Phát hiện 800 tấn vàng trên đảo Robinson Crusoe
Juan Salinas, một kỹ sư người Tây Ban Nha đã chế ra chiếc robot có khả năng dò kim loại cực nhạy. Và nhờ chiếc máy này nhóm tìm kiếm đã phát hiện ra kho báu 800 tấn vàng nằm ở độ sâu 15 m dưới đáy biển của hòn đảo giấu vàng nổi tiếng Robinson Crusoe.
Kho báu này tìm thấy ở một đảo có thật lấy tên là Robinson Crusoe ở phía Tây Chile, trị giá khoảng 10,5 tỉ USD.
“Đây là kho báu lớn nhất trong lịch sử”, thành viên trong đội tìm kiếm ông Fernando Uribe Echeverria do hãng Wagner tổ chức cho biết. Họ vừa trở về thủ đô Santigo de Chie để xin phép khai quật kho báu.
Sau khi nghe tin, một kho báu khổng lồ tại đảo Robinson Crusoe, lập tức 140 giường khách sạn trên đảo chật kín khách. Song hằng ngày các chuyến phi cơ từ Valparaíso vẫn đều đặn tiếp tục chở các lượt khách mới.
Giá trị đống vàng dự tính khoảng 10,5 tỉ USD này đã khiến nhiều người mờ mắt. Các quan chức tại địa phương thì khăng khăng khẳng định số vàng sẽ thuộc hoàn toàn vệ họ.
Trên thực tế, luật pháp Chile quy định rõ, giá trị cổ vật sẽ được chia đôi, một nửa dành cho người là chủ vùng đất nơi phát hiện ra kho báu (đây chính là nhà nước Chile), nửa kia dành cho người tìm thấy.
Bản thân kỹ sư Juan Salinas lại rất thanh thản. Ông tuyên bố không màng tới chuyện tiền bạc, ông chỉ muốn chứng tỏ chiếc robot của mình hoạt động thật tuyệt vời. Ông muốn nhắm tới các khách hàng tương lai, tiềm năng: Bên quân sự và các công ty khai khoáng sản.
Ông có gợi ý nên chia đôi số vàng, nửa đầu theo đúng luật dành cho nhà nước Chile, nửa còn lại nên chia cho người dân đảo Robinson Crusoe và tất nhiên mỗi người sẽ được tới... hàng triệu USD. Bằng không, hãng Wagner sẽ thiêu huỷ tất cả tài liệu liên quan tới cuộc tìm kiếm để kho báu tiếp tục vùi sâu trong lòng đất!
Nguồn gốc kho báu huyền thoại
Năm 1580, cướp biển John Watling dùng hòn đảo này làm bàn đạp để tấn công thành phố Arica (Bắc Chile). Khi đảo mang tên ban đầu là Mas a Fuera do Juan Fernández đặt cho, ngoài 60 người da đỏ mang cừu, gà lên đây thử cắm lều, chẳng ai muốn tới đó... sinh sống! Thậm chí mãi đến năm 1750 đảo vẫn là một hòn đảo hoang.
Năm 1714, viên thủy sư đô đốc Tây Ban Nha Juan Esteban Ubilla y Echeverria chở tàu “chiến lợi phẩm” hắn cướp được của người da đỏ Inca đem về châu Âu tới đây.
Sợ triều đình Bourbon khi đó cai trị tịch thu mất, hắn hạ lệnh chuyển 80 thùng gỗ đầy vàng bạc châu báu lên đảo, bí mật bắt liên lạc với người Anh và trao cho họ sơ đồ đánh dấu (rất mù mờ) nơi giấu vàng.
Khốn khổ thay, Ubilla bị chết đuối một năm sau đó và đem theo mọi bí mật xuống đáy biển.
47 năm sau, cướp biển Cornelius Web được triều đình Anh cử đi truy tầm kho báu. Webb đã tìm thấy kho báu, nhưng đánh hơi thấy một cuộc nổi loạn đang hình thành, hắn châm lửa đốt kho thuốc súng trên tàu “Unicorn” và thủ tiêu luôn đám phiến quân.
Mãi đến năm 1950, người ta tình cờ tìm thấy bức thư Web để lại trước khi qua đời chỉ ra vị trí mới của kho báu được hắn mã hóa khá kỹ lưỡng.
Cư dân ở đây cuốc xẻng ra tìm, nhiều người cất công tìm kiếm kho báu huyền thoại trên hòn đảo rộng 47,1 km2, rồi cả nhà triệu phú người Mỹ, Bernarrd Keiser năm 1998 cũng cày nát hòn đảo, song vận may vẫn chẳng mỉm cười.
Chỉ đến khi Juan Salinas tìm đến, kho báu mới xuất hiện!
Đảo được đặt tên Robinson Crusoe
Năm 1704, thủy thủ người Scotland, Alexander Selkirk sau khi cãi vã với thuyền trưởng của mình đã bỏ lên đảo hoang ở ẩn. 5 năm trên hòn đảo cách Chile 700 km về phía Tây, Selkirk rất cô đơn, sống như người tiền sử. Tình cờ, một chiếc tàu khác đi qua, các thủy thủ động lòng thương đã cho ông ghé về London, nơi nhà văn Daniel Defoe sinh sống.
Khi đó nhà văn đã viết 200 tác phẩm, nhưng tên tuổi vẫn vô cùng nhạt nhòa. Từ nhân vật thực Selkirk, nhà văn đã sáng tạo ra một cuốn truyện ly kỳ, nhiều chi tiết có cái tên Robinson Crusoe. 10 năm sau, cái tên Daniel Defoe luôn được mọi người yêu văn học trên thế giới nhắc tới. Hòn đảo từ bỏ tên cũ Mas a Fuera, mang tên rất nổi tiếng Robinson Crusoe.
Trước khi Julian tìm ra kho báu, Robinson Crusoe (Chile) hiếm lắm mới có khách du lịch hoài cổ tìm đến để thăm thú và thưởng ngoạn.
Theo Thể thao Văn hóa