Những thói quen bất lợi cho sức khỏe ai cũng thường mắc phải
(Dân trí) - Bạn có biết thói quen gãi cằm, rửa tay với xà phòng diệt khuẩn cũng có thể khiến bạn mắc bệnh?
Rất nhiều người có thói quen sử dụng thực phẩm chức năng vì nghĩ chúng có thể giúp cải thiện sức khỏe. Thế nhưng, nếu sử dụng các loại không cần thiết, chúng sẽ có tác dụng ngược lại. Dưới đây là 9 thói quen hàng ngày gây hại cho sức khỏe nhưng hầu hết mọi người đều mắc phải.
1. Sờ tay lên mặt
Mọi người thường dụi mắt, gãi cằm một cách vô thức. Không ai nghĩ rằng thói quen tưởng chừng như vô hại này có thể dẫn tới các căn bệnh khác.
Bác sĩ đã chỉ ra rằng, trong nhiều trường hợp, virus đi vào cơ thể qua đường hô hấp là miệng và mũi, và chính con người lại là những “kẻ dẫn đường”. Chỉ với việc dụi mũi và dụi mắt hay cắn móng tay, bạn đang giúp vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể, đặc biệt là khi bạn đang ở nơi công cộng.
Ngoài việc truyền bệnh cúm và các bệnh truyền nhiễm khác, thói quen sờ tay lên mặt cũng gây mụn và khiến mụn đang có lan sang các vùng khác trên mặt.
2. Bổ sung vitamin và thực phẩm chức năng
Bạn có biết rằng sử dụng quá nhiều vitamin và thực phẩm chức năng có thể khiến bạn bị ốm? Bữa ăn bình thường của mọi người thường đã chứa khá đủ các dưỡng chất cần thiết, nên việc bổ sung thêm vitamin và thực phẩm chức năng có thể sẽ khiến cơ thể dư thừa dưỡng chất.
Các vitamin tan trong chất béo thường có khả năng gây ra các triệu chứng bất lợi khi dùng quá nhiều vì chúng khó để lọc ra khỏi cơ thể. Ví dụ, nếu bạn uống quá nhiều vitamin D, cơ thể sẽ có các triệu chứng như: buồn nôn, thấy yếu đi, đi tiểu thường xuyên, đau xương, và các vấn đề về thận.
Vitamin tan trong nước cũng có thể gây tác dụng phụ. Nếu bạn uống nhiều hơn 2.000mg vitamin C mỗi ngày bạn có thể bị ợ nóng, nôn mửa, đau đầu và mất ngủ. Vì thế đừng bao giờ uống thuốc bổ sung mà không tham khảo ý kiến bác sĩ.
3. Không có chế độ vệ sinh hợp lý với vật nuôi
Ôm ấp và chơi đùa với thú cưng có thể là mối nguy hiểm tiềm tàng đến sức khỏe ngay cả khi vật nuôi của bạn đã được tiêm phòng. Các ký sinh trùng như giun tròn, giun móc và bệnh ghẻ từ vật nuôi như chó, mèo có thể dễ dàng nhiễm sang cơ thể người. Vì vậy, cần chú ý rửa tay sạch trước và sau khi chơi đùa cùng những con vật đáng yêu của bạn, cũng như khi bạn nghịch các món đồ chơi hay dọn dẹp chỗ nằm của chúng.
4. Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn
Sự bất lợi của xà phòng diệt khuẩn là chúng không phân biệt được vi khuẩn tốt trong khi đa phần vi khuẩn trong cơ thể và cả trên bề mặt da đều có lợi cho sức khỏe.
Năm 2016, FDA đã cảnh báo các thành phần diệt khuẩn trong xà phòng có thể gây ra việc kháng vi khuẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe nội tiết của người dân. Người ta ước tính rằng, trên da người có chứa hơn 500 loài vi khuẩn có ích, đây là yếu tố sống còn đối với hệ miễn dịch của cơ thể. Vì thế, khi rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn, bạn gián tiếp làm mất đi các vi sinh vật có lợi, đang “chiến đấu” bảo vệ bạn khỏi các vi khuẩn có hại. Do đó, bạn chỉ nên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn khi hệ thống miễn dịch của bạn đang có vấn đề hoặc khi bạn sống trong môi trường ô nhiễm. Còn khi ở nhà, bạn chỉ cần rửa bằng xà phòng thông thường với nước là đủ.
5. Thực hiên “Quy tắc 5 giây”
Quy tắc 5 giây bắt nguồn từ một niềm tin cho rằng, nếu bạn làm rơi đồ ăn và nhặt nó lên trong vòng 5 giây đầu tiên thì sẽ vẫn an toàn, vì vi trùng chỉ tấn công vào đồ ăn từ giây thứ 6 trở đi. Quy tắc này hoàn toàn không có chút khoa học nào. Vi khuẩn sẽ ngay lập tức bám vào đồ ăn khi nó chạm xuống mặt sàn. Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe là cho món đồ đó vào sọt rác thay vì nhặt lên ăn tiếp.
6. Rã đông thức ăn ở nhiệt độ phòng
Các nhà khoa học cảnh báo rằng, bất kỳ thực phẩm dễ hỏng nào (cả đông lạnh lẫn không đông lạnh, như thịt, sản phẩm từ sữa, cá, trái cây, rau,...) không nên để rã đông ở nhiệt độ phòng vì chỉ sau hai giờ, nó đã trở thành nơi sinh sản của vi khuẩn.
Thực tế, quá trình này bắt đầu ở nhiệt độ 5 độ C và hầu hết mầm bệnh sẽ tăng theo cấp độ nhân ở nhiệt độ 60 độ C. Vì vậy, thay vì rã đông thực phẩm ở nhiệt độ phòng, bạn nên dùng lò vi sóng hoặc để tan chậm trong ngăn mát tủ lạnh.
7. Coi thường các vết xây xước nhỏ
Ngay cả một vết mèo cào nhỏ nhất, một vết dao cắt hay xước vùng da khuỷa tay cũng có thể bị nhiễm trùng. Các bác sĩ giải thích rằng, trên da luôn tồn tại vi trùng nhưng bị ngăn cản bởi hàng rào bảo vệ trên da. Vì vậy, một vết xước nhỏ cũng là cơ hội để vi khuẩn xâm nhập vào máu. Chỉ nên chạm vào vùng da bị ảnh hưởng bằng tay sạch, sau đó băng bó vết thương và để nó tự lành. Tuy nhiên bạn cần đi khám bác sĩ nếu có bất kỳ biểu hiện sưng, ngứa hay ửng đỏ bất thường.
8. Rửa thịt sống
Nghe có vẻ kì lạ nhưng việc làm này lại có thể tăng khả năng bị ngộ độc thực phẩm. Điều này được lý giải là vì, mặc dù các vi khuẩn trên bề mặt thịt sẽ bị tiêu diệt hầu hết trong quá trình nấu nhưng khi rửa, qua đường nước, chúng lại lây lan khắp bồn rửa chén, các dụng cụ nấu nướng và thức ăn gần đó.
Do đó, nếu có thể, bạn nên có khu vực chế biến thịt riêng với các thực phẩm khác. Hãy sử dụng các dụng cụ nấu thịt riêng và để thịt cách xa các thực phẩm ăn sống. Ngoài ra, nên rửa sạch tay trước khi bạn chuyển từ xử lý thịt sang các loại đồ ăn khác.
9. Thờ ơ với sức khỏe răng miệng
Sự lây nhiễm vi khuẩn không chỉ đến từ bên ngoài. Một sự kém quan tâm đến sức khỏe răng miệng có thể gây bệnh ở các cơ quan khác nhau trong cơ thể. Ví dụ bệnh tim mạch và tiểu đường loại 2 đều có liên quan đến nướu răng. Viêm nha chu có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ của bạn hay một số bệnh về răng miệng có thể gây viêm nội tâm mạc là một loại nhiễm trùng của niêm mạc tim của bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
Thảo Nguyên
Theo BM