Ông lão 20 năm sống nhờ những cuốc xe đêm
(Dân trí) - Ban ngày không cạnh tranh nổi với thanh niên trai tráng khỏe mạnh và lại có xe đẹp, ông Cẩn chọn chạy xe ôm vào giấc nửa đêm về sáng. 20 năm qua, vợ chồng ông sống được ở Sài Gòn nhờ vào những cuốc xe đêm như thế!
Đêm trắng mưu sinh
Ông Lưu Văn Cẩn năm nay đã gần 70 tuổi. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, đáng lẽ mỗi đêm ông phải được nghỉ ngơi quây quần bên con cháu. Nhưng vì hoàn cảnh, ông phải chọn màn đêm làm thời gian mưu sinh. Gần 20 năm qua, cứ khoảng 20h tối là ông có mặt tại góc ngã tư Hàm Nghi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, TPHCM) để hành nghề xe ôm.
Gần 20 năm qua, chưa đêm nào góc phố này vắng bóng của ông, bất kể trời mưa gió hay những ngày mắc bệnh, ông vẫn cần mẫn với công việc của mình. Những lúc mát trời, ông ngồi ngoài vỉa hè ngắm dòng người qua lại và chờ khách. Còn khi mưa gió, mái hiên nhà và tủ điện gần đó là nơi che mưa chắn gió cho ông.
Ông Cẩn cho biết: “Tôi chạy ban đêm vì ít xe, tuổi già tay chân yếu rồi, đi ban ngày xe đông nguy hiểm lắm. Với lại nhà tôi chật chội lắm, con cháu đi học, đi làm về mệt để cho nó được ngủ thoải mái. Tôi ra ngoài để hít thở không khí coi vậy mà khỏe hơn ở nhà”.
“Đi làm một đêm như vậy tôi kiếm được hơn 100 nghìn đồng. Cũng có lúc ngồi cả đêm chẳng có đồng nào. Số tiền ấy để tôi chi phí ăn uống, dành dụm để đi khám bệnh cho tôi và vợ những lúc trái gió trở trời”, ông chia sẻ thêm.
Công việc tuy vất vả và thu nhập ít ỏi là vậy nhưng ông Cẩn vẫn bám trụ với nghề suốt 20 năm qua vì ông quan niệm: “Còn sức còn làm, không muốn mình là gánh nặng cho con cái”.
Những năm gần đây, khi mô hình xe ôm công nghệ xuất hiện cũng đồng nghĩa với việc đồng tiền mà ông kiếm được ngày càng ít đi. Ông Cẩn than: “Lúc trước lâu lâu tôi mới có một đêm về tay trắng. Chứ bây giờ ngồi cả đêm mà chẳng có một khách nào là chuyện bình thường”.
Thực tế vậy bởi đa số người ta chuộng xe ôm công nghệ vì tính tiện dụng của nó. Những người làm nghề xe ôm truyền thống như ông đã lỗi thời với thực tại.
“Tôi không muốn đăng ký xe công nghệ bởi vì tuổi tác đã lớn, không quen. Sức khỏe cũng không đủ để bon chen cùng với các bạn trẻ. Thôi đành bây giờ làm có bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu thôi!”, ông nói.
Căn gác nhỏ cưu mang 3 thế hệ
Chúng tôi tìm đến nhà ông tại một con hẻm sâu trên đường Nguyễn Thái Bình (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM). Bước lên những bậc thang cao và dốc, phía trên trần lại quá thấp, chúng tôi phải khom người thật thấp mới có thể đi qua đoạn cầu thang để lên “nhà” của ông.
Đó là căn hộ trần thấp như căn gác xép chỉ rộng khoảng 25m2 mà được ngăn ra cho hai hộ gia đình ở cùng nhau. Khu của gia đình ông ở chỉ vỏn vẹn 10m2 nhưng là chỗ ở của 6 con người trong mấy chục năm qua. Mọi vật dụng để bừa bộn khắp nơi vì chật chội, chỗ nấu nướng, ăn uống, ngủ nghỉ cũng chỉ trong diện tích hơn 10m2 ấy.
Hai vợ chồng ông Cẩn ăn cơm chiều để chuẩn bị cho ông đi làm
“Ban ngày mấy đứa nó đi làm, đi học hết, chỉ có tôi và vợ ở nhà nên nhà cũng trống trải. Còn ban đêm, cả nhà về đầy đủ thì chia nhau ra từng ô gạch để ngủ nghỉ”, ông Cẩn cho biết.
Bà Nguyễn Thị Phụng - vợ của ông, cũng đã gần 70, sức khỏe đã yếu, đi lại rất khó khăn nên chỉ loay hoay trong nhà giữ 2 đứa cháu để con trai và con dâu đi làm.
Bà chỉ có thể chia sẻ gánh nặng với chồng bằng việc chăm chút từng miếng cơm, viên thuốc lúc ốm đau hay chống gậy đi mua bông băng, thuốc sát trùng những lúc ông bị trầy xước do va chạm ngoài đường.
“Hơn một tháng trước, ổng đi về sớm hơn bình thường, quần áo rách rưới lấm lem. Hỏi ra mới biết, trên đường đi chở khách về ổng cán qua khúc gỗ bị xe tải nào đó đánh rơi giữa đường. Do mắt mờ, tay yếu nên đã ngã ra đường. May mắn lúc đó mới gần sáng, đường vắng nên ông chỉ trầy xước ngoài da!”, bà lo lắng kể.
Bà tâm sự trong tiếng thở dài ẩn giấu tình yêu thương và sự lo lắng: “Nhìn ổng sức khỏe cũng đã yếu mà hàng đêm phải mưu sinh vất vả ngoài đường tôi cũng lo lắm. Nhưng vì miếng cơm manh áo, gia đình con cái cũng khó khăn, không muốn tăng thêm gánh nặng cho các con nên tôi đành để ông đi làm”.
Gia Vinh