Quảng Trị: Cá chép “cháy” hàng dịp Tết ông Táo

(Dân trí) - Để chuẩn bị lễ cúng tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời, nhiều người dân tại Quảng Trị đã đổ xô đi mua cá chép đỏ, khiến loại cá này trở nên đắt hàng, dù giá cao nhưng bà con vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua, miễn chọn được cá đẹp về cúng.

Theo tục lệ, cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, mọi nhà đều tất bật sửa soạn cúng Táo Quân (hay còn gọi là ông Công, ông Táo) lên chầu trời.

Vào ngày này, mọi người sẽ chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, ban thờ sao cho gọn gàng, sạch sẽ. Đồng thời sẽ làm một mâm cỗ, ba bộ quần áo bằng vàng mã, ba con cá chép sống, cùng xôi, chè mật và hương hoa tiễn ông Táo về chầu trời. Phong tục thờ cúng Táo Quân của dân tộc ta là một tín ngưỡng văn hóa dân gian, chứa đựng những truyền thống tốt đẹp.

Vào dịp Tết ông Công ông Táo, cá chép đỏ lại bán rất chạy
Vào dịp Tết ông Công ông Táo, cá chép đỏ lại bán rất chạy

Ghi nhận tại Quảng Trị, dù ngày mai (23 tháng Chạp âm lịch) mới chính thức đến Tết ông Táo, nhưng hiện người dân địa phương đã tất bật đi mua cá chép, quần áo bằng vàng mã… Trước nhu cầu tín ngưỡng của người dân, giá cả các loại cá chép, đặc biệt là cá chép đỏ trở nên đắt hơn thường ngày. Thậm chí, nguồn cá chép không cung ứng đủ để bán cho người dân.

Theo khảo sát, giá cá chép hiện nay dao động từ 30-40 ngàn đồng/đôi cá lớn, 20-30 ngàn đồng/đôi cá chép nhỏ. Nếu bán lẻ thì mỗi con cá chép có giá từ 8-10 ngàn đồng. Nguồn cung cá chép được mua từ Quảng Bình và các huyện lân cận như Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng.

Do nhu cầu tiêu thụ nhiều trong khi nguồn cung không đủ nên cá chép có giá cao hơn
Do nhu cầu tiêu thụ nhiều trong khi nguồn cung không đủ nên cá chép có giá cao hơn
Mỗi đôi cá chép có giá từ 20-40 ngàn đồng tùy loại to hoặc nhỏ
Mỗi đôi cá chép có giá từ 20-40 ngàn đồng tùy loại to hoặc nhỏ

Chị Võ Thị Yến, bán cá ở chợ Đông Hà cho biết: “Ngày hôm qua tui mua cá từ Quảng Bình với giá 150 ngàn đồng/kg để vào bán dịp Tết ông Táo. Ngồi bán ở chợ từ sáng đã tiêu thụ được khoảng 15kg, dự kiến chiều nay có thể nhiều hơn. Nhu cầu của người mua rất đông nên ca chép cũng được bán hết. Gía cả như vậy cũng chưa cao lắm nên ai cũng vui vẻ mua về cúng. Tuy nhiên, nguồn cung cấp thì lại rất hiếm”.

Còn bà Bùi Thị Xuân cho hay, từ sáng bà đưa lên chợ hơn chục kg cá chép nhưng hiện đã bán hết. “Người dân mình luôn coi trọng tín ngưỡng nên sẵn sàng chi tiền để mua cá về cúng ông Táo. Ai cũng hy vọng một năm mới gặp nhiều may mắn và thuận lợi hơn”, bà Xuân nói.

Bên cạnh các quầy cá chép thì hàng vàng mã cũng bán rất chạy vào dịp này. Gía mỗi bộ lễ vàng mã dao động từ 80-120 ngàn đồng nhưng vẫn hút khách.

Hàng vàng mã cũng bán rất chạy dịp này
Hàng vàng mã cũng bán rất chạy dịp này

Tại các chợ trung tâm TP Đông Hà, chợ phường 5, phường 3… các tiểu thương bày bán đồ lễ bằng vàng mã với số lượng lớn. Dịp Tết là cơ hội để tiêu thụ hàng hóa nên các cơ sở đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng từ trước để bán ra thị trường.

Các loại vật dụng kèm lễ như tượng, đất cát, hoa cũng tiêu thụ rất nhanh
Các loại vật dụng kèm lễ như tượng, đất cát, hoa cũng tiêu thụ rất nhanh

Với tâm lý ông Công, ông Táo là những vị thần cai quản bếp núc trong nhà nên ai cũng cố gắng sắm chu toàn nhất từ nhà cửa, ngựa, xe, quần áo,... Chị Thương (người tiêu dùng) cho biết: Bên cạnh Tết cổ truyền thì Tết ông Công, ông Táo cũng rất quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người dân. Ai cũng cầu mong cho năm mới tốt đẹp hơn nên việc bỏ ra vài trăm nghìn đồng để sắm lễ cũng là điều dễ hiểu và không quá lớn.

Đối với các gia đình có kinh tế bình thường thì lễ cúng ông Táo cũng khá đơn giản. Tuy nhiên, các đồ lễ như vàng mã, cá chép và các loại hương hoa cũng không thể thiếu.

Đăng Đức