Thanh Hóa:
Nuôi cánh kiến đỏ ở miền biên viễn
(Dân trí) - Hàng chục hộ gia đình ở huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) đã biết cách chuyển đổi diện tích đất xấu sang trồng cây đậu thiều để nuôi cánh kiến đỏ, cho thu nhập cả trăm triệu đồng/ha/năm.
Nghề nuôi cánh kiến đỏ xuất hiện ở huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ban đầu, chỉ số ít hộ nuôi.
Nhận thấy việc nuôi cánh kiến đỏ giúp nhiều gia đình thoát nghèo, Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện dự án nhằm nhân rộng diện tích trồng và số hộ nuôi cánh kiến đỏ.
Gia đình bà Hà Thị Thặn (59 tuổi, người dân tộc Thái ở bản Lát, xã Tam Chung, huyện Mường Lát) từng thuộc diện khó khăn trong xã.
Nhiều năm nay, gia đình bà trồng cây đậu thiều cả quả đồi cạnh nhà, rộng gần 1 ha để nuôi cánh kiến đỏ. Cũng nhờ công việc này, mỗi năm gia đình bà thu nhập cả trăm triệu đồng.
Cánh kiến đỏ là loại côn trùng rất nhỏ, sống ký sinh ở các cây chủ. Nhựa cánh kiến đỏ được dùng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, đánh bóng, đặc biệt là chất phụ gia trong sản xuất bao bì tự hủy thân thiện với môi trường.
"Nhờ nuôi cánh kiến đỏ, gia đình đã thoát được nghèo, có thu nhập ổn định. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều gia đình khác làm nghề này, kinh tế đã không còn khó khăn nữa"- bà Thặn cho biết.
Theo bà Thặn, cây đậu thiều lớn đến ngang người thì bắt đầu nhân thả cánh kiến đỏ lên các cành hoặc thân cây. Sau đó, cánh kiến đỏ tự sinh sôi, lan rộng và bám khắp các cành cây thành những mảng màu trắng.
"Trước đồi nhà trồng sắn, rồi trồng ngô nhưng nghe nói nuôi cánh kiến đỏ cho thu nhập hơn nên gia đình tôi chuyển đổi sang. Sau nhiều năm nuôi cánh kiến đỏ, tôi thấy không những cho thu nhập hơn cả ngô, sắn mà giá bán lại ổn định…"- bà Thặn nói.
Cũng như gia đình bà Thặn, gia đình ông Hà Văn Ủy (54 tuổi, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát) 2 năm nay cũng chuyển 1ha diện tích đất trồng lúa nương và đất vườn để nuôi cánh kiến đỏ vì nhận thấy hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng cây khác.
"Gia đình tôi đang trồng khoảng 1 ha cây đậu thiều để nuôi cánh kiến đỏ. Làm lúa, trồng các loại cây khác quanh năm nhưng cũng chỉ đủ ăn thôi, giờ chuyển sang nuôi cánh kiến đỏ được hơn trồng lúa, trồng sắn nhiều"- ông Ủy nói.
Theo người dân, nuôi cánh kiến đỏ không quá khó khăn, chủ yếu đòi hỏi người trồng phải chăm chỉ, kiên trì trong suốt gần cả năm, từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau. Cùng với đó là nỗi lo cánh kiến không chịu ở trên cây chủ mà bỏ đi hoặc chết do thời tiết, khí hậu...
Công việc chỉ vất vả, nguy hiểm nhất là thời điểm trước khi buộc thả giống phải trèo lên những cây cao tỉa cành, tạo tán và đu đưa thân để chặt những cành đầy ăm ắp nhựa vào lúc thu hoạch.
Vụ xuân thì nuôi thả vào từ tháng 4 - 6. Đến tháng 9 - 10, người dân thu hoạch. Kinh nghiệm của những người nuôi cánh kiến đỏ là hạn chế buộc vào mùa giông bão hay mưa như tháng 7 vì khi mưa con kiến không thể bò ra ngoài được.
Theo tính toán của người dân, trung bình 500 m2 đất rừng nuôi cánh kiến đỏ mỗi năm trừ chi phí cũng lãi từ 10 - 13 triệu đồng.
Ông Lương Thanh Bình (khu 3, thị trấn Mường Lát), là người được doanh nghiệp ủy quyền thu mua và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cánh kiến đỏ cho người dân. Ông Bình cho biết, giữa doanh nghiệp thu mua và người nuôi cánh kiến đỏ ký hợp đồng hàng năm để bao tiêu sản phẩm, nên việc tiêu thụ rất ổn định.
Ông Bình cho biết, nuôi cánh kiến đỏ không phức tạp, khó khăn lắm, cho thu nhập hơn một số cây trồng khác ở miền núi. Nhưng nhiều nơi, người dân còn chưa tin tưởng, chưa làm theo vì sợ làm không bán được.
Theo ông Bình, nghề nuôi thả kiến đỏ không tốn kém đầu tư, không tốn kém sức lao động nhưng thu nhập cao. Một vụ bỏ ra từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng cả công và số lượng giống để mình thả, thì một ha thu hoạch cả trăm triệu đồng.
Được biết, hiện trên địa bàn huyện Mường Lát có hơn 55 hộ nuôi cánh kiến đỏ, tập trung ở các xã Tam Chung, Trung Lý, Pù Nhi, Quang Chiểu và thị trấn Mường Lát.
Ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mường Lát cho biết, Mường Lát là huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa, trong đó 98% là người dân tộc thiểu số. Nhờ nuôi cánh kiến đỏ đã giúp nhiều gia đình người dân tộc Thái, Mông ở huyện Mường Lát có thêm thu nhập, đặc biệt là giúp họ thoát nghèo.
"Toàn huyện Mường Lát hiện có 55 hộ nuôi cánh kiến đỏ. Hầu hết các hộ này trước đây có hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên sau khi làm nghề này đã thoát được nghèo.
Do đặc thù khu vực miền núi, địa hình phức tạp và khí hậu thất thường nên việc nuôi cánh kiến đỏ cũng tùy thuộc vào từng nơi, từng khu vực. Diện tích trồng, nuôi cánh kiến đỏ hiện nay chưa nhiều, nhưng cũng góp phần đáng kể cho kinh tế người dân.
Thời gian tới, huyện Mường Lát đang khuyến khích các hộ mở rộng diện tích nuôi bằng cách chuyển đổi diện tích trồng các loại cây trồng có năng suất thấp, hoặc kém hiệu quả sang nuôi cánh kiến đỏ "- ông Thắng cho biết thêm.