Những thói xấu của người Việt khi ra nước ngoài
“Hình ảnh người Việt mặc đồ ngủ khi ra khỏi nhà, nghe điện thoại ồn ào, chửi thề, rất ít khi đúng giờ và xả rác, khạc nhổ vô tội vạ… là những thói xấu phổ biến, khó bỏ của nhiều người Việt”, ông Nguyễn Văn Mỹ, Ủy viên Hiệp Hội Lữ hành VN cho biết.
Theo số liệu thống kê, năm 2015, có khoảng 45 triệu người Việt du lịch trong nước và hơn 6 triệu người ra nước ngoài. Nhiều người lần đầu đi chơi xa, thiếu sự tư vấn và hướng dẫn nên vẫn hồn nhiên mang theo những thói quen tự nhiên như ở nhà. Điều này không đáng trách, bởi chưa có những quy định tối thiểu dành cho khách.
Với tâm tư làm sao thể hiện được hình ảnh một Việt Nam có văn hóa, hình ảnh du khách Việt Nam trong mắt nước ngoài này càng đẹp hơn, trong buổi tọa đàm nâng cao văn minh du lịch, ông Nguyễn Văn Mỹ, UV BCH Hiệp Hội Lữ hành VN đã thẳng thắn chỉ ra 8 thói xấu của nhiều người Việt hiện nay để từ đó có biện pháp tháo gỡ, giải quyết.
- Trang phục: Hình ảnh người Việt mặc đồ ngủ, đồ bộ khi ra khỏi nhà khá phổ biến, thậm chí cả xuống hồ bơi, ra bãi biển, đi chợ, đi dạo… ở nước ngoài. Đi máy bay trong nước, thỉnh thoảng gặp mấy người Việt mặc đồ ngủ. Cá biệt có người còn ở trần ra phố, coi cả thế giới như nhà mình. Trang phục quá tiết kiệm vải hoặc quá diêm dúa.
- Ngôn phong : Đầu tiên là việc nói chuyện, nghe điện thoại ồn ào và chửi thề. Từ khu vực lễ tân khách sạn, nhà hàng đến chỗ tham quan; nơi nào cũng oang oang “ngoại ngữ địa phương” như chỗ không người. Nạn chửi thề của các bạn còn rất trẻ, có khi đang học cấp 1, dễ làm người nghe ngộ nhận đó là văn hóa giao tiếp hiện đại.
Ra nước ngoài, cứ thấy chỗ nào ồn ào nhất, đích thị đó là khách Trung Quốc, Nga hoặc Việt Nam. Khách các nước tự nhiên dãn ra vì không gian yên tĩnh riêng tư bị chiếm đoạt.
Năm 2001, tôi tham gia Ban tổ chức “Hội chợ Hàng Việt Nam Chất lượng cao” lần đầu tiên tại Phnom Penh (Campuchia). "Khi đưa đoàn đi ăn trưa, tài xế người Khmer, rất ngạc nhiên khi biết chúng tôi là người Việt nên cứ thắc mắc “Không giống, người Việt gần nhà tôi, hay uống rượu, đánh lộn; câu nói nào cũng có chửi thề…”.
Năm 2008, tôi làm Tour leader cho đoàn khách toàn lãnh đạo đi châu Âu, có cả Chủ tịch tỉnh, các Giám đốc sở; được cảnh sát Ý mời vào phòng làm việc vì quá ồn ào tại nhà ga Venise. Nghe đâu họ nghi ngờ băng nhóm tội phạm.
- Tác phong: Người Việt rất ít khi đúng giờ. Chẳng vậy mà trong các thư mời của Việt Nam luôn đề nghị “Tham dự đúng giờ”. Có người còn khẳng định “Không đi trễ không phải người Việt Nam”. Thói quen này gây không ít phiền hà, khó chịu cho người khác, đặc biệt là các đối tác hoặc các đoàn quốc tế vì bắt cả đoàn phải chờ đợi hoặc chương trình bị đảo lộn.
Rồi việc chen lấn không đáng có khi lên tàu xe, vào nhà hàng, khi ăn buffet, vào điểm tham quan…. Hoặc phớt lờ mọi quy định của điểm đến; bỏ ngoài tai những cảnh báo về an ninh và an toàn của hướng dẫn viên và nhà tổ chức vì “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”.
