PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai: Tài trợ từ VINIF xuất hiện đúng lúc cấp bách nhất
(Dân trí) - Hội đồng Khoa học do Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup thành lập đã phải gấp rút vào cuộc để chọn ra những dự án nghiên cứu cấp bách và có khả năng ứng dụng cao với mong muốn tự Việt Nam có thể tạo nên những sản phẩm chống lại dịch Covid-19.
Điều đó được gửi gắm vào những dự án theo PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai là không những đáp ứng yêu cầu khẩn thiết của xã hội mà còn mang tính quốc tế.
PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đồng thời là thành viên Hội đồng Khoa học đã có những chia sẻ về quá trình này.
- Xét duyệt 8 dự án trong thời gian gấp rút, hội đồng đã làm việc và đưa ra những tiêu chí thế nào để sự lựa chọn được chính xác?
Khi tôi nhận lời làm thành viên Hội đồng xét duyệt các dự án khoa học để Quỹ VINIF tài trợ, Quỹ yêu cầu tôi phải rất gấp để kịp thời ứng phó với đại dịch. Sự sốt sắng, nhanh chóng vào cuộc của Quỹ được hiểu là sự chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch, nên khi được mời là thành viên hội đồng, chúng tôi ý thức sự tin tưởng của Quỹ, vì vây bản thân tôi cùng các thành viên hội đồng cũng phải rất cố gắng, làm sao đáp ứng được yêu cầu nhanh, kịp thời, vừa phải đảm bảo lựa chọn được những dự án khoa học phù hợp với tiêu chí của Quỹ .
Yêu cầu trước hết đối với dự án được chọn là có hàm lượng khoa học tốt, có thể hoàn thành trong thời gian ngắn và khả năng ứng dụng của nó trong hiện tại và có thể phát triển tiếp trong tương lai. Tiếp đó, chúng tôi đặt vấn đề ý nghĩa của dự án này đối với Việt Nam và quốc tế như thế nào? Chúng tôi xét rất nhiều yếu tố khác nhau và 2 dự án được chọn đã đáp ứng được những yêu cầu đó.
- Cụ thể, hai dự án khoa học được chọn có tính khả thi, tính ứng dụng như thế nào để có thể đáp ứng được yêu cầu của giới chuyên môn cũng như nhà tài trợ?
Cả 2 dự án đều đáp ứng được yêu cầu cấp bách của xã hội và mang tính quốc tế. Trước hết, phải nói đến dự án “Phát triển vaccine chống lại chủng mới của virus corona (COVID-19) trên giá thể baculovirus ở quy mô phòng thí nghiệm”. Vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch. Việc nghiên cứu vaccine vô cùng cấp thiết, phải đảm bảo phòng chống dịch bệnh cho cả cộng đồng, chứ không phải chỉ một vài cá nhân đơn lẻ.
Dự án “Phát triển hệ thống cảnh báo sớm quốc gia về dịch bệnh COVID-19 toàn cầu nhằm đánh giá nguy cơ lây nhiễm và xây dựng kế hoạch đáp ứng khẩn cấp” cũng khiến tôi rất ấn tượng vì có khả năng dự báo dịch. Các mô hình dự báo/cảnh báo sẽ giúp cho định hướng các biện pháp phòng chống bệnh tại Việt Nam và hạn chế các ảnh hưởng đến kinh tế -xã hội.
- Sự đồng hành kịp thời của quỹ xuất phát từ doanh nghiệp tư nhân như VINIF có ý nghĩa như thế nào đối với nghiên cứu khoa học trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, theo bà?
Tài trợ này rất kịp thời, đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của dự án. Nếu dịch chấm dứt rồi mới bắt đầu nghiên cứu thì sẽ không còn ý nghĩa gì nữa, vì thế tài trợ của VINIF thực sự ý nghĩa với 2 dự án nghiên cứu trên. Dự án nghiên cứu vaccine thì luôn luôn là cấp thiết khi dịch bệnh do căn nguyên virus xảy ra, vì nó mang tính chất bảo vệ cho cả một cộng đồng lớn. Có vaccine sớm ngày nào, chúng ta được bảo vệ sớm ngày đó.
Còn đối với dự án thứ hai, việc có được tài trợ của Quỹ rất quan trọng, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh đang diễn ra như hiện nay, vì nó giúp cho các nhà nghiên cứu có thể triển khai, thu thập được những số liệu về sự lưu hành của dịch bệnh, những số liệu dịch tễ học, càng nhiều càng tốt. Điều này rất quan trọng không chỉ trong bệnh dịch này, mà có thể áp dụng cho tất cả các bệnh truyền nhiễm khác nữa.
Sự hỗ trợ của doanh nghiệp lúc này không những góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn thúc đẩy những nghiên cứu, giúp sức biến những ý tưởng thành hiện thực. Vingroup cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên chung tay cùng Nhà nước trong việc đẩy lùi COVID-19, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tham gia hội đồng xét duyệt dự án lần này, với cách làm việc và điều hành của Quỹ, tôi cảm nhận được sự khoa học, cơ chế quản lý tiến bộ có thể gọi là “thoáng” đã đáp ứng được ngay những yêu cầu cấp thiết về nghiên cứu khoa học trong thời kỳ bệnh dịch.
Xin cảm ơn bà!
Hương Giang (thực hiện)