Nỗi lòng người "ở trọ" khi chẳng thể về quê, bám trụ Sài Gòn mưu sinh

Thư Quỳnh

(Dân trí) - Nhiều người tạm trú ở TPHCM nhớ người thân, muốn về quê nhưng vì TPHCM thực hiện giãn cách nên không về được. Họ không chỉ chấp nhận ở lại, mà có người đã tìm hướng ra cho mình bằng việc làm thời vụ.

Từ 0h ngày 31/5, TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 sẽ phong tỏa theo Chỉ thị 16 và việc thực hiện giãn cách kéo dài trong vòng 15 ngày, đến khi có thông báo mới.

Trong bối cảnh này, không ít người đã vội vàng gói ghém hành trang, tranh thủ "tháo chạy" khỏi TPHCM trước giờ giãn cách. Một vài trường hợp đã vô tình mang theo Covid-19 trong hành trang của mình về quê hương. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người là dân tạm trú quyết định ở lại TPHCM  làm việc và đảm bảo an toàn cho gia đình và xã hội.

Chị Bùi Thị Ngọc Ánh (29 tuổi, quê ở Tiền Giang) là một điển hình, chị quyết định không về quê mà ở lại TPHCM để tiếp tục công việc của mình. Theo chị Ánh, mỗi người cần phải chú ý cẩn thận với dịch bệnh nhưng không được hoang mang và cần bình tĩnh duy trì cuộc sống ở trạng thái đặc biệt này.

Nỗi lòng người ở trọ khi chẳng thể về quê, bám trụ Sài Gòn mưu sinh  - 1

Chị Ánh chia sẻ rằng không có ý định về quê trong giai đoạn này (Ảnh: NVCC).

"Công việc mình vẫn bình thường, mặc dù rất lo sợ về dịch bệnh nhưng mình phải thật bình tĩnh, thực hiện theo các biện pháp phòng dịch mà sở Y tế hướng dẫn để có thể phòng dịch tốt nhất có thể", chị Ngọc Ánh chia sẻ.

Anh Nguyễn Đức Tiến, 36 tuổi, quê ở Quảng Nam, công nhân tại một khu công nghiệp ở quận Bình Tân, TPHCM. Chỉ mỗi một mình vào Sài Gòn tìm việc mưu sinh, nên anh Tiến thường về quê định kỳ mỗi nửa tháng hoặc một tháng để thăm vợ con. Nhưng trong thời điểm hiện nay,  TPHCM thực hiện giãn cách xã hội toàn TP, anh không thể về quê nên đã ở lại Sài Gòn kiếm thêm chút ít bằng việc trở thành tài xế xe công nghệ.

"Hồi nghe Sài Gòn giãn cách cũng tính về trong đêm luôn rồi đó chớ! Lên xe về với vợ con, chứ ở đây nhà máy cũng giảm nhân công. Nhớ vợ, nhớ con ghê lắm, muốn về quê, ngặt nỗi chiều hôm đó đặt vé nhưng nhà xe toàn báo hết. Thôi thì ở lại để chạy xe kiếm thêm, tại giờ cũng đâu có về được nữa", anh Tiến cho biết.

Chị Vũ Thị Thùy Dương, 22 tuổi, một nhân viên văn phòng, quê ở Bình Phước chia sẻ: "Vì đợt dịch lần này khá phức tạp, thậm chí bản thân em còn không tự tin rằng em có thật sự đang ổn hay không, nếu em về quê thì nguy cơ lây dịch sẽ rất cao". 

Nỗi lòng người ở trọ khi chẳng thể về quê, bám trụ Sài Gòn mưu sinh  - 2

Nước rửa tay là thứ không bao giờ thiếu trong túi chị Dương (Ảnh: NVCC).

"Nếu vô tình mang mầm bệnh mà lại di chuyển sẽ làm nhiều người khác bị ảnh hưởng theo, khi ấy sẽ gây khó khăn cho cơ quan nhà nước. Em thấy mình đã không thể có hành động cao cả như những tình nguyện viên, bác sĩ... đi vào tâm dịch để cứu giúp, chia sẻ với mọi người, thì em sẽ làm hậu phương vững chắc, cùng nhau chống dịch, ai làm việc nấy. Mỗi người dân, hãy tuân thủ và làm tốt nhất những điều theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, đã làm góp phần phòng chống dịch, trong thời điểm này" - chị Dương tâm sự.

Hiện tại, chị Dương đang tạm trú tại huyện Hóc Môn, TPHCM. Mặc dù khu vực chị đang ở và làm việc chưa bị phong tỏa, nhưng vì an toàn của bản thân, chị luôn thực hiện tốt "thông điệp 5K", hạn chế đi lại, luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, thường xuyên rửa tay sát khuẩn, tăng cường đặt thức ăn giao về hoặc mua lương thực để dành, tự chế biến tại nhà.

Nỗi lòng người ở trọ khi chẳng thể về quê, bám trụ Sài Gòn mưu sinh  - 3

Mặc dù cũng nhớ nhà, muốn về quê cùng cha mẹ nhưng chị Dương quyết định ở lại TPHCM, đến khi tình hình dịch bệnh thực sự ổn định lại (Ảnh: NVCC).

Theo chia sẻ của chị Dương, tuy vẫn đi làm bình thường, nhưng công ty của chị đã sắp xếp lại khu vực làm việc, để nhân viên ngồi cách xa nhau, thậm chí mỗi người ngồi riêng một phòng để đảm bảo an toàn.

"Gia đình em rất lo lắng, luôn gọi lên dặn dò mua lương thực, mẹ còn liệt kê mua những gì và mẹ rất muốn gửi đồ ăn lên nhưng không thể, do xe đã bị cấm hoạt động. Em đã trấn an mẹ yên tâm với sự sắp xếp của lực lượng chức năng, cũng không đi tụ tập mua đồ dự trữ quá nhiều, vì như vậy đôi khi vô tình tiếp xúc nguồn bệnh mà không biết, còn nguy hiểm hơn" - chị Dương chia sẻ.

Bên cạnh đó, chị còn khẳng định dù nhớ nhà, muốn về thăm ba mẹ nhưng cũng sẽ không rời khỏi nơi đang ở, đến khi chắc chắn mọi việc đã ổn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm