Phát triển bền vững - Hành trình nghiêm túc đã và đang mang đến những lợi ích thiết thực
Nhìn lại con số 500 doanh nghiệp tham gia đánh giá phát triển bền vững năm 2017 phần nào khẳng định được rằng, cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam đang thật sự nỗ lực cùng chung sức xây dựng mục tiêu phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội nước nhà.
Năm 1987, trong báo cáo “Tương lai chung của chúng ta” của Hội đồng thế giới về môi trường và phát triển (WCED) của Liên Hợp Quốc, phát triển bền vững được định nghĩa là “sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau.” Và trong hơn hai thập kỷ qua tại Việt Nam, với những thành công được ghi nhận, việc tiến đến phát triển bền vững dường như không thể nói là “cuộc dạo chơi” đối với một xu hướng nhất thời, mà thực tế cho thấy, cộng đồng các doanh nghiệp trong nước đã và đang nỗ lực hiện thực hoá, tạo ra được những lợi ích thiết thực cho chính doanh nghiệp và cộng đồng.
Ý nghĩa của phát triển bền vững đối với doanh nghiệp
Thực hiện kế hoạch kinh doanh bền vững giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua việc bố trí tận dụng các nguồn lực, nâng cao năng suất của nhân viên, đồng thời giảm thiểu các chi phí vận hành. Hơn nữa, trong bối cảnh thị trường có vô số sự lựa chọn về sản phẩm/dịch vụ có thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng thì những doanh nghiệp có những biểu hiện tích cực đối với các giá trị con người, xã hội và môi trường được mọi người chú ý hơn cả. Một doanh nghiệp được đánh giá là phát triển bền vững sẽ xây dựng được hình ảnh tích cực hơn đối với người tiêu dùng, và sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp cũng được quan tâm, cân nhắc lựa chọn.
Bên cạnh đó, phát triển bền vững còn giúp doanh nghiệp thu hút được nguồn nhân lực dồi dào, tiềm năng cùng chung tay xây dựng hướng đến những mục tiêu chung. Chưa kể, thu hút, xây dựng và giữ chân nguồn nhân lực tiềm năng, có kỹ thuật cao là một trong những mối quan tâm lớn của quốc gia nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay nói riêng trước nền kinh tế hội nhập. Đóng góp vào mục tiêu này, Coca-Cola dành nhiều mối quan tâm vào việc phát triển tài năng Việt, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng đội ngũ chuyên viên chất lượng cao theo tiêu chuẩn toàn cầu. Mỗi năm, công ty đầu tư 1,4 triệu đô la Mỹ để tuyển dụng và phát triển nhân viên. Tính đến nay, Coca-Cola đã có khoảng 2.500 nhân viên, trong đó đáng tự hào với hơn 99% là người Việt Nam.
Những giá trị thiết thực mang đến cho cộng đồng
Phát triển bền vững đòi hỏi kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, gìn giữ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Là một ví dụ điển hình, Coca-Cola những năm vừa qua đã liên tiếp đầu tư các dây chuyền sản xuất với công nghệ tiên tiến nhất, tuân thủ các tiêu chuẩn gắt gao của Chính phủ Việt Nam và toàn cầu, hạn chế tối đa những ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Đáng chú ý, nhằm hướng đến việc thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp 4.0, Coca-Cola sẽ đưa vào vận hành mô hình nhà máy sản xuất thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất, số hoá và đồng bộ cơ sở dữ liệu; áp dụng hệ thống cảm biến thông minh kiểm soát các chỉ tiêu chất lượng; dây chuyền sản xuất được tự động hoá và điều khiển bằng robot, khép kín, ổn định nhằm cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao.
Nhằm mục tiêu chung tay giải quyết vấn đề xã hội đang được quan tâm hàng đầu hiện nay là nguồn nước sạch, Coca-Cola cùng với mô hình EKOCENTER trong những năm qua đã cung cấp nguồn nước an toàn cho người dân, cùng những tiện ích thiết yếu cho đời sống hàng ngày. Bên cạnh đó, các khóa tập huấn khởi nghiệp E-learning cũng được tổ chức tại các trung tâm với sự kết hợp cùng Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hướng đến mục tiêu hỗ trợ nâng cao kỹ năng kinh doanh, cải thiện thu nhập cho phụ nữ tại nhiều địa phương trên cả nước. Năm 2017, EKOCENTER tiếp tục đẩy mạnh trao quyền kinh tế cho các chị em doanh nhân thông qua mô hình doanh nghiệp xã hội.
Ngoài ra, công ty cũng chú trọng hỗ trợ người dân kiểm soát biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Coca-Cola đã khởi xướng nhiều dự án tập trung bảo vệ nguồn nước ở các lưu vực sông quan trọng cùng với sự hỗ trợ, phối hợp của các tổ chức phi chính phủ uy tín, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với chính quyền địa phương. Nổi bật, dự án “Túi má khỉ” (Monkey Cheeks), mô hình sinh kế dựa vào nước lũ hỗ trợ chiến lược trữ lũ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được Coca-Cola áp dụng thực hiện tại Việt Nam trong năm 2018 nhằm bảo vệ nguồn nước và hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững.
Trên thực tế, việc gắn kết các mục tiêu phát triển bền vững cùng với định hướng phát triển kinh doanh mang đến hiệu quả cao hơn trong hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời tạo ra những giá trị thiết thực cho cộng đồng xã hội. Bảng xếp hạng doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2017 được tổ chức nhằm nâng cao vai trò của các doanh nghiệp trên hành trình hướng đến mục tiêu chung, cũng như cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập. Là một trong số những doanh nghiệp cam kết phát triển bền vững ngay từ những ngày đầu thành lập, Coca-Cola đã được vinh danh trong top 10 doanh nghiệp xuất sắc lĩnh vực sản xuất. Cùng với hàng loạt những hoạt động thiết thực hướng đến cộng đồng, vừa qua, Coca-Cola còn vinh dự nhận Giải thưởng Amcham ghi nhận cho những nỗ lực của tập thể doanh nghiệp.