Rất khó loại bỏ lượng kháng sinh tồn dư trong vật nuôi khi chế biến

(Dân trí) - Dư lượng hoá chất, kháng sinh khi đã tồn lưu trong thủy sản nuôi thì không có phương pháp nào để loại bỏ được trong quá trình chế biến, bảo quản. Khi con người ăn phải những sản phẩm vật nuôi này sẽ gây hại tức khắc hoặc tích tụ sau một thời gian sử dụng và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Nói về tác hại của việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) – cho biết: Việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản sẽ dẫn đến khả năng tồn dư hoá chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi cao.

Rất khó loại bỏ lượng kháng sinh tồn dư trong vật nuôi khi chế biến (Ảnh minh họa internet).
Rất khó loại bỏ lượng kháng sinh tồn dư trong vật nuôi khi chế biến (Ảnh minh họa internet).

“Dư lượng hoá chất, kháng sinh khi đã tồn lưu trong thủy sản nuôi thì không có phương pháp nào để loại bỏ được trong quá trình chế biến, bảo quản. Dư lượng hoá chất, kháng sinh tồn lưu trong thủy sản nuôi tùy từng loại sẽ gây hại tức khắc hoặc tích tụ sau một thời gian sử dụng và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng” – ông Tiệp cho biết.

Ông Nguyễn Như Tiệp lấy ví dụ: Kháng sinh cấm Chloramphenicol trước đây được ghi nhận là 1 loại kháng sinh đặc trị nhiều loại bệnh nhiễm khuẩn, nhưng sau đó bị đưa vào danh sách cấm sử dụng do phát hiện tác dụng phụ gây ức chế sự hoạt động của tủy xương dẫn tới thiếu máu và suy tủy. Ngoài ra, Chloramphenicol còn gây ra hội chứng xanh xám ở trẻ sơ sinh; Nitrofuran (với các dẫn xuất: AOZ, AMOZ,...) là hóa chất có thể gây ung thư cho người sử dụng; Malachite Green (bao gồm dẫn xuất là Leucomalachite Green) cũng là chất có khả năng gây ung thư cho người;... Bên cạnh đó, việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh (sử dụng không đúng cách, đúng liều lượng) có thể làm xuất hiện các chủng kháng thuốc (nhờn thuốc) nên khi điều trị bệnh cho người sẽ không có hiệu quả.

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết: Nếu con người ăn phải các sản phẩm vật nuôi có lượng tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng cao sẽ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh hay nói cách khác là nhờn kháng sinh. Khi bị kháng kháng sinh sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong rất cao do quá trình điều trị không hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, khi người dân sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản còn dẫn đến những thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế như: Tác hại trước mắt là nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam đã bị cơ quan thẩm quyền nước ngoài cảnh báo do tồn dư hóa chất, kháng sinh và bị trả về, gây thiệt hại kinh tế lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như uy tín của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế; từ đó tác động tiêu cực ngược lại ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam nói chung và chính các hộ dân có sử dụng hóa chất kháng sinh nói riêng (do các nước nhập khẩu tăng cường kiểm tra hàng thủy sản của Việt Nam dẫn tới thời gian thông quan chậm, chi phí cơ hội lớn nên giảm khả năng cạnh tranh; khi các nhà nhập khẩu e ngại và hạn chế nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam thì sẽ dẫn tới tồn kho, giảm giá nên cả doanh nghiệp và người dân đều bị thiệt hại, thậm chí bị thua lỗ/phá sản).

Về công tác giám sát tồn dư hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Như Tiệp thông tin thêm: Hàng năm, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tổ chức triển khai Chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật, sản phẩm động vật thủy sản nuôi (Chương trình dư lượng) theo quy định tại Thông tư số 31/2015/TTBNNPTNT ngày 6/10/2015 của Bộ NN&PTNT. Chương trình dư lượng được triển khai nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp có dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi (bao gồm thuốc thú y, chất kích thích sinh trưởng và sinh sản, chất xử lý môi trường nuôi, các chất độc hại có nguồn gốc từ thức ăn, từ môi trường nuôi và các chất chuyển hoá của chúng) để đảm bảo an toàn thực phẩm cho thủy sản tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm