Nữ sinh viên bỏ học, dấn thân làm "đào hát" karaoke gặp trái đắng

Do ham kiếm tiền từ nghề phục vụ khách hát trong các quán karaoke mà Huyền - một sinh viên xinh đẹp đã đẩy cuộc đời mình vào ngõ cụt...

Ở một số nước Châu Á, karaoke được xem như liệu pháp giải tỏa áp lực, căng thẳng và mệt mỏi trong cuộc sống.

Tuy nhiên, ít ai biết ở Việt Nam, bên cạnh những hoạt động kinh doanh karaoke lành mạnh, phục vụ cho gia đình , không ít quán hát dùng các 'đào hát' làm chiêu trò thu hút thượng khách.

Kết cục buồn của nam nhân viên quán hát sau những lần đi 'bay' cùng khách

Trong vai nhân viên đi đặt phòng hát cho công ty, chúng tôi tiếp cận quán karaoke trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy - Hà Nội). Sau một hồi trò chuyện, chúng tôi xin được số của Nguyễn Đức Lâm (SN 1993 - quê Hải Dương).

Kết bạn một thời gian, Đức Lâm dần hé lộ cho chúng tôi câu chuyện đời, chuyện nghề của những nhân viên quán hát.

Nguyễn Đức Lâm sinh năm 1993, có thâm niên làm nhân viên phục vụ quán karaoke được 6 năm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nguyễn Đức Lâm sinh năm 1993, có thâm niên làm nhân viên phục vụ quán karaoke được 6 năm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Được biết, Lâm bỏ học sớm, ra Hà Nội làm thuê từ năm 17 tuổi. Cách đây 6 năm, được sự hỗ trợ của người bạn cùng xóm trọ, Lâm xin vào làm việc tại quán hát.

Thanh niên trẻ trải lòng, muốn làm nghề này, bất kể nhân viên phục vụ nam hay nữ đều phải bỏ hết cái tôi, chấp nhận bị khách đùa cợt, thậm chí để họ chỉ trích mỗi khi họ say xỉn hoặc buồn bực trong người dù mình không làm gì sai.

Theo nam thanh niên này, phần lớn các khách hàng nam giới khi đến quán đều trong tình trạng có chút hơi men trong người. Họ tìm đến quán hát với nhiều lý do khác nhau, mừng sinh nhật, mừng thăng chức, tụ họp ngày dịp lễ... hay đơn giản là buồn chuyện cuộc sống.

“Nhiều người say quá còn gây gổ, đánh nhau với cả đồng nghiệp và nhân viên phục vụ. Tôi từng là nạn nhân, bị khách đánh, phải đi viện khâu 5 mũi” - Đức Lâm bộc bạch.

Đức Lâm cho biết, lần anh làm tại quán hát trên đường Vũ Tông Phan (Thanh Xuân, Hà Nội). Vào dịp lễ có một nhóm khách khoảng 10 người mặc đồ công sở, trông khá sang trọng đi xe hơi đến. Mặt họ ai nấy đều đỏ gay, người toàn hơi rượu. Lâm ra đón khách, làm thủ tục sắp xếp phòng và cho khách gọi đồ.

Khi nhóm khách vào phòng, họ kêu phòng bé, muốn đổi sang phòng lớn hơn, tuy nhiên, do rơi vào ngày lễ nên các phòng hát đều kín chỗ.

Nhóm khách có tí men trong người, không làm chủ được lời ăn tiếng nói nên họ quát tháo, dọa nạt bắt Lâm phải đuổi bớt khách đi nhường phòng cho mình. Họ nói nếu không đổi phòng, họ sẽ cho người đến phá quán. Sợ họ gây phiền phức Đức Lâm phải liên tục nói xin lỗi, tìm cách xoa dịu nhóm khách.

Được một lúc, nhóm khách này đồng ý vào hát, Lâm tưởng mọi chuyện đã yên, không ngờ trong quá trình phục vụ họ liên tục hạch sách, gây khó dễ. Đỉnh điểm của sự việc khi một người trong nhóm yêu cầu bật bài ông ta thích, tuy nhiên, do quán chưa kịp cập nhật nên không có.

Nghe Đức Lâm nói, người này cho rằng anh tỏ thái độ, từ chối phục vụ mình nên nổi giận, lấy vỏ chai bia thủy tinh đập vào đầu và mặt anh.

Cú đánh quá mạnh, đầu Lâm bị thương, máu chảy ròng ròng. Mọi người trong quán vội đưa anh đi bệnh viện. Vụ va chạm đó để lại trên mặt Lâm một vết sẹo xấu xí.

"Việc va chạm giữa khách với nhân viên quán hát xảy ra như cơm bữa, nhiều đến nỗi chúng tôi đã quá quen. Hôm nào chẳng may gặp khách buồn bực, họ tìm cách trút giận nhưng mình vẫn phải nhẫn nhịn" - Đức Lâm chua chát nói.

Nam thanh niên này cho hay, những việc đó chỉ là chuyện nhỏ, điều đáng phải suy nghĩ trong nghề này là những cạm bẫy. Nếu nhân viên phục vụ như Lâm không tỉnh táo, có thể trượt dài vào con đường tội lỗi.

Lâm cho biết, người bạn giới thiệu anh đến với nghề này sau 3 năm đã đánh mất bản thân, sa đà vào tệ nạn và gặp kết cục rất buồn.

Lâm kể, bạn anh tên Đức (SN 1995 - quê Thái Bình), một lần, Đức được nhóm khách 15 người cả nam và nữ mời uống bia, đi 'bay' (dùng chất kích thích như thuốc lắc, ma túy đá... - nv) cùng cho vui.

