ăn cơm, uống nước người Dao”. Sau khi nhận sự chấp thuận của gia đình, sự phá lệ đồng ý của già làng, hai người đã tổ chức đám cưới trước sự chúc phúc của anh em, họ hàng.
Fredo chia sẻ, mặc dù biết anh đã từng có hai đời vợ nhưng Xuân vẫn đem lòng yêu thương anh. Điều này khiến anh thực sự cảm động. Cha anh là người Pháp nhưng lấy vợ Việt Nam và bây giờ anh cũng vậy. Theo Fredo thì người phương Tây quan niệm, sự chân thành mới là điều quan trọng chứ không quan tâm quá nhiều về quá khứ của nhau. Tuy nhiên sống ở Việt Nam khá lâu, anh hiểu được văn hóa của người Việt. Chuyện Xuân làm vợ anh sẽ chịu phải chịu thiệt thòi. Dẫu vậy, hai người vẫn quyết tâm đến với nhau, cùng xây dựng một gia đình hạnh phúc.
“Trái ngọt” tình yêu
Thời gian trôi đi, hai người đã có với nhau một cô con gái, đặt tên là Lý Tường Vi (tên tiếng Pháp là Tiberghien Metis-PV). Bé gái mới được hơn hai tháng tuổi nhưng rất kháu khỉnh, vừa có nét giống bố lại vừa giống mẹ. Cũng từ khi có con, tình cảm của đôi vợ chồng này càng thêm bền chặt. Fredo đã quyết định ở hẳn tại vùng đất này. Anh chấp nhận làm lại từ đầu, học để hiểu văn hóa người Dao, trở thành một người Dao chính hiệu để gia đình vợ vui lòng, để bà con dân bản thực sự chấp nhận.
Anh chia sẻ: “Khi quay trở lại Việt Nam, tôi xác định sẽ phải bắt đầu lại mọi thứ. Tôi đã làm việc ở nhiều nơi trên khắp cả nước. Nhưng khi đặt chân đến hồ Thác Bà này, tôi nhận thấy đây là nơi có tiềm năng du lịch khá lớn. Cũng tại đây, tôi đã quen Xuân và rồi tình yêu của giữa chúng tôi dần nảy nở. Sau tình cảm đã chín muồi, chúng tôi quyết định làm bạn trăm năm. Tôi cũng hiểu khi cùng vợ ở lại miền rừng heo hút này thì mình phải quên những thứ tiện ích nơi thành thị hay trời Âu đi. Kiều Xuân là người con của núi rừng, sống với văn hóa, hơi thở của núi rừng. Hạnh phúc của chúng tôi, bởi thế phải được xây dựng trên thứ văn hóa, hơi thở ấy”.
Nói về chuyện tình của mình, chị Lý Kiều Xuân (SN 1990, vợ Fredo –PV) ngượng nghịu bảo: “Có lẽ duyên số đã sắp đặt chúng tôi đến với nhau. Trước đó, tôi thi trượt đại học nên mới quyết định đi học Khoa tiếng Anh của trường Cao đẳng sư phạm Yên Bái. Ra trường với tấm bằng loại ưu, tôi xin vào làm tại công ty du lịch Vila Vũ Linh do Fredo quản lý. Sau nhiều lần tiếp xúc, cả hai đã yêu nhau lúc nào không hay”.
Gần một năm sống ở vùng miền núi này, Fredo đã trở thành một người con thực thụ của mảnh đất Đồng Chằm. Ngoài thời gian làm việc tại công ty, Fredo lại trở về với vai trò một người con rể của người Dao quần trắng. Những lúc rảnh rỗi, anh sẵn sàng xắn quần lội xuống ruộng cấy, cày cùng bố mẹ vợ. Anh bảo thời gian đầu làm rể quả là một thử thách lớn. “Ban đầu, bậc làm cha mẹ như chúng tôi không mấy hài lòng về cậu con rể này. Những việc chúng tôi nhờ làm nó đều không biết. Tuy hơn tuổi tôi thật nhưng hầu như mọi việc đều phải dạy như một đứa trẻ mới tập tành việc đồng áng. Nhưng được cái, Fredo rất chăm chỉ, cái gì không biết thì nhiệt tình hỏi. Đến bây giờ, nó đã biết làm những công việc đơn giản thường ngày”, ông Mạnh chia sẻ.
Khi được hỏi về dự định tương lai, chị Xuân cho biết: “Tuy Fredo về đây ở rể theo phong tục của người Dao nhưng chúng tôi dự định sẽ một lần về thăm quê hương của anh ấy. Bố mẹ anh đều đã mất nhưng bên đó vẫn còn cô em gái Tiberghien Zoe và anh em họ hàng. Bởi vậy chúng tôi vẫn phải về thăm. Thực sự việc anh ấy quyết định gắn bó với mảnh đất Đồng Chăm này là điều không hề dễ dàng. Hiểu được điều đó, tôi lại càng yêu thương anh nhiều hơn”. Chia tay vợ chồng Fredo – Kiều Xuân, chúng tôi thầm chúc cho họ sẽ mãi có cuộc sống hạnh phúc như hiện tạị.
Chàng rể Tây chưa nhập được quốc tịch
Ông Mạnh cho biết thêm, mặc dù về Việt Nam đã lâu nhưng con rể ông vẫn phải đằng ký hộ khẩu tạm trú chứ chưa thể nhập quốc tịch. Hiện tại, gia đình vẫn đang nỗ lực giúp Fredo sớm trở thành một công dân của Việt Nam.
Theo Gia đình & Xã hội