Phụ nữ ĐBSCL tham gia “sức sống Mê Kông” tiết kiệm được hơn 3 tỷ đồng
Dù khó khăn, bị động và thu nhập bấp bênh, nhưng từ khoản tiết kiệm 10.000 đồng/người/tuần và kế hoạch kinh doanh cá thể hợp lý, hơn 260 ngân hàng nhóm với sự tham gia của 5.787 phụ nữ Vĩnh Long đã tiết kiệm được hơn 3 tỷ đồng và cho vay gần 11 tỷ đồng, cải thiện đáng kể năng lực cá nhân, độc lập tài chính và chất lượng sống của phụ nữ địa phương.
“Dạy làm cần câu chứ không trao con cá”
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long, Tổ chức phi chính phủ PACT và Công ty Coca-Cola cùng triển khai dự án “Sức sống Mê Kông” từ 2013 nhằm nâng cao năng lực phụ nữ tại khu vực ĐBSCL. Mục tiêu ban đầu là tiếp cận và hỗ trợ 5.000 chị em Vĩnh Long, hướng dẫn mọi người tự làm “chiếc cần câu” chứ không chỉ chờ chương trình “trao con cá”.
“Sức sống Mê Kông” là chương trình tài chính dựa trên tiết kiệm, ở đó chị em tập hợp thành các ngân hàng nhóm, hoạt động dựa trên: Tiết kiệm và thảo luận để tìm ra phương thức phát triển kinh doanh cá thể, sử dụng tiền vay có hiệu quả, có doanh thu, để chi trả khoản đã vay từ ngân hàng nhóm. Không chỉ vậy, các chị em cần nghĩ cách tăng lợi nhuận để tích lũy tiền cho quỹ, tiếp tục trợ giúp các thành viên khác.
Nhóm kinh doanh tối ưu, nhóm xã hội thân thiện
Tính đến 8/2015, có 5.787 phụ nữ tham gia dự án, 261 ngân hàng nhóm, tiết kiệm hơn 3 tỷ đồng và tạo khoản vay cho thành viên trị giá hơn 10 tỷ đồng, xuất sắc vượt chỉ tiêu gần 40%, giúp cuộc sống của chị em tích cực và lạc quan hơn.
2 năm trước, chị Kim Chi thuộc ngân hàng nhóm Thành Công, Tam Bình, Vĩnh Long có lúc bế tắc khi phải xoay vòng vốn mua cá, tiếp tục bán để trang trải chi phí gia đình. “Nhờ tham gia dự án đúng thời điểm và được các thành viên giúp đỡ, tôi đã thoát được nỗi ám ảnh bị “cụt vốn””, chị kể. “Ngày đầu, chỉ riêng việc gói ghém công việc, sắp xếp thời gian đi họp thường kỳ với chị em và chuẩn bị khoản tiết kiệm 10.000 đồng/tuần đối với tôi cũng đã khó lắm rồi. Sau 18 tháng tham gia, không những đóng được khoản tiết kiệm bắt buộc, tôi còn góp thêm 100.000 đồng tiền tiết kiệm tự nguyện trong mỗi lần họp. Tôi phấn khởi lắm, việc buôn bán cũng dễ thở, giờ thấy mình sống có ích khi giúp đỡ được chị em khác”.
Không chỉ giúp tạo dựng kinh tế ổn định, “Sức sống Mê Kông” còn đưa chị em Vĩnh Long xích lại gần nhau, trở thành nhóm xã hội thân thiện. Thông qua những buổi bàn luận, các thành viên dần cải thiện khả năng giao tiếp, biết bày tỏ quan điểm, tranh luận, đóng góp ý kiến.
Chị Tống Thị Thủy – Tấm gương vượt khó vốn được biết qua mô hình nuôi lươn không chỉ cải thiện về tài chính gia đình mà còn thay đổi tích cực hình ảnh xã hội. Dù không có điều kiện ăn học nhưng chị may mắn được chị em dạy chữ, phép tính, ghi chép sổ sách để quản lý vốn, lãi. “Trước đây tôi ngại tiếp xúc với mọi người vì mặc cảm nhưng khi tham gia dự án, tôi tự tin hơn, biết phát biểu ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh khi họp nhóm”, chị chia sẻ. Đến nay, chị Thủy đã vay quỹ nhóm với số tiền 21 triệu đồng để tiếp tục ấp ủ xây dựng cuộc sống mới và chia sẻ cách thoát khó khăn với nhiều chị em.
Nhờ ý chí phấn đấu của hơn 5.787 chị em tỉnh Vĩnh Long và nỗ lực đồng hành, phối hợp triển khai, sâu sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tổ chức phi chính phủ PACT và côn ty Coca-Cola, dự án bước đầu đã gặt hái được không ít thành công. Với kết quả này, các đơn vị thực hiện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình để không chỉ mang đến lợi ích kinh tế mà còn là cơ hội rèn luyện kỹ năng mềm, nâng cao năng lực, giúp chị em thoát cảnh khó khăn và biết cách tiết kiệm.