Những sai lầm nhiều người mắc phải khi đi lễ chùa ngày đầu năm
(Dân trí) - Không phải đến Tết người Việt mới có thói quen đi lễ chùa. Mặc dù đặt chân đến nơi cửa Phật hàng ngày, hàng tháng nhưng nhiều người lại đang mắc phải những sai lầm mà ngay chính họ cũng không nhận ra.
Vào những ngày đầu năm, đi chùa là một trong những quan niệm phổ biến với nhiều người Việt. Họ đến chùa với mong muốn cầu cho mình và người thân một năm mới bình an, cầu tài, cầu lộc.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết hết những điều cần thiết và tránh kiêng kị khi đến chùa dịp đầu năm. Nhiều người đi chùa thường truyền miệng nhau cần làm gì, cúng bái như thế nào rồi bắt chước theo nhau mà không biết được rằng những việc đó là không cần thiết, thậm chí còn phạm vào giới luật của đạo Phật.
T.S Đinh Đức Tiến, khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng: “Xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của một số người, hành động này được lặp đi lặp lại. Về sau, càng có nhiều người làm theo và mặc nhiên, nó dần trở thành thói quen”.
Đặt tiền công đức lên tượng Phật
Mỗi lần đi lễ chùa, người đi chùa thường quyên góp một khoản công đức. Đây là việc rất tốt, nên làm để nhà chùa có thể sử dụng khoản tiền đó tu sửa chùa hay phục vụ đèn, nhang cho du khách thập phương.
Tuy nhiên, ở nhiều nơi, việc công đức đang dần trở nên biến tướng. Không khó để bắt gặp cảnh người dân rải tiền lẻ ở khắp nơi trong chùa hay vô tư đặt tiền lên tượng Phật.
Người ta có thể để tiền lên nhiều chỗ: để lên bàn thờ, nhét vào tay phật, vạt áo Phật, tất cả những chỗ nào trên tượng Phật có thể giữ được tiền. Rất nhiều hình ảnh xấu đã được phản ánh trên các phương tiện truyền thông.
T.S Đinh Đức Tiến chia sẻ: “Khi có ý định muốn công đức cho nhà chùa, người đi chùa nên bỏ tiền vào hòm hoặc để lên mâm đồ chay, đặt lên ban thờ Phật. Việc công đức nhiều hay ít, hoàn toàn tùy tâm và phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của từng người”.
“Hành động để tiền lên Phật vừa làm mất thẩm mỹ, vừa làm mất đi giá trị về mặt tâm linh. Đức Phật không cần đến tiền của người trần tục. Vì vậy, hành động rải tiền lẻ khắp chùa là 1 việc hoàn toàn sai lầm, làm ô uế cửa Phật”, T.S Đinh Đức Tiến nhấn mạnh.
Cúng đồ ăn mặn
Theo quan điểm truyền thống của đạo Phật, đặc biệt là dòng Tu thiền đại thừa ở miền Bắc, đã vào chùa thì chỉ được cúng đồ chay, tuyệt đối không được mang đồ mặn. Đây là điều tối quan trọng, nhưng vẫn có nhiều người không để ý.
Trong suy nghĩ của một số người, càng có mâm cúng thịnh soạn càng chứng tỏ lòng thành dâng lên Đức Phật nên họ dâng cả gà, lợn,… lên ban thờ trong chùa. Thế nhưng, hành động này đã vô tình phạm vào những điều cấm kỵ.
Trên ban thờ chính chỉ để hương, hoa, quả, oản,… những gì tinh khiết, thanh tịnh nhất. Lý giải: người ta vẫn coi bàn thờ là nơi liên quan đến thần linh, tức thuộc về thế giới thiêng liêng nên không để những đồ ăn của người trần tục, có mắm muối, thịt,…
Tuy vẫn có một số dòng tu ăn mặn, nhưng họ có những ngày kiêng kỵ nhất định và không trực tiếp sát sinh. Nhưng nói chung, việc đưa đồ ăn mặn lên ban thờ Phật là điều không được phép làm.
Vào chùa nhưng không giữ cho tâm tịnh
“Thế giới cửa Phật là thế giới của sự thuần khiết, thanh tịnh. Chỉ cần bước qua ngưỡng cửa Tam quan, người đi chùa sẽ bước vào một thế giới khác. Dù ở bên ngoài tâm có xáo động, hỗn độn đến đâu, thì khi bước vào cửa Phật cũng phải giữ cho tâm tịnh”, T.S Đinh Đức Tiến nói.
Khi vào chùa, nghe tiếng chuông, tận hưởng không khí tịch mịch và ngửi thấy mùi nhang trầm, tâm sẽ tĩnh lại và từ đó suy nghĩ được nhiều điều thấu đáo hơn.
Tu Phật không phải hướng ngoại mà cầu, là hướng vào chính bản thân mình, khơi dậy thiện niệm để Phật tính vốn sẵn có trong con người được khởi phát. Khi lên chùa, người đi lễ không nên “tham, sân, si”, cầu xin tiền tài. Trong đạo lý nhà Phật có dạy rất rõ, cần tránh xa lòng tham và sự mê đắm vật chất, cần phải buôn bán làm ăn chân chính ngay thẳng…
Cho nên, đi lễ chùa vốn chỉ là để làm khởi phát cái thiện tâm của mỗi người, cầu sức khỏe và sự bình an cho chính bản thân.
Hoàng Ngọc