Bình Định:

Nỗi niềm ngư dân xa vợ, con đón Tết trên biển

(Dân trí) - Trong khi bao người đàn ông đang quây quần bên vợ, con chuẩn bị đón cái Tết ở đất liền thì hàng ngàn ngư dân làng biển phải quên đi cái cảm giác sum vầy chuẩn bị lương thực vươn khơi sẵn sàng đón Tết ở khơi xa.

Những đứa con của biển

Ngư dân vùng biển Bình Định quan niệm rằng, đầu năm tàu cá ra khơi may mắn, trở về bình an thì cả năm công việc thuận buồm xuôi gió, bội thu cá, mực…. Thế nhưng đằng sau đó là những nỗi niềm về cuộc sống mưu sinh vất vả của mỗi ngư dân khi phải xa vợ, xa con lênh đênh đón Tết trên biển.

Trên 6.000 ngư dân với hàng trăm tàu cá ngư dân Bình Định sẽ đón Tết cổ truyền trên biển.
Trên 6.000 ngư dân với hàng trăm tàu cá ngư dân Bình Định sẽ đón Tết cổ truyền trên biển.

“Đón Tết ở trên biển, chúng tôi quen rồi...!”. Đó là câu trả lời của ngư dân Bình Định khi chúng tôi hỏi về cảm xúc chuyến biển ngày cuối năm. “Đón Tết trên biển buồn nhiều hơn vui vì phải xa vợ con, xa người thân bạn bè nhưng chúng tôi quen rồi. Chuyến biển này, chúng tôi nhất định phải đi. Hy vọng chuyến biển bội thu cá, mực… lấy hên trong chuyến biển đầu tiên của năm”, chủ tàu cá võ thép BĐ 99252 TS, ông Võ Thế Dư (45 tuổi, xã Cát Thành, huyện Phù Cát), trải lòng.

Đây không phải là chuyến biển đầu tiên mà các thuyền viên trên tàu cá BĐ 98019 TS của ông Nguyễn Thanh Long (xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn), làm chủ phải đón Tết trên biển. Thế nhưng chuyến biển ngày cuối năm vẫn mang một cảm xúc rất lạ. Một chút xốn xang, một chút nỗi niềm lưu luyến của người ở người đi.

Ngư dân Bình Định xuyên Tết khai thác thủy sản trên biển.
Ngư dân Bình Định xuyên Tết khai thác thủy sản trên biển.

“Buồn chứ nhưng mặc kệ! anh em chúng tôi cũng chuẩn bị đầy đủ thức ăn, bánh trái, bia… đêm giao thừa anh em vẫn tổ chức ăn Tết trên biển. Dự kiến, chuyến biển sẽ kéo dài 25 ngày tàu sẽ về đất liền đúng vào dịp trăng tròn. Nếu may mắn gặp “lộc biển” thì tàu sẽ về sớm hơn. Cầu mong mọi sự thuận lợi, cá, mực đầy ắp khoang để anh em thuyền viên phấn khởi về ăn Tết muộn cùng gia đình và bù lại cảm giác khi xa vợ, xa con”, ngư dân Long thổ lộ.

Đêm giao thừa nhớ vợ con cồn cào

Theo ngư dân, sở dĩ họ vươn khơi xuyên Tết vì vào thời điểm này, luồng cá từ ngoài khơi bắt đầu có nhiều. Hơn nữa, những tháng trước Tết, biển động do ảnh hưởng của bão nên việc đánh bắt gặp khó khăn. Đặc biệt, ra khơi khai thác thủy sản xuyên Tết không chỉ là công cuộc mưu sinh của ngư dân mà còn góp phần rất lớn trong việc bảo vệ, gìn giữ chủ quyền biển đảo.

Ngư dân chuẩn bị lương thực, bánh trái, bia, nước ngọt... sẵn sàng vươn khơi đón Tết trên biển.
Ngư dân chuẩn bị lương thực, bánh trái, bia, nước ngọt... sẵn sàng vươn khơi đón Tết trên biển.

Vua tàu đất võ Bình Định, ông Bùi Thanh Ninh (ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn)- người từng nhiều lần đón Tết ngoài khơi, tâm sự: “Trong đất liền, đang vui giây phút giao thừa thì ngoài khơi xa, ngư dân vẫn nỗ lực kéo lưới, nhớ vợ con đến phát điên. Cái Tết đầu tiên trên biển qua đi trong nỗi buồn nhưng rồi cái Tết thứ 2, thứ 3… giờ đây đã thành thói quen với mỗi ngư dân. Chúng tôi xem ngư trường là nhà, bạn thuyền là người thân nên cứ thế vui vẻ. Có chăng, ngày Tết anh em họ hàng được quây quần bên nhau, ăn nhiều món đặc sản hơn…”.

Ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định, cho biết: “Tết năm nay, có khoảng 800 tàu cá cùng 6.000 ngư dân đón Tết ở trên biển, trong đó chủ yếu là ở ngư trường lớn như Hoàng Sa, Trường Sa. Phần lớn các tàu cá vươn khơi bám biển trong dịp Tết đi theo từng tổ đội nhằm tăng hiệu quả sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chúng tôi đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc cử cán bộ túc trực 24/24 giờ tại các Trạm bờ, liên lạc với ngư dân, hỗ trợ ngư dân xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra trên biển trong dịp Tết”.

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm