Những sai lầm mà con người hay mắc phải trong cuộc sống

Từ nhà thất hứa hậu quả con cái mất niềm tin nhưng khi ra ngoài xã hội, lời thất hứa sẽ bán cả uy tín của bạn.

Cuộc sống là muôn màu muôn vẻ, có bằng phẳng. Dù thế nào thì ai cũng đều phải vượt qua những thăng trầm đó. Tuy nhiên trong cuộc sống, con người hay mắc phải những sai lầm, làm cho bạn lỡ nhịp trong sự nghiệp và đôi khi khiến cho cuộc sống của bạn bị đảo chao, đi sang hướng rẽ khác.

Luôn cho mình là người giỏi, là trung tâm của vũ trụ

Trong binh pháp Tôn Tử, có viết “Biết người biết ta, trăm trận không nguy; không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua; không biết người, không biết ta, mọi trận đều bại”, dựa trên ý tứ của Tôn Tử mà chúng ta có “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. Đó là kinh nghiệm sống của người xưa được đúc kết, truyền lại và ngày nay kinh nghiệm đó vẫn luôn đúng.

Hay nói một cách đơn giản là “một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự kiêu”. Dù ở cương vị nào thì cũng cần phải nhớ rằng hãy biết lắng nghe, học hỏi, bởi kiến thức là vô hạn, mà sự hiểu biết của mỗi con người chỉ là hữu hạn.

Trong mọi hoàn cảnh, không biết giới hạn của sự nhận thức, lúc nào cũng ảo tưởng nghĩ mình là giỏi, thì không bao giờ có những người bạn thật lòng ở bên, không cho ra những kết quả đúng như mình mong đợi. Sự tự cao, tự đại sẽ tặng cho bạn một cuộc sống cô độc. Luôn nghĩ mình giỏi còn là con dao hai lưỡi khiến bạn thất bại mà không được báo trước.

Những sai lầm mà con người hay mắc phải trong cuộc sống - 1

Ảnh minh họa: KT

 

Luôn nghĩ mình là người có sức khỏe, nhiều khi bán mạng vì điều đó

Sức khỏe là vốn quý của mỗi người. Có sức khỏe là có tất cả. Tuy nhiên nhiều người lúc trẻ không trân trọng điều đó mà tự mình hành hạ bản thân, coi thường tính mạng. Có đôi khi nghĩ mình có sức khỏe tốt nên bán mạng vì công việc.

Nhiều người đã phải trả giá bởi đem sức khỏe, tính mạng ra cá cược với sự nghiệp. Lao tâm khổ tứ vì công việc là tốt nhưng mà phải biết điều tiết sức khỏe, công việc, sở thích cá nhân. Một người thành công là người biết điều tiết tốt tất cả mọi lĩnh vực và trân trọng sức khỏe, trân trọng cảm xúc. Bởi chỉ khi mình có một cơ thể khỏe mạnh thì mới đem lại cảm xúc thăng hoa mà thôi.

“Làm để chết à” là cụm từ được nhiều người trẻ ngày nay hay sử dụng. Bởi họ tận dụng giai đoạn trẻ khỏe để kiếm tiền, xây dựng sự nghiệp, bởi ai cũng nói câu tranh thủ lúc còn trẻ, còn khỏe. Nhưng sức khỏe không phải là thứ chúng ta có thể mua. Tuy nhiên, nó có thể là một tài khoản tiết kiệm cực kỳ giá trị. Vậy hãy biết trân trọng, sợ có một ngày nói câu hối tiếc.

Tự ti là liều thuốc độc nếu ai đang sở hữu nó

Tự tin quá khiến cho bạn đôi khi cao ngạo. Nhưng nếu ai sở hữu sự tự tin thì đồng nghĩa với thành công nhiều hơn. Nhưng ngược lại với tự tin thì đó là tự ti. Ai mà trót sở hữu tự ti thì hãy liệu chừng, đó giống như liều thuốc độc giết chết bản thân.

Cái giá phải trả cho sự tự ti là thất bại trong khi cái kết cho sự tự tin là thành công. Nhiều khi chính bạn không nhận ra điểm mạnh của mình, lúc nào cũng co ro trong 1 vỏ bọc an toàn và nhìn người khác bằng sự ngưỡng mộ, còn mình thì sao lại kém cỏi thế này.

Người tự ti không dám nhìn thẳng vào sự thật. Bởi khi bạn mất tự tin thì bạn cũng là người mất sự nhạy bén, và không nhanh nhạy trong công việc. Tự tin vì mình chuyên môn kém, tự ti vì mình xấu xí, tự ti vì mình nghèo…có muôn vàn lý do được bạn đưa ra để ngụy biện cho sự không thành công của mình.

Đôi khi con người ta lại chỉ có vài phút rơi vào sự tự ti và điều đó làm cho bạn trả giá khá đắt. Vậy bí quyết để bạn luôn tự tin chính là thái độ tích cực khi làm việc hay khi đối diện bất cứ một vấn đề nào đó.  Một chuyên gia về nghề nghiệp đã từng chia sẻ như thế này: “Bạn sẽ không thể tưởng tượng được hết sức mạnh kì lạ của sự tư tin. Tự tin không chỉ khiến bạn yêu bản thân, yêu công việc mà còn giúp bạn tỏa sáng và nổi bật trước đám đông. Sự tự tin không đồng nghĩa với tự cao, tự đại. Khi bạn tự cao, có thể bạn sẽ vẫn nổi bật nhưng tỏa sáng thì không đâu”.

Khi mà bạn trót mang biệt danh người thích “hứa”

Nhiều khi hứa cho sang mồm, hay với nhiều người đó lại là thói quen. Nhưng bản thân người hay hứa biết rằng, hậu quả của những lời hứa vô bổ đó lại làm tổn thương bao nhiêu người.

Những người hay thích hứa xuông thường được gọi là những người thích “chém gió”. Ngay như trong mỗi gia đình, bố mẹ cũng nên học thói quen giữ lời hứa. Người lớn thường hay quen miệng dụ các con rằng: “Nào hôm nay ngoan đi cuối tuần bố mẹ cho đi chơi”. Trẻ con háo hức, mong ngóng chờ đợi đến cuối tuần. Nhưng rồi chúng lại ngơ ngác khi thấy bố mẹ chả đả động gì đến lời đã hứa và khi thắc mắc thì người lớn bạo biện rằng: “để lần khác, hôm nay bố mẹ bận rồi”. Cứ thế lời hứa chỉ là lời hứa khiến cho con trẻ mất niềm tin và chúng buột miệng nói rằng “bố mẹ lừa con”.

Từ nhà thất hứa hậu quả con cái mất niềm tin nhưng khi ra ngoài xã hội, lời thất hứa sẽ bán cả uy tín của bạn./.

Theo VOV