- Ăn uống : Ẩm thực Việt Nam cực kỳ phong phú nhưng văn hóa ẩm thực thì lắm chuyện tréo ngoe. Ăn uống thì ngấu nghiến và hùng hục như “tằm ăn dâu”, ăn xong cứ vô tư ngậm tăm cho người khác biết ta vẫn còn răng để xỉa. Thói quen dùng đũa, muỗng riêng để lấy thức ăn chung, gắp đồ ăn cho người khác, ăn uống ngồm ngoàm, ồn ào; cứ vô tư cụng ly kiểu “Zô dô, 100%”, mặc thiên hạ bực mình .
Ăn buffet cứ lấy cho cố, vừa đi vừa ăn, chen ngang dưới nách khách Tây, bỏ thức ăn thừa mứa... Cả nhà hàng và hướng dẫn viên nhắc nhở, nhưng khi nhắc nhở không được họ đành phải trương bảng bêu gương. Có thể bắt gặp bảng cảnh báo thói xấu ăn uống bằng tiếng Việt ở Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…
- Giữ vệ sinh : Không chỉ khách bình dân mà cả các thầy cô giáo, nhân viên công vụ và cả cán bộ, cứ tùy tiện “tặng hoa cho đời”. Xả rác và khạc nhổ gần như là thuộc tính của một số khách Việt.
- Tham quan : Một số người Việt thích trốn vé tàu điện, vé tham quan…có khi còn tự hào xem đó là chiến tích qua mặt được thiên hạ. Đi chơi chủ yếu là để chụp ảnh tự sướng, sẵn sàng đạp lên cỏ, dẫm lên hoa, trèo lên tượng…bất chấp bảng cấm để chụp hình. Họ không cần nghe thuyết minh, ít chịu tìm hiểu lịch sử, văn hóa... Họ thích mua sắm theo phong trào, thấy ai mua gì là mua nấy, thích chơi nổi kiểu “Trưởng giả học làm sang” , cố lòe thiên hạ.
Vào nhà hàng thường chọn quán đông khách, không cần xem giá cả nhưng đi tour chỉ cần rẻ hơn vài phần trăm là hí hửng. Không đọc kỹ chương trình, cũng không hỏi rõ các dịch vụ nên thường xuyên bị lừa. Khi bị lừa, bị cắt bớt dịch vụ thì họ chửi đổng cho sướng miệng. Nhiều khách ảo tưởng, cứ ngỡ mình là thượng đế thật, nên hành xử và đòi hỏi phí lý…
- Đạo đức:Tham lam là thuộc tính của con người. Tật táy máy, thích cầm nhầm đồ người khác, nhất là trong các cửa hàng – cửa hiệu nước ngoài, của người Việt là nỗi ám ảnh của nhiều nước có du khách Việt. Không chỉ ở Asean, châu Á mà qua tận châu Âu, châu Mỹ. Những bảng cảnh báo về thói trộm cắp của một số người Việt vẫn thường xuất hiện trong các cửa hiệu và cả báo chí một số nước là nỗi ám ảnh khi phải tự nhận mình là người Việt.
- Xuất khẩu tệ nạn và lao động chui: Lợi dụng chính sách thông thoáng du lịch, một số phần tử xấu đã tranh thủ “xuất khẩu tệ nạn” sang các nước khác hoặc trốn lại, cư ngụ bất hợp pháp. Từ móc túi, cướp giật đến buôn lậu, mại dâm, lập băng đảng trấn lột.... Thụy Sĩ, Nhật Bản công khai danh tính du khách Việt trộm cắp trong cửa hàng.
Singapore liên tục từ chối du khách nữ Việt Nam nhập cảnh càng tăng thêm nỗi đau cho văn hóa Việt. Nước Nga, một thời là anh em chí cốt, giờ chỉ cấp visa cho du khách Việt đúng số ngày tour du lịch.
Tại sao các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… phải cảnh báo thói xấu của người Việt bằng tiếng Việt?
Việc gì cũng có căn nguyên, không ai tự nhiên làm khó người khác. Trước khi trách thiên hạ, phải biết tự trách mình" - ông Nguyễn Văn Mỹ, Ủy viên Hiệp Hội Lữ hành VN kết luận.
Theo Vietnamnet