Quản lý kháng sinh trong chăn nuôi phải cả hệ thống chính trị vào cuộc

(Dân trí) - “Mặc dù Thanh tra Bộ NN&PTNT thời gian gần đây đã phát hiện, xử lý nhiều sai phạm về sử dụng nguyên liệu kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Nhưng do các đối tượng có nhiều thủ đoạn khác nhau, do đó cần cả hệ thống chính trị vào cuộc mới dẹp được” – ông Phạm Tiến Dũng, Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết.

Ông Phạm Tiến Dũng (bìa phải), Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành – Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao đổi với PV Dân trí.
Ông Phạm Tiến Dũng (bìa phải), Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành – Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao đổi với PV Dân trí.

Liên quan đến công tác quản lý, thanh tra và kiểm tra đối với việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành – Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT).

Nhiều công ty, cơ sở sản xuất bị xử phạt

Ông Phạm Tiến Dũng cho biết, trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2016, hoạt động thanh tra, kiểm soát việc nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh, kinh doanh sai mục đích nguyên liệu kháng sinh và sản xuất trái phép thuốc kháng sinh, sử dụng nguyên liệu kháng sinh không đúng quy định của người chăn nuôi chủ yếu do Thanh tra Bộ phối hợp với Cục Thú y và các Cục như C49, C46, A86 – Bộ Công an tiến hành. Các địa phương chưa tham gia vào hoạt động này do đây là hoạt động phức tạp, có chuyên môn sâu và liên quan tới hệ thống từ nhập khẩu, kinh doanh và tổ chức sản xuất đến sử dụng.

Năm 2016, Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra đối với 15 công ty nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh. Đây đều là những công ty nhập khẩu lớn với tổng lượng nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu, phân phối lưu thông chiếm 70% tổng số nguyên liệu kháng sinh được nhập. Các đơn vị nêu trên nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh với mục đích thương mại và dùng để sản xuất thuốc thú y, cụ thể là có 5/15 công ty nhập khẩu với mục đích sản xuất, 9/15 công ty nhập khẩu với mục đích thương mại và 1/15 công ty nhập khẩu vừa sản xuất vừa thương mại.

Qua thanh tra phát hiện 5 công ty nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh có hành vi vi phạm là bán sai đối tượng. Đây đều là công ty nhập khẩu với mục đích thương mại. Trung bình có khoảng 16% là số nguyên liệu kháng sinh được các công ty nhập khẩu đã bị bán sai đối tượng, các đối tượng này mua về để sử dụng nguyên liệu kháng sinh sai mục đích (bán lại hoặc đưa vào Premix nhưng không ghi thành phần kháng sinh trên bao bì). Đối với các công ty thương mại thì tỷ lệ vi phạm là 22%. Sai phạm phát hiện chủ yếu được thực hiện trong năm 2014.

Thanh tra Bộ đã tiến hành xử lý nghiêm đối với các công ty nhập khẩu có hành vi vi phạm, đình chỉ có thời hạn hoạt động nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh đối với 5 công ty, rút chứng chỉ hành nghề đối với 2 công ty.

Nói về việc truy xuất và xử lý các công ty có hành vi vi phạm về kháng sinh, ông Dũng cho biết: Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra trực tiếp đối với 30 công ty có vi phạm về nguyên liệu kháng sinh. Đã tiến hành xử lý 23 công ty, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 1,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ cũng đã củng cố hồ sơ và xác lập hành vi vi phạm đối với gần 200 đối tượng là các công ty sản xuất nhỏ, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, trang trại chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản…nằm rải rác ở các tỉnh miền Tây và TP Hồ Chí Minh chuyển cho các địa phương xử lý.

Thanh tra Bộ đã lập 3 Đoàn thanh tra đột xuất (phối hợp với A86, C46 và C49) phát hiện 3 công ty sản xuất kháng sinh không phép với 17 mặt hàng, xử phạt 425 triệu và buộc tiêu hủy sản phẩm vi phạm. Cục Thú ý đã phát hiện vi phạm và xử lý đối với 3 công ty vi phạm về kinh doanh nguyên liệu kháng sinh bán sai đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 49,5 triệu đồng.

Phải cả hệ thống chính trị vào cuộc mới dẹp được!

Trả lời câu hỏi của phóng viên về những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, thanh tra và kiểm tra đối với việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ: “Hiện đang có một bất cập là chỉ có cấp Cục trở lên thì mới có thể kiểm tra được các cơ sở sản xuất, còn cấp Chi cục thì không làm được. Do đó, khi phát hiện sự việc mà cấp Chi cục không làm được, các địa phương lại cho Thanh tra Sở NN&PTNT vào cuộc, nhưng lực lượng này lại không có chuyên môn sâu, do đó nhiều khi không tìm ra các sai phạm của các cơ sở sản xuất đó”.

Cũng theo ông Phạm Tiến Dũng, hiện nay còn có hiện tượng người dân mua cả kháng sinh dành cho người để về sử dụng cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đây thực sự là vấn đề rất khó kiểm soát. Theo ông Dũng, mỗi khi phát hiện sự vụ, vụ việc cụ thể liên quan đến vấn đề sử dụng kháng sinh trái phép trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản thì người đứng đầu địa phương, đứng đầu cơ quan chuyên môn địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

“Khi mà lực lượng thanh tra phát hiện sai phạm trong sử dụng kháng sinh ở địa phương nào thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Chỉ khi nào cả hệ thống chính trị cùng quyết tâm vào cuộc thì mới dẹp được câu chuyện lạm dụng kháng sinh trong căn nuôi và nuôi trồng thủy sản”- ông Phạm Tiến Dũng cho biết.

Nguyễn Dương