Phó TGĐ Samsung Việt Nam: Thông thạo tiếng Việt như tiếng Hàn
(Dân trí) - Trong suốt hơn 1 giờ đồng hồ trò chuyện với phóng viên báo Dân trí, vị Phó Tổng Giám đốc phụ trách nhân sự Samsung Việt Nam – ông Lee Cheol Ku (người Hàn Quốc) - không cần bất kỳ trợ giúp nào từ thông dịch viên,…
Trả lời thành thạo bằng tiếng Việt mọi câu hỏi khó mà phóng viên đưa ra, thậm chí đôi khi còn thêm thắt vào những “từ lóng”. Ông Lee cho biết đã miệt mài học tiếng Việt trong suốt 6 năm qua chỉ vì mục đích “có thể trò chuyện với người Việt Nam một cách thoải mái”.
Ông nói tiếng Việt rất tốt, ông học Tiếng Việt ở đâu và mất bao lâu để có thể nói tiếng Việt tốt như vậy?
Tôi bắt đầu lên mạng tìm đọc những cuốn sách dạy tiếng Việt, ngay khi có quyết định sang Việt Nam vào năm 2010. Trước đó, tôi cũng đã nói thông thạo tiếng Trung rồi. Có thể nói, tiếng Việt, tiếng Hàn và tiếng Trung có rất nhiều âm tiết giống nhau, nên việc học tiếng Việt cũng không khó lắm đối với tôi. Trong 2 tháng đầu, tôi đã học thuộc 2.000 câu thoại thường xuyên sử dụng khi làm việc tại Việt Nam. Có thể nói, người thầy tiếng Việt đầu tiên của tôi là người lái xe cho tôi hàng ngày. Trong suốt 6 năm qua, tôi có 2 tiếng mỗi ngày để luyện tiếng Việt với người lái xe trên con đường đến công ty và đi về nhà.
Động lực nào khiến ông tập trung học tiếng Việt đến vậy?
Nếu không nói được tiếng Việt thì tôi không thể hòa đồng với cuộc sống tại Việt Nam nhanh đến vậy, tiếp cận trực tiếp với các các nhân viên bản địa của mình gần đến vậy. Nếu như tôi nói chuyện với các bạn nhân viên dưới xưởng thông qua phiên dịch, các em sẽ thấy không thoải mái. Vì vây, tôi đã đặt mục tiêu trong 3 năm phải nói chuyện với nhân viên của mình hoàn toàn bằng tiếng Việt và học hát 3 bài hát tiếng Việt (cười). Đến giờ, tôi đã học thuộc 6 bài hát và có thể trò chuyện được bằng tiếng Việt.
Hiện tôi đang nắm giữ 2 trong 8 số điện thoại đường dây nóng (hotline) của Samsung để nhân viên có thể liên hệ trực tiếp đến mình. Tất nhiên, các nhân viên họ không biết là đang gọi điện cho tôi (cười). Mỗi ngày tôi nhận được ít nhất 20 – 30 cuộc gọi và tin nhắn trao đổi công việc từ nhân viên, trong đó không ít những tin nhắn và điện thoại khẩn cấp đến từ lúc nửa đêm hay 1h sáng. Nếu những lúc đó mà tôi không biết tiếng Việt, hẳn công việc của tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Có thể thấy rằng, Samsung phát động khá thành công chiến dịch hiến máu tình nguyện “Chung dòng máu Việt”, trong đó ông là một trong những lãnh đạo tích cực tham gia hiến máu? Làm thế nào mà chiến dịch này có thể khuyến khích được một số lượng tham gia đông đến vậy?
Ở Samsung, chúng tôi theo đuổi quan niệm truyền thống lâu đời là “giọt máu cho đi, không chỉ đơn thuần là máu, mà còn mang ý nghĩa về sự sống và tình yêu”. Việc hiến máu, vì thế, cũng mang ý nghĩa là chia sẻ sự sống, sinh mệnh và tình yêu. Chúng tôi luôn khuyến khích và tạo động lực để mỗi nhân viên Samsung Việt Nam, dù là người Hàn hay người Việt, luôn sẵn lòng sẻ chia khó khăn với cộng đồng. Vì vậy, tôi, cũng như toàn bộ lãnh đạo và nhân viên người Hàn Quốc khác, đều sát cánh cùng các nhân viên Việt Nam tham gia hiến máu trong chiến dịch “Chung dòng máu Việt”.
Chiến dịch “Chung dòng máu Việt” đã được triển khai tại nhà máy Samsung Electronics Việt Nam từ năm 2011, và năm nay đã bước sang năm thứ 6. Riêng trong năm 2015, chương trình hiến máu tình nguyện của Samsung tổ chức tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và Hà Nội đã mang lại 7.193 đơn vị máu, chiếm 23% tổng lượng máu tiếp nhận được của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương trong tháng 7/2015. Năm 2016, Samsung kỳ vọng có thể khuyến khích và thu hút khoảng 10.000 nhân viên tham gia hiến máu thành công.
Với kinh nghiệm quản lý của mình, ông nhận thấy nhân viên Samsung tại Việt Nam có gì khác với nhân viên Samsung Hàn Quốc?
Một trong những lý do mà Samsung quyết định đầu tư tại Việt Nam đó là lực lượng lao động của các bạn rất ưu tú và dồi dào. Về cơ bản tôi thấy các nhân viên Việt Nam cũng như các bạn nhân viên của Samsung bên Hàn Quốc đều rất ưu tú, chăm chỉ và trung thực. Chỉ có một hạn chế là lực lượng lao động của Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm làm việc trong lĩnh vực thiết bị điện tử. Tuy nhiên tôi tin điều này sẽ được khắc phục trong 3 – 5 năm tới.
Samsung sẽ có những hướng khắc phục như thế nào đối với những hạn chế này của nhân lực Việt Nam?
Chúng tôi tập trung rất nhiều vào việc nâng cao đào tạo cho đội ngũ nhân viên hiện tại để các bạn luôn được trau dồi kinh nghiệm và trình độ. Chúng tôi tập trung đào tạo, không chỉ bởi các bạn sẽ làm việc và cống hiến cho Samsung mà còn để các bạn có được một nghề nghiệp vững chắc cho tương lai sau này, ngay cả khi các bạn không còn làm việc cho Samsung nữa.
Xin cảm ơn ông!
Hà Anh