Những thói quen xấu của người Việt khiến tai nạn, kẹt xe ngày càng gia tăng
(Dân trí) - Hằng ngày, khi tham gia giao thông, rất nhiều người trong chúng ta vô tình hay cố ý mắc phải những lỗi rất cơ bản nhưng góp phần ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông của những người khác trên đường như: chạy ngược chiều, chạy xe lên lề, dừng xe giữa đường để mua đồ, vượt đèn đỏ...
Khi đề cập về vấn đề an toàn giao thông của Việt Nam, nhiều chuyên gia đều nhận định rằng bên cạnh các yếu tố gây ảnh hưởng xấu như chất lượng hạ tầng giao thông, phương tiện lưu thông không đảm bảo an toàn (quá hạn, quá cũ, xe tự tạo) thì yếu tố hàng đầu phải nhắc đến chính là ý thức văn hóa giao thông rất yếu.
Nhiều người khi tham gia giao thông vẫn có thói quen chỉ biết tiện lợi cho mình và từ đó gây nên những tai nạn giao thông đáng tiếc gây nguy hiểm cho chính bản thân và những người xung quanh.
Chạy xe ngược chiều
Đây là một lỗi giao thông mà chúng ta có thể gặp bất cứ lúc nào và ở đâu. Nhiều người vì muốn tiết kiệm một chút thời gian đã chọn cách chạy ngược lại chiều lưu thông của các phương tiện khác và do đó không ít lần đã gây nên những vụ tai nạn nghiêm trọng. Điển hình như vụ tai nạn ngày 15-11-2018 tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, khi một người đàn ông vì tránh người phụ nữ chạy xe máy ngược chiều đã bị xe tải tông chết.
Vượt đèn đỏ
Đây là một lỗi cực kỳ nguy hiểm, và rất dễ gây tai nạn nghiêm trọng nhưng lại là thói quen cực kỳ phổ biến trong khi tham gia giao thông của người Việt. Chúng ta có thể gặp mỗi ngày chuyện khi dừng đèn đỏ ở giao lộ thì dù đã đợi được gần hết thời gian đèn, chỉ còn vài giây cuối nhưng nhiều người vẫn nhấp nhổm vặn tay ga, chạy thẳng trong khi dòng xe từ hướng khác vẫn còn đang di chuyển. Hoặc ngược lại, đèn đã chuyển sang đỏ nhưng vẫn cố gắng phóng xe qua. Đáng buồn hơn, nhiều người xem chuyện vượt đèn đỏ là điều hiển nhiên đến mức mắng những người không vượt hoặc tệ hơn nữa là câu chuyện rút dao đâm chết người vì bị nhắc nhở khi vượt đèn đỏ ngày 4-4-2019 vừa qua ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Chen lấn
Chen lấn có lẽ chính là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng kẹt xe hàng đầu. Nhiều người khi đang lưu thông mà gặp đường hơi tắc nghẽn do đông xe một chút đã mất kiên nhẫn và chạy lấn qua làn hướng ngược lại để chen lên. Họ cho rằng chạy như vậy sẽ làm nhanh hơn nhưng trong thực tế điều này là sai lầm. Với cách chen lấn như vậy, họ đã tạo nên các nút thắt cổ chai khiến cho tình trạng kẹt xe trở nên nghiêm trọng.
Không chỉ chen vào làn ngược chiều, nhiều người cũng chọn một cách trông có vẻ an toàn hơn là… chạy xe lên lề đường. Nhưng chuyện này đặc biệt nguy hiểm vì lề đường vốn không phải thiết kế cho xe chạy nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khác nhau.
Dừng xe, chuyển làn đột ngột
Khi lưu thông trên đường, rất nhiều người vẫn giữ thói quen dừng xe hoặc chuyển làn một cách đột ngột mà không có tín hiệu báo trước cho những người cùng tham gia lưu thông trên đường biết. Chuyện dừng xe, chuyển làn đột ngột này thường diễn ra ở các khu vực có nhiều điểm bán hàng ven đường, tại các giao lộ, nhất là vào những ngày trời nắng to cảnh từng nhóm người đột ngột dừng xe cách vạch quy định đèn đỏ đến hàng chục mét chỉ vì họ muốn nấp vào bóng râm… Những hành động này đã gây ra rất nhiều tai nạn nghiêm trọng cho chính người lái xe và những người đi đúng luật khác.
Bật đèn xi nhan rẽ ngược hướng hay không bật đèn
Khi tham gia giao thông, chúng ta rất dễ dàng gặp các tình huống trớ trêu như bật đèn xi nhan phải nhưng lại rẽ trái và ngược lại, hoặc rẽ nhưng không bật đèn xi nhan… Những lỗi này tuy nhỏ nhưng đôi khi lại gây ra hậu quả lớn. Không khác gì chuyện dừng xe hay chuyển làn đột ngột ở trên. Những người đi sau thường giữ khoảng cách an toàn bằng việc đoán hướng đi của người đi trước thông qua xi nhan. Vì thế, để giữ an toàn khi lưu thông trên đường, bạn nên bật xi nhan sớm vài giây trước khi cần rẽ cũng như bật đúng hướng muốn rẽ để những người đi sau có đủ thời gian phản ứng.
Đã đến lúc tất cả người Việt cần chung tay thiết lập lại trật tự an toàn giao thông hướng đến sự văn minh chung bằng cách tuân thủ đúng luật đã định: đi đúng làn, dừng đúng vạch… Song song đó là những ứng xử văn minh: không đi xe lên vỉa hè, không đột ngột chuyển làn, tránh cự cãi khi có va quẹt… và tăng cường hơn nữa việc sử dụng những phương tiện giao thông công cộng để góp phần giảm bớt lượng xe tham gia giao thông trên đường.