Quảng Bình:
Những vườn rau xanh mướt trên vùng đất lũ
(Dân trí) - Sau nhiều nỗ lực của người dân trong việc tái sản xuất, khắc phục khó khăn do lũ lụt gây ra, đến nay tại các địa phương của Quảng Bình, những cánh đồng rau đang xanh tốt trở lại, sẵn sàng cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán.
Hai trận lũ lớn liên tiếp vào tháng 10 vừa qua đã khiến hàng ngàn ha rau màu của nông dân Quảng Bình đang trong thời kỳ thu hoạch bị thối rữa, hư hỏng nặng, đẩy người trồng rau vào cảnh khó khăn, nhiều hộ gia đình bị mất trắng. Lũ đi qua, những người nông dân Quảng Bình lại nỗ lực gượng dậy, khôi phục sản xuất.
Các hộ trồng rau đã khẩn trương tái sản xuất ngay sau khi lũ rút để kịp cung cấp nguồn rau trong và sau dịp Tết Nguyên đán. Bởi thông thường, rau vụ Tết có sức tiêu thụ lớn, giá bán cao. Tại Quảng Bình hiện nay có khoảng 6.000 ha diện tích trồng rau, gồm rau ăn lá (Cải, Hành, Quế, Cần…) và các loại củ, quả (Su hào, Cà chua…), tập trung nhiều ở các địa phương như Bố Trạch, thị xã Ba Đồn, Quảng Trạch và Lệ Thủy…
Mặc dù lũ lụt khiến nhiều diện tích rau màu bị hư hỏng, chậm thời gian vào vụ rau Tết của người dân. Thế nhưng theo những người trồng rau, lũ đi qua cũng làm đất nông nghiệp trở nên màu mỡ hơn, thuận lợi cho sự phát triển của các loại rau, màu. Khác với khung cảnh tiêu điều sau hai trận lũ, giờ đây những cánh đồng rau đang trở nên xanh mướt, tạo ra sự khởi sắc cho những miền quê nghèo tại Quảng Bình sau thảm họa Thiên Tai.
Huyện Bố Trạch được biết đến là một trong những vùng sản xuất rau trọng điểm tại Quảng Bình với diện tích trên 1.000ha. Tại đây, rau được trồng quanh năm và là nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân. Thời điểm hiện tại, trên những cánh đồng rau, bà con nông dân đang tất bật chăm sóc để vụ rau Tết có thể đạt năng suất cao, chuẩn bị cung ứng ra thị trường trong thời gian sắp tới.
Đang chăm sóc những luống Su Hào của gia đình, Anh Phan Văn Thọ (SN 1976), ở thôn 1, xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, với diện tích đất gần 2.000m2, những tháng bình thường, gia đình anh chủ yếu trồng các loại rau như Quế, Ngò, Hành và Cải… Nhưng đến vụ Tết, anh chuyển sang trồng Su Hào và rau Cần, vì loại rau này vào dịp Tết bán sẽ được giá hơn. Theo anh Thọ, với giá rau của thị trường hiện nay thì với diện tích đang có, gia đình anh có thể thu về hơn 15 triệu đồng.
“Trong trận lũ vừa qua toàn bộ diện tích rau tui trồng bị hỏng hoàn toàn, sau lũ phải nhanh chóng làm đất trồng lại, những loại rau ngắn ngày như rau Cải hay Ngò thì nay đã có thể ăn được, nhưng Su Hào phải mất 3 tháng, sau lũ tui mới trồng lại được nên phải ra tết mới có thu hoạch. Trồng rau là phải bỏ rất nhiều công sức để chăm bón, tưới nước, nhưng đổi lại vốn thấp nên cũng mang lại hiệu quả kinh tế”, anh Thọ cho biết thêm.
Cũng như gia đình anh Thọ, ông Phan Văn Diu (SN 1953), tại thôn 3, xã Đồng Trạch thời điểm này cũng bận rộn với việc chăm bón cho gần 1 sào Cà Chua và 1,5 sào rau Cần, Cải, rau thơm các loại. Ông Diu cho hay, ngoài diện tích trồng rau ăn lá, gia đình ông đang trồng thử nghiệm gần 1 sào Cà chua và một diện tích nhỏ Củ cải, Ớt để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Nếu hiệu quả, ông sẽ đầu tư, mở rộng thêm.
“Việc trồng rau ở đây đã có từ lâu, cũng đã có quy hoạch vùng rau sạch, nhưng hiện nay khó khăn lớn nhất của người trồng rau đó là nỗi lo đầu ra, thêm nữa là điệp khúc “được mùa mất giá”, cứ loại rau nào được mùa là giá lại bị kéo xuống thấp. Tuy nhiên thì vào dịp Tết, rau xanh giá khá cao nên những người trồng rau như tôi cũng có thu nhập để chi tiêu trong Tết ”, ông Diu nói.
Từ đầu tháng 12 trở lại đây, thời tiết thuận lợi nên các loại rau ngắn ngày của người dân Quảng Bình đang phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, năng suất cũng cao hơn. Mặt khác giá rau xanh hiện tại đang ổn định và có xu hướng tăng vào cuối năm nên người trồng rau đang rất phấn khởi, tiếp tục tập trung đầu tư giống, phân bón, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất với mong muốn một vụ rau đạt năng suất và được giá trong dịp Tết Đinh Dậu 2017.
Đặng Tài