Do ham chơi nên sau khi nhóm khách thanh toán tiền xong, Đức xin nghỉ làm sớm, cùng họ sang bên Gia Lâm thuê nhà nghỉ vui chơi trong cả tuần.

Dần dần, Đức bị nghiện cả heroin, bao nhiêu tiền lương Đức nướng sạch vào ma túy. Chủ quán phát hiện đã cho Đức nghỉ việc.

"Khi nghiện ngày càng nặng, Đức chuyển sang tiêm chích ma túy, bị sốc thuốc rồi tử vong trong khu nhà vệ sinh công cộng bỏ hoang, bỏ lại người mẹ già cô độc ở quê với bao đau khổ" - Đức Lâm nhớ lại.

Một góc phòng karaoke. Ảnh: nhân vật cung cấp.
Một góc phòng karaoke. Ảnh: nhân vật cung cấp.

Nữ sinh viên bỏ học, dấn thân vào nghề ‘tay vịn’ karaoke gặp trái đắng

Đức Lâm chia sẻ thêm: "Để thu hút và giữ chân khách ở lại lâu hơn, một số quán hát dùng các 'đào' để hút khách. 'Đào' là các tiếp viên nữ hát và phục vụ bia rượu cho 'thượng đế'. Người ta hay gọi dân dã là 'tay vịn'.

Trong căn phòng cách âm, các 'thượng đế' sẽ thỏa sức hát hò và hết mình với nhiều trò vui khác cùng các cô đào nóng bỏng. Họ có thể ôm ấp, vuốt ve người đẹp mà không phải e ngại gì, miễn là họ chịu chi, thậm chí là rủ đào đi 'tới bến' sau các cuộc vui".

Vẫn theo lời Lâm, các 'đào hát' là cộng tác viên của quán hoặc do một đầu mối cung cấp. Công việc của họ là đến hát với khách, nói cười vui vẻ và uống bia.

Họ sẽ không được chủ quán trả lương mà hoàn toàn do khách gọi 'đào' trả. Nếu khách hài lòng, các tiếp viên nữ này được boa rất hậu hĩnh, từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng.

Gặp ngày may mắn, có khi họ được cho tới cả tiền triệu. Thế nhưng, chẳng may gặp khách khó chiều, họ không boa thì các tiếp viên nữ cũng phải chịu.

Đồng quan điểm với Lâm, Tường Vy (SN 1996 - Hậu Lộc, Thanh Hóa) sinh viên năm 3 nhưng có thâm niên làm tiếp viên karaoke 2 năm, trọ trong khu Mễ Trì Hạ, (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nói: "Các nhân viên nữ như tôi không được chủ quán trả lương, cũng không có hợp đồng gì cả mà làm theo hình thức 'công nghiệp', quán nào khách cần người hát thì gọi chúng tôi đến.

Đến nơi, khách nhìn mặt 'đào' thấy ưng mới chọn nếu không mình phải về, đợi quán khác gọi lại lên đường cho khách xem mặt, chọn lựa".

Cô chia sẻ, một nguyên tắc giữa chủ quán với các 'đào' là phải tiếp cho khách uống được nhiều bia, càng nhiều càng tốt, không được làm khách giận. Như vậy, lần sau chủ quán mới lưu ý gọi đến mình. Tường Vy cũng tiết lộ, khi đi làm các cô không dùng tên thật mà đều có nghệ danh riêng.

'Đào' hát sinh năm 1996 bộc bạch, người làm nghề này không chỉ có các cô gái đến từ các vùng quê nghèo ra Hà Nội kiếm việc mà còn có một số người là sinh viên như cô. Đối tượng sinh viên đi làm thường chỉ phục vụ khách hát, nhảy nhót và tiếp bia rượu, họ ít khi đi 'tăng ca' qua đêm.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp không vượt qua nổi những lời mời chào, gạ gẫm của cánh đàn ông lắm tiền đã chấp nhận đánh đổi.

Câu chuyện về Huyền - sinh viên trường cao đẳng, trọ cùng khu với Vy khiến lúc nghĩ đến, Vy không khỏi xót xa.

Huyền người Tuyên Quang, có nước da trắng ngần, dáng cao dong dỏng, giọng hát hay. Cô mồ côi bố mẹ, được chú ruột nuôi dưỡng. Khi xuống Hà Nội học, Huyền tự lo mọi chi phí học hành, sinh hoạt.

Để có thu nhập Huyền đi bán trà sữa, quần áo, làm đủ việc nhưng không đủ tiền trang trải. Được người bạn rủ, Huyền đi làm 'đào' hát. Mỗi ngày Huyền làm từ 7 giờ tối đến 12 giờ đêm.

Có ngoại hình nên cô được nhiều khách quý, hễ đến quán là yêu cầu Huyền phục vụ. Bởi vậy, có thời gian, các quán karaoke tranh nhau đặt lịch với cô.

Dần dần mải mê đi làm, 'ngủ ngày, cày đêm', Huyền bỏ bẵng việc học hành. Cuối học kỳ đó, Huyền bị nhà trường cho thi lại mấy môn.

Chán nản, bỏ ngoài tai lời động viên của bạn bè cùng lớp, Huyền xin nghỉ hẳn học. Từ đó cô bắt đầu sống buông thả, cặp kè với đàn ông có gia đình kiếm tiền. Một ngày cô phát hiện mình có bầu nhưng không rõ bố đứa trẻ là ai.

"Đã vậy, vợ của một trong số những người cô qua lại tìm đến đánh ghen , cạo sạch tóc, để lại trên người cô nhiều vết sẹo và còn quay video dọa dẫm. Cái thai trong bụng ngày càng lớn, Huyền bỏ đi vào miền Nam, giờ không biết cuộc sống ra sao" - Vy nói.

*(Tên nhân vật trong bài được thay đổi theo yêu cầu)

Theo Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm