Ô nhiễm không khí không còn thầm lặng
(Dân trí) - Môi trường ô nhiễm đã khiến chi phí sinh hoạt của người dân phải cộng thêm một khoản xưa nay chưa từng có - chi phí hít thở không khí sạch. Các chuyên gia cho rằng, xe máy xăng phải chịu trách nhiệm chính cho vấn nạn đang trở nên ngày càng nghiêm trọng tại Việt Nam.
Chi tiền triệu để… hít thở
Sống giữa trung tâm Hà Nội, từ nhiều năm nay, gia đình chị Thúy (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) đã phải trang bị máy lọc không khí. Ngay cạnh nhà là một trong những ngã tư đông đúc bậc nhất của Thủ đô, chị Thúy phải bật máy lọc khí hầu như suốt cả ngày, nhất là từ sau khi sinh con.
“Mình thì thế nào cũng được, nhưng trẻ nhỏ sức đề kháng kém nên rất dễ bị ốm. Máy lọc khí giúp xử lý bụi bẩn mà mình không nhìn thấy được. Dùng một thời gian, mình vệ sinh màng lọc thì thấy rất nhiều bụi”, chị Thúy chia sẻ.
Tại Hà Nội bây giờ có ngày càng nhiều gia đình như chị Thúy. Môi trường ô nhiễm đã khiến chi phí sinh hoạt phải cộng thêm một khoản xưa nay chưa từng có - chi phí hít thở không khí sạch.
Hiện chưa có một số liệu thống kê nào về doanh số mặt hàng máy lọc không khí ở Việt Nam, nhưng chỉ trong tháng 9 vừa qua, thời điểm chất lượng không khí Hà Nội liên tục ở ngưỡng kém, lượng tiêu thụ mặt hàng này đã tăng 200% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn rộng ra các nước trong khu vực, ngành kinh doanh máy lọc không khí đang “hốt bạc” khi toàn châu Á đang ô nhiễm nghiêm trọng. Tại Trung Quốc, số liệu của hãng GF Securities cho thấy tính đến năm 2016, lượng tiêu thụ máy lọc không khí đã đạt 4,35 triệu chiếc và có thể tăng đến 9,85 triệu chiếc/năm tính đến năm 2021. Tương tự, thị trường máy lọc không khí tại Hàn Quốc cũng bùng nổ mạnh với tổng giá trị thị trường tăng từ 268 triệu USD năm 2013 lên 888 triệu USD năm 2016.
Xe máy xăng - thủ phạm chính được “chỉ mặt đặt tên”
Liên tục những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10, ứng dụng quan trắc không khí AirVisual xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Dù còn nhiều tranh cãi về “danh hiệu bất đắc dĩ” này nhưng có một sự thật không thể chối cãi, đó là chất lượng không khí ở Thủ đô đang rất kém.
GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), thẳng thắn chỉ ra rằng “ở các thành phố nói chung, ô nhiễm bụi PM2.5 và PM10 là do khí đốt nhiên liệu của phương tiện chạy xăng, dầu sinh ra. Nên nguyên nhân cơ bản nhất là do lưu lượng phương tiện giao thông quá lớn so với khả năng hấp thu ô nhiễm của môi trường không khí”.
GS. Đăng cũng cảnh báo tiêu chuẩn về chất lượng khí thải với các phương tiện giao thông của Việt Nam đã thấp hơn thế giới, vậy nhưng việc kiểm soát lại rất hạn chế. Xe hết niên hạn lưu thông đầy đường, đặc biệt là xe máy, trở thành một nguồn gây ô nhiễm ghê gớm. “Xe càng cũ mà không bảo dưỡng tốt thì lượng thải càng nhiều. Mà người dân Việt Nam vẫn chưa có thói quen trong việc bảo dưỡng xe máy thường xuyên”, GS. Đăng nhấn mạnh.
Theo thống kê, từ năm 1990 đến năm 2018, số lượng xe máy ở Việt Nam đã tăng khoảng 48 lần, từ hơn 1,2 triệu xe lên gần 58,2 triệu xe. “Gần 60 triệu xe máy chạy xăng chính là gần 60 triệu nguồn thải gây ô nhiễm môi trường”, GS. Đăng cảnh báo. Thực tế này đặt ra một yêu cầu hết sức cấp bách, đó là làm sao phải giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch để bảo vệ môi trường nhưng vẫn đảm bảo việc đi lại, mưu sinh của người dân.
