Nỗ lực thu hẹp nhận thức về bình đẳng giới với dân tộc thiểu số ở miền Tây
(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì tổ chức nhiều lớp tập huấn chia sẻ những khó khăn trong công tác hướng tới bình đẳng giới tại khu vực miền Tây.
Mục tiêu "Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030" trong Nghị quyết số 28 của Chính phủ đề ra: "Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước".
Để thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều hoạt động đáng chú ý, đặc biệt là tăng cường công tác tập huấn cho đối tượng là phóng viên, tuyên truyền viên nhằm thúc đẩy quá trình truyền thông có nhạy cảm về giới đạt được kỳ vọng.
Điển hình là các lớp tập huấn truyền thông có nhạy cảm về giới diễn ra trong tháng 11, tập trung hướng tới các đối tượng học viên là cán bộ sở, ban, ngành, phóng viên báo đài, người làm công tác truyền thông tại khu vực ĐBSCL.
Với mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, góp phần thực hiện thành công "Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030", bà Đoàn Thị Kim Thủy, cán bộ truyền thông Vụ Bình đẳng giới, bày tỏ mong muốn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới; tuyên truyền để phụ nữ nhận thức rõ quyền lợi của bản thân, hướng tới bình đẳng giới thực chất.
Theo bà Thủy, công tác truyền thông về bình đẳng giới rất quan trọng, bởi nó là một trong những yếu tố hình thành nhận thức của người dân về bình đẳng giới.
"Tôi đánh giá cao tầm quan trọng của đội ngũ những người làm công tác truyền thông trong việc thực hiện bình đẳng giới. Đồng thời, mong muốn mỗi cán bộ là một nhân tố tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp người dân về bình đẳng giới", bà Thủy nhấn mạnh tại một lớp tập huấn ở Cần Thơ.
Chị Mai Thị Kim Liên, nhân viên Trung tâm văn hóa quận Ô Môn (TP Cần Thơ), cho rằng người dân vùng ĐBSCL chưa tiếp cận nhiều đến bình đẳng giới và nghĩ đó là một vấn đề xa vời. Trong khi đây là vấn đề diễn ra hằng ngày, thậm chí họ không nhận ra chính mình đang bị bất bình đẳng.
"Các lớp về bình đẳng giới ở các tỉnh miền Tây là rất cần thiết, nhất là dành cho những học viên đang làm công tác truyền thông. Bởi truyền thông tạo nên ý thức mạnh mẽ, với vấn đề bình đẳng giới rất cần việc nâng cao ý thức của từng cá nhân", chị Liên chia sẻ.