Nỗi buồn nơi xóm chạy thận mỗi dịp xuân về

Phi Hùng

(Dân trí) - Mỗi dịp Tết đến xuân về, những bệnh nhân ở xóm chạy thận Lê Thanh Nghị cảm thấy buồn tủi, đặc biệt năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà nhiều người quyết định ở lại không về quê ăn Tết.

Xóm chạy thận nằm sâu trong con ngõ 121, Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng - Hà Nội) nơi đây tập trung khoảng hơn 100 bệnh nhân mắc bệnh thận, tất cả đang điều trị ở bệnh viện Bạch Mai.

Xóm trọ là những dãy nhà cấp bốn tối tăm, ẩm thấp, mỗi người một quê, quây quần gần bệnh viện để tiện cho việc điều trị. Có người đã gắn bó hàng chục năm trời, bởi vậy họ coi nơi đây như ngôi nhà thứ hai của mình.

Những ngày Tết đến cận kề, người dân Thủ đô hào hứng, nô nức đi mua sắm, trang hoàng nhà cửa để chuẩn bị đón Tết thì trái ngược với không khí nhộn nhịp bên ngoài, đó là khung cảnh buồn ảm đạm, đìu hiu nơi xóm nghèo chạy thận.

Nỗi buồn nơi xóm chạy thận mỗi dịp xuân về - 1
Xóm chạy thận là dãy phòng trọ lụp xụp.

Đặc biệt, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều người không thể về quê để ăn Tết cùng gia đình, nỗi buồn lại càng nhân thêm gấp bội.

Bà Nguyễn Thị Bình (68 tuổi, ở Bắc Giang) cho biết bà đã chạy thận ở đây được 9 năm nay, như mọi năm ngày Tết bà tranh thủ về nhà được 1 - 2 ngày rồi lại phải ra Hà Nội để cho kịp lịch chạy thận.

Nỗi buồn nơi xóm chạy thận mỗi dịp xuân về - 2
Bà Nguyễn thị Bình.

"Một tuần 3 buổi chạy, thành thử thỉnh thoảng tôi mới về quê rồi lại phải ra luôn. Không chạy theo lịch thì người yếu lắm, năm nay dịch bệnh tôi không về được", bà Bình chia sẻ.

Nói về cuộc sống trên này bà Bình cho hay, ngoài bệnh thận bà còn rất nhiều bệnh kéo theo khác như bệnh phổi, bệnh tim... chồng bà cũng đã mất nhiều năm nay, tất cả chi phí trên này đều phải nhờ vào các con lo liệu. Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, bà Bình phải ở chung phòng với một người bệnh khác.

"Mỗi tháng tiền thuốc đã 5 - 6 triệu chưa kể tiền ăn uống, tiền thuê phòng trọ. Tết ở đây nhờ vào nhà từ thiện hết, người ta cho mình gì thì mình ăn đó, chứ chúng tôi không sắm sửa thêm gì, có bao nhiêu thì lo hết vào tiền thuốc bấy nhiêu rồi", bà Bình tâm sự thêm.

Cùng tâm trạng trên, bà Phạm Thị Chung (66 tuổi, quê ở Nam Định) rớm nước mắt, bà cho biết đã 12 năm rồi gắn bó với xóm trọ, trước kia ngày Tết bà cũng chỉ kịp về để thắp hương ông bà tổ tiên rồi lại bắt xe ngược lên Hà Nội.

Nỗi buồn nơi xóm chạy thận mỗi dịp xuân về - 3
Bà Phạm Thị Chung rớm nước mắt vì nhớ chồng con.

"Giờ tôi yếu lắm, từ năm ngoái đến nay tôi không về được quê, đi xe khách người ta thấy mình ốm yếu cũng không muốn cho mình lên. Có đợt tôi lên xe về quê, đến Phủ Lý thì bị ngất họ lại phải cho vào viện cấp cứu.

Ở quê chồng tôi cũng ốm yếu lắm, ông bị chất độc da cam lại thêm bệnh tiểu đường, mỗi lần lên chăm chỉ sợ ông ấy ngã ra đó thì khổ thêm. Thành thử tôi gắng gượng trên này được lúc nào thì hay lúc đó, nhà hảo tâm vừa cho hai chiếc bánh chưng một mình tôi vậy là đủ cái Tết.

Nỗi buồn nơi xóm chạy thận mỗi dịp xuân về - 4
Những vết thẹo sau các lần điều trị.

Chỉ buồn không thể về quê được phần vì yếu, phần vì phòng tránh bệnh dịch, con cái năm nay chúng nó chắc cũng không lên thăm được, nhưng biết làm sao được", bà Chung nghẹn ngào.

Đã 14 năm lên Hà Nội để chạy thận, bà Phan Thị Tảo (62 tuổi, quê Hưng Yên) cho biết, ở xóm chạy thận có nhiều người bệnh phải đi làm thêm, người chạy xe ôm, đẩy xe lăn thuê, làm hàng cơm, nhặt ve chai... để có tiền lo cho chi phí sinh hoạt.

Theo bà Tảo, gia đình có bệnh nhân chạy thận cuộc sống rất khó khăn, tốn kém. Vài năm trước còn khỏe, bà Tảo cũng đi bán nước để có thêm chi phí sinh hoạt trên này, nhưng giờ già yếu mọi thứ bà phải nhờ hết vào con cái ở dưới quê.

Nỗi buồn nơi xóm chạy thận mỗi dịp xuân về - 5
Cái Tết ở xóm chạy thận phụ thuộc vào nhà hảo tâm.

"Lợn gà, lúa gạo nào mà một tháng đã bán được ngay, chưa bán được đã phải lo tiền cho thuốc thang, sinh hoạt ở trên này. Những năm trước tôi còn chút sức thì cũng phải cố gắng làm thêm để phụ giúp cho gia đình mình bớt đi gánh nặng, nhà cũng chả giàu có hay dư dả gì rồi.

Suốt 14 năm qua, số tiền điều trị của tôi tính ra đã mất cả vài đàn trâu rồi chứ ít ỏi gì, không có tiền thì lại phải đi vay quay vòng, chỗ nọ đập chỗ kia.

Tết năm nay lại càng buồn, nhớ chồng nhớ con, nhớ quê, các năm thì về đều nhưng giờ dịch dã nên tôi và mọi người trong xóm thận đành phải ở lại", bà Tảo nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm