Phòng tránh bệnh lý tuổi học đường

Sự thay đổi trong quá trình phát triển và trưởng thành của trẻ em tuổi học đường luôn tạo ra các nguy cơ bệnh lý.

Phòng tránh bệnh lý tuổi học đường - 1

Hiểu biết thêm về những đặc điểm phát triển của nhóm tuổi sẽ giúp có biện pháp tích cực bảo vệ sức khỏe, đồng thời tạo điều kiện cho trẻ phát triển và học tập tốt. Sau đây là một số đặc điểm, vấn đề thường gặp và biện pháp phòng tránh mà các chuyên gia y tế khuyến cáo các bậc phụ huyên nên chú ý:

Đặc điểm

Tuổi học đường được tính từ 7 tuổi trở đi, có đặc điểm phát triển trí thông minh nên trẻ tiếp thu nhanh mọi kiến thức, biết suy nghĩ và phán đoán. Bắt đầu phân biệt giới tính. Tâm lý bắt đầu chịu tác động trực tiếp của xã hội và môi trường. Do vậy dễ bị tác động bởi môi trường xấu, còn lầm lẫn giữa tình yêu đôi lứa và bạn khác phái trong lớp. Dễ mất cân bằng tâm lý do chịu áp lực nặng nề về học tập.

Thời kỳ dậy thìkhoảng từ 11 tuổi trở đi là thời kỳ chuyển tiếp giữa trẻ em và người lớn. Trẻ lớn tối đa, các giới tính phụ trưởng thành nên có những thay đổi rất nhanh về dáng vẻ cơ thể bên ngoài. Điểm đáng chú ý ở thời ký này là có nhiều xáo trộn về tâm sinh lý.

Trẻ luôn trong trạng thái lo âu, sợ hãi về những biến đổi hình dáng, cơ quan sinh dục, có nhu cầu rất lớn được tâm sự, chia sẻ, hướng dẫn giải thích, và tự đi tìm tình thương, tình bạn, tình yêu. Rất tò mò, thích hành động táo bạo phiêu lưu nhưng lại muốn thể hiện tính độc lập do vậy trẻ dễ có những biểu hiện tiêu cực.

Vấn đề thường gặp

Hành vi bạo hành học đường: Đây là hành vi chịu ảnh hưởng trực tiếp của truyền thông, kinh nghiệm cá nhân trong gia đình, xã hội, trường học. Cần lưu ý nguy cơ xảy ra ở những trẻ đã từng đánh nhau, mang vũ khí trong người, bị lạm dụng tình dục, hoặc có những sự cố trong học tập như bị chế nhạo hay học lực kém.

Rối loạn ăn uống: những biểu hiện chán ăn hoặc ăn nhiều là dạng rối loạn tâm lý chưa xác định được nguyên nhân nhưng người ta nhận thấy thường xảy ra ở trẻ gái có tâm lý sợ mập, hoặc những trẻ trước đây thường mẫu mực, học khá giỏi.

Trầm cảm: suy nghĩ cảm tính, bồng bột, háo thắng, nên dễ bị trầm cảm khi gặp những thất bại trong học tập, tình cảm. Nếu không được quan tâm chữa trị đúng mức, để lâu khó chữa khỏi và trở thành rối loạn tâm lý ở tuổi trưởng thành.

Tự tử: có xu hướng gia tăng hiện nay, xảy ra ở nữ nhiều hơn nam. Nguy cơ cao ở những trẻ đã từng tự tử trước đó, rối loạn tâm lý và ở những trẻ nghiện ngập. Trẻ thường uống các thuốc đi mua và hóa chất bảo vệ thực vật vì những thứ này dễ mua hoặc có sẵn.

Nghiện ngập: trẻ thường bắt chước theo người lớn cả những việc tiêu cực. Lúc đầu chỉ là bắt chước do ảnh hưởng của những yếu tố xã hội, bạn bè nhưng khi trở nên nghiện ngập thì chịu nhiều yếu tố tâm lý, sinh học. Những dấu hiệu sớm như có triệu chứng tâm lý, học kém hơn, thay đổi thói quen hàng ngày, thường xuyên xảy ra tai nạn, có khi chỉ biểu hiện thường có vấn đề về hô hấp.

Hành vi tính dục trước hôn nhân: Nếu không được giáo dục giới tính và các biện pháp ngừa thai sẽ xảy ra những tình huống như có thai ở tuổi vị thành niên hoặc mắc phải những bệnh lây lan qua đường tình dục: giang mai, lậu, HIV….

Phòng tránh

Kết hợp giáo dục sức khỏe trong chương trình học ở trường và trên các phương tiện truyền thông, nhằm tác động dần dần trên cả 3 bình diện thói quen gia đình, nhà trường và cả cộng đồng.

Đưa vào chương trình giáo dục sức khỏe giới tính cho những lớp cuối cấp, tuyên truyền hướng dẫn những biện pháp ngừa thai. Cần có đơn vị y tế điều trị chuyên cho lứa tuổi này để kịp thời tham vấn cho trẻ về các vấn đề sức khỏe và xã hội.

Xã hội cần có những biện pháp phòng ngừa đối với lứa tuổi này bằng những hoạt động ngoại khóa bổ ích như thể thao, câu lạc bộ vui chơi, giải trí lành mạnh. Tổ chức học chữ, học nghề, hướng nghiệp và tìm việc làm.

Tạo môi trường sống an toàn cho trẻ: tăng cường giáo dục sức khỏe cho phụ huynh về đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi này, hỗ trợ để tạo cho trẻ sự tin tưởng, an tâm đối với gia đình, giúp trẻ vượt qua những thất bại và nghịch cảnh.

Theo Khánh Phương
Báo Xây dựng

 

Phòng tránh bệnh lý tuổi học đường - 2