Phương tiện “xanh”: Bảo vệ tính mạng, bảo vệ ví tiền
Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải dự báo xe máy sẽ tiếp tục là phương tiện lưu thông chính của người dân trong thời gian dài sắp tới, có nghĩa lượng xe máy vẫn sẽ tiếp tục gia tăng, tạo ra một áp lực vô cùng lớn với môi trường, đặc biệt là ở các đô thị.
“Để giải quyết mâu thuẫn trên, theo tôi trước mắt nên khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện chạy xăng, dầu sang phương tiện thân thiện môi trường như xe chạy khí hóa lỏng CNG hay xe điện”, GS. Đăng đề xuất.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Nghiêm Trung Dũng (Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định: “Trong các nguồn gây ô nhiễm, nhà máy, xí nghiệp được di dời ra ngoài dần rồi, đun nấu sinh hoạt cũng đang được chuyển sang nhiên liệu sạch hơn, xây dựng sẽ bớt đi, che chắn tốt hơn. Vì thế, còn nguồn ô nhiễm chính là giao thông”. Từ đó, ông Dũng cho rằng giải pháp để giảm ô nhiễm là “có quy định về sử dụng phương tiện, ưu tiên phương tiện dùng nhiên liệu, năng lượng sạch hơn như LPG, CNG và điện”.
Chia sẻ kinh nghiệm của thế giới, TS. Nguyễn Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải, cho biết: “Một số nước trên thế giới như Trung Quốc người ta cấm xe máy có động cơ nhưng người ta không cấm xe máy điện, người ta chỉ cấm xe nhiên liệu hóa thạch thôi”. Nhiều nước tiên tiến như Mỹ, Na Uy, Đức, Hà Lan... chi hàng tỷ USD mỗi năm cho việc nghiên cứu phương tiện giao thông sử dụng động cơ điện và tiến tới loại bỏ hoàn toàn xe chạy bằng xăng, dầu.
Từ góc độ kinh tế, theo TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, các tính toán chỉ ra rằng chi phí tiêu thụ nhiên liệu của xe xăng nhiều hơn xe điện 18,5 lần (48,1 triệu đồng so với 2,6 triệu đồng theo giá xăng và điện hiện hành). Như vậy, xe điện không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn kinh tế hơn xe chạy xăng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), thiệt hại kinh tế toàn cầu do ô nhiễm không khí là khoảng 225 tỷ USD. Đối với Việt Nam, ô nhiễm không khí gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỷ USD mỗi năm (chiếm từ 5 - 7% GDP).
Chỉ tính riêng Hà Nội, với tỷ lệ 72% hộ gia đình có người mắc bệnh do ô nhiễm không khí như khảo sát mới đây của Sở Y tế thành phố, ước tính chi phí khám, chữa bệnh về hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm với người dân nội thành là 1.500 đồng/người/ngày. Với khoảng 3,5 triệu dân nội thành, tổng thiệt hại kinh tế do mắc các bệnh đường hô hấp khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.
“Người ta xem ô nhiễm như kẻ giết người thầm lặng. Tôi nghĩ chưa đủ. Nó còn là kẻ móc túi thầm lặng nữa”, chuyên gia Ngô Trí Long ví von. “Sử dụng các phương tiện chạy xăng, dầu chính là chúng ta đang phải bỏ thêm một khoản tiền để xử lý ô nhiễm môi trường và điều trị các loại bệnh tật do ô nhiễm không khí gây ra”.
Hiện trên thị trường, ngoài các thương hiệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc hoặc có xuất xứ Trung Quốc, người tiêu dùng đã có thêm lựa chọn xe điện chất lượng từ các thương hiệu của Việt Nam như VinFast, Pega, hay mới nhất là MBI từ Hàn Quốc. Các hãng xe máy truyền thống như Honda, Yamaha, Piaggio cũng đã rục rịch giới thiệu các mẫu xe hybrid hoặc sử dụng điện hoàn toàn, như PCX Electric, Grande Hybrid hay Vespa Elettrica tới người tiêu dùng Việt Nam. Xe điện đang được các nhà sản xuất xem là xu hướng tất yếu và dự báo sẽ phổ biến trong tương lai gần.