Phát triển sản phẩm OCOP khơi dậy tiềm năng kinh tế của địa phương

Nguyễn Hành Trường Thịnh

(Dân trí) - Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở An Giang đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc trưng, ngành nghề nông thôn và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP.

Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định để các địa phương trên cả nước thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP). Trên cơ sở đó, An Giang thực hiện Đề án Mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn từ 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Các chuyên gia thực hiện Chương trình OCOP cho rằng, phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển.

Phát triển sản phẩm OCOP khơi dậy tiềm năng kinh tế của địa phương - 1
Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang (thứ nhất bên phải) cho rằng, thời gian tới, An Giang vừa tập trung phát triển sản phẩm OCOP, vừa tiếp cận thị trường hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP đặc sắc, gia tăng giá trị và bền vững trong phát triển kinh tế nông thôn.

Sau hơn 2 năm, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở tất cả các địa phương, sự vào cuộc của hệ thống chính trị và các cấp chính quyền từ cấp xã, huyện đến tỉnh. Đến nay, 11/11 huyện, thị xã, thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP. Cùng với đó, bộ máy tổ chức triển khai Chương trình OCOP được xây dựng từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã theo Đề án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang.

Tính đến tháng 12/2021, An Giang đã có 62 sản phẩm sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, bao gồm: 12 sản phẩm đạt 4 sao và 48 sản phẩm đạt 3 sao và đặc biệt có 02 sản phẩm Gạo Thơm đặc sản Thiên Vương và Gạo ngon Tiến vua Tiên Nữ của Công ty TMHH MTV Lương thực Thoại Sơn - Tập đoàn Lộc Trời được Trung ương công nhận 5 sao (cấp Quốc gia). 

Phát triển sản phẩm OCOP khơi dậy tiềm năng kinh tế của địa phương - 2
Sản phẩm OCOP tỉnh An Giang được trưng bày và giới thiệu trong khuôn khổ Hội Nghị toàn quốc Tổng kết Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô (thành phố Hà Nội) vào ngày 23/3/2021.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang cho biết, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc trưng, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP.

Từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt là gắn với vai trò của Hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) góp phần tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng còn gặp một số khó khăn. Vì theo ông Lâm, đây là một chương trình mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực, do đó trong quá trình triển khai thực hiện một số địa phương còn lúng túng trong cách làm, cách xác định lợi thế, tiềm năng, sản phẩm.

Các chủ thể chỉ mới tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có; một số cơ chế hỗ trợ chưa được cụ thể hóa, chưa chú trọng đến phát triển theo chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu,…dẫn đến những khó khăn trong quá trình triển khai ở một số địa phương.

Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ: "Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là vai trò của các Sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh vào đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Thông qua đó, các địa phương đã thấy được tiềm năng, thế mạnh để có những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương".

Theo ông Trần Anh Thư, thời gian tới, An Giang sẽ tiếp tục tập trung vào các chính sách, giải pháp hỗ trợ để thúc đẩy các Chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm, tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng của địa phương; chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất, từng bước tiếp cận thị trường gắn với chuỗi giá trị, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP đặc sắc, gia tăng giá trị và bền vững trong phát triển kinh tế nông thôn.

Đặc biệt là các tiềm năng lợi thế phát triển Sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng, điểm du lịch, phát triển các mô hình Du lịch sinh thái; xây dựng và thực hiện các giải pháp đặc thù đối với vùng khó khăn, đồng bào dân tộc; gắn với ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP.

Lãnh đạo tỉnh An Giang nhấn mạnh, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP góp phần phát giá trị văn hóa để phát triển kinh tế nông thôn; xu hướng gắn các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ngày càng phát triển theo hướng tích cực và được triển khai ở nhiều địa phương với nhiều cách làm hay, hiệu quả.