Nông dân Việt kiếm tiền tỷ từ cà chua... bón trứng, nấm tưới bia hơi
(Dân trí) - Nhờ những ý tưởng nuôi trồng, chăn nuôi độc đáo, nhiều nông dân Việt dễ dàng “bỏ túi” tiền tỷ mỗi năm.
Cà chua bón trứng gà, sữa tươi
Chủ nhân của ý tưởng độc đáo này là chị Phạm Thị Xuân Thủy (34 tuổi, Đức Trọng, Lâm Đồng). Năm 2012, trong một lần đi công tác ở nước ngoài, chị Thủy khá bất ngờ khi thấy ở Nhật Bản cà chua được đóng hộp, bày bán trong siêu thị giống như một loại trái cây.
Khi nếm thử, vị cà chua không ngái mà thơm ngọt, ăn ngon không kém các loại quả cao cấp như cherry, nho... Thích thú với loại quả này, chị Thủy quyết định nhập giống từ Nhật Bản về Việt Nam trồng. Tuy nhiên, do khác biệt khí hậu nên cà chua còi cọc, quả ăn chua và không đạt chất lượng như mong đợi.
Một lần đọc tài liệu, thấy người dân Đài Loan sử dụng phân bón từ trứng sữa để làm tăng vị trà Ô Long, chị Thủy nảy ra ý tưởng áp dụng phương pháp tương tự cho cà chua. Theo đó, chị dùng trứng gà, mật mía, sữa bò trộn đều sau đó ủ lên men khoảng 1 tuần. Hỗn hợp này sẽ được hòa ra với nước, tưới nhỏ giọt cho cà chua mỗi ngày. Chị Thủy cho biết, mục đích của việc bón cho cây hỗn hợp này nhằm cung cấp chất dinh dưỡng cũng như tạo hương vị thơm ngon đặc biệt cho quả.
Theo chị Thủy, sử dụng phân bón là sữa và trứng gà, cây sẽ đặc biệt khỏe, khi đó sâu bệnh khó xâm nhập, cây phát triển tốt hơn và không cần sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật.
Nhờ bón loại phân “lạ” nên chất lượng của sản phẩm cũng khác hơn nhiều so với sản phẩm thông thường. Cà chua có vị ngọt chứ không chua, khi ăn thơm mùi trứng sữa và không tanh. Dù bán ra với giá 100.000 đồng/kg nhưng sản phẩm cà chua trồng bằng sữa và trứng gà của chị luôn đắt hàng, cho thu nhập 120 triệu đồng mỗi tháng.
Dùng bia để tưới cây, bón nấm ở Phú Yên
Hơn 10 năm nay, ông Phạm Hồng Bình (69 tuổi, nguyên Chủ nhiệm CLB Sinh vật cảnh Phú Yên) liên tục duy trì việc tưới bón cây trồng bằng… bia. Ông Bình cho biết: “Có hồi uống bia thừa, tôi tình cờ đổ vào một chậu hoa kiểng. Sau đó, thấy cây phát triển tốt, ra hoa nhiều hơn chậu bên cạnh. Thế là tôi mày mò hòa bia 1 - 3% vào nước để tưới hàng tuần lên tất cả cây trồng trong vườn nhà”.
Đặc biệt, theo ông Bình, nhờ tưới bón bằng bia nên giảm thiểu được côn trùng gây hại trên cây, giúp ông không hề phải dùng đến các loại thuốc trừ sâu nữa. Bên cạnh đó, ông chỉ cần dùng thêm một ít phân vi sinh cho cây là đảm bảo phát triển tốt. Tại nhà vườn ông Bình ở phường 9 (TP.Tuy Hòa, Phú Yên), dù thời tiết đang khắc nghiệt nhưng các loại cây trồng đều cho năng suất khá tốt.
Theo kỹ sư Nguyễn Thành (Sở NN-PTNT Phú Yên), một số dưỡng chất trong bia tình cờ được phát hiện có tác dụng tốt với cây cối nhưng đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu chi tiết về tác dụng của bia đối với cây trồng. Thế nên, mới chỉ có một số người thỉnh thoảng dùng bia tưới hoa, rau trồng tại nhà, với liều lượng nhỏ.
Kỹ sư Đinh Thanh Tịnh (nguyên Giám đốc Sở NN- PTNT Phú Yên), cũng cho hay, việc dùng bia với liều lượng nhỏ để tưới bón là cách hợp lý giúp tăng sức đề kháng, giảm sâu bệnh, khiến cây trồng sinh trưởng tốt hơn.
Lợn tắm nắng, “ăn” thảo dược
Trang trại của anh Phùng Ngọc Vĩnh (xã Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội) nằm biệt lập bên cạnh một con đê lớn, xung quanh là bạt ngàn những loại cây thảo dược được trồng đan xen. Trại rộng khoảng 5,3 ha, với 400 con lợn thịt và hơn 100 lợn giống. Trung bình mỗi tháng cơ sở anh Vĩnh xuất ra thị trường từ 6 – 7 tạ lợn, cho doanh thu khoảng 80 -100 triệu đồng.
Theo anh Vĩnh điểm độc đáo trong mô hình chăn nuôi này chính là nguồn thức ăn sử dụng. Khác với các loại lợn nuôi theo hình thức công nghiệp, anh Vĩnh chỉ sử dụng thức ăn từ các phế phẩm nông nghiệp như cám ngô, gạo, cám mỳ, sau đó trộn với các loại thảo dược như kim ngân, hồng ngọc, bồ công anh… theo một tỷ lệ nhất định. Cách cho ăn này sẽ giúp mang lại chất lượng thịt tốt, thơm ngon và an toàn hơn.
“Lá kim ngân có tác dụng như một chất kháng sinh tự nhiên, còn các loại thảo dược khác cũng giúp vật nuôi giải độc, tẩy giun sán, kích thích tiêu hóa và giúp lợn sinh trưởng tốt”, anh Vĩnh giải thích.
Ngoài ra, để chủ động phòng bệnh thông thường, hàng ngày anh cũng nghiền thêm tỏi, gừng… sau đó trộn vào thức ăn cho lợn. Tất cả quy trình, tỷ lệ cho ăn này đều được anh Vĩnh nghiên cứu và đưa ra một công thức nhất định.
Thêm vào đó, để lợn săn chắc, sinh trưởng tốt hơn, anh cũng thiết kế chuồng rộng rãi với khoảng không cho đàn lợn có thể vận động, tắm nắng. Nhờ mô hình chăn nuôi độc đáo này, anh Vĩnh tự tin cho biết, đàn lợn nhà mình chưa hề bị ốm đau hay mắc các loại dịch bệnh nguy hiểm.
Hiệp Nguyễn
Tổng hợp