Những phong tục kỳ quái ở Lục địa đen

Hủ tục nô lệ tế thần tại Ghana có nghĩa là dâng nạp gái trinh để phục vụ cho các tù trưởng hoặc giáo sĩ. Đó là cái giá phải trả cho những gia đình mang các tội như trộm cắp, ngộ sát...

Đối với giới nghiên cứu văn hóa, châu Phi là lục địa tồn tại nhiều sắc dân quái lạ, nơi có đến 1.300 ngôn ngữ mà mỗi ngôn ngữ đại diện cho một sắc dân với niềm tin tôn giáo khác biệt, phong tục khác biệt và lễ hội cũng khác biệt. Trong vài thập niên qua, nhiều nét truyền thống châu Phi đã biến mất hoặc thay đổi ít nhiều. Mặc dù vậy cho đến nay, châu Phi vẫn còn không ít tập tục không giống bất cứ đâu trên trái đất...

 

Tại Ethiopia, vào mỗi mùa gặt, đàn ông thuộc bộ tộc Surma bỏ ra hàng giờ để bôi mặt và thân thể trước khi tham gia một loạt cuộc tranh tài để chứng tỏ lòng can đảm và giành các cô gái. Kẻ thắng trận hãnh diện đứng ra hỏi cưới cô gái mình thích và trước khi “đưa nàng về dinh”, chàng phải dâng lễ cưới cho gia đình cô dâu gồm một số súc vật, được định đoạt bằng kích thước khối đất sét và cái đĩa gỗ độn dưới hàm dưới của nàng.

 

Ở Kenya và Tanzania, cứ 7 năm một lần, khoảng 700 chiến binh Maasai tập trung lại, tham gia lễ hội kéo dài một tuần, đánh dấu giai đoạn bước sang tuổi già - thời kỳ xếp giáo cất cung để chuẩn bị hưởng an nhàn. Tại Namibia, tục chữa bệnh bằng phép thuật vẫn còn được áp dụng. Ca bệnh được chữa trị trông không khác gì một buổi lên đồng.

 

Ở Mali, khi có người trong bộ tộc Dogon của mình chết, các thành viên trong bộ tộc quấn thi thể bằng nhiều lớp vải rồi cột vào dây thừng và sau đó kéo lên vách núi đá cao hơn 90m để đến hang chôn tập thể. 12 năm một lần, dân Dogon tổ chức lễ hội Dama kéo dài 6 tuần để đưa những vong hồn còn vất vưởng quanh làng trở về thế giới bên kia...

 

...Và kỳ quái

 

Tại Ghana, Ashanti là bộ tộc lớn nhất và mạnh nhất, hình thành như một vương quốc thống trị tại nước này cách đây hơn 300 năm. Đến nay, bộ tộc Ashanti vẫn duy trì ngôi vua và 10 năm lại tổ chức một lễ hội linh đình để tái khẳng định sức mạnh của bộ tộc mình. Tại lễ hội này, vua Ghana đeo vàng khắp người, mà chỉ riêng hai cánh tay đã phải cần nhóm tùy tùng nâng hộ bởi nặng trĩu toàn vàng... Nhưng nếu chỉ có mỗi lễ hội này thì vẫn chưa có gì đặc biệt, bởi Ghana còn là xứ sở của một phong tục kỳ quái khác: trokosi.

 

Trokosi (nô lệ tế thần) là tục dâng nạp gái trinh để phục vụ cho các tù trưởng hoặc giáo sĩ. Đó là cái giá phải trả cho những gia đình mang các tội như trộm cắp, ngộ sát... bởi người ta tin rằng chỉ khi cống nộp thể xác một cô gái trinh nguyên trong gia đình mình cho thần linh thì tội lỗi mới có thể được gột rửa, tránh khỏi sự trừng phạt của các lời nguyền bí hiểm.

 

Tục này được áp dụng tại ít nhất 12 ngôi đền ở Ghana và hàng chục ngôi đền khác tại Togo và Benin với số nạn nhân tế thần tổng cộng khoảng 10.000 cô gái. Tuy có vài nét khác biệt ở từng nơi nhưng các trokosi đều chịu nỗi thống khổ như nhau. Vài bé gái khi được dâng cho thần linh lúc mới chỉ 2 tuổi, đến kỳ kinh nguyệt đầu tiên thì thực sự trở thành nô lệ tế thần đúng nghĩa với buổi lễ công nhận chính thức rồi sau đó - như tập tục lâu đời - vị giáo sĩ (được xem là hiện thân của thần) bắt đầu có quyền ăn nằm với nạn nhân bất cứ lúc nào ông ta muốn.

 

Khi trokosi chết, thân nhân phải tự lo ma chay chôn cất và trong nhiều trường hợp còn phải dâng nộp một cô gái trinh khác trong gia đình mình để thay thế cho trokosi vừa chết. Vài phụ nữ tế thần trong một số ngôi đền ở Ghana hiện nay đã là thế hệ trokosi thứ năm, vẫn câm lặng làm lụng và cống nộp thân xác để “trả giá” cho một sai lầm hay tội lỗi duy nhất gì đó mà gia đình đã phạm phải. Bất cứ trokosi nào bị bắt khi trốn thoát đều hứng chịu những trận đòn kinh khủng nhất trong đời.

 

Hiện nay, tại vài nơi ở Ghana, Thiên Chúa giáo của các giáo sĩ Bồ Đào Nha đã in đậm, tập tục trokosi đang gặp phản ứng gay gắt. Những chiến dịch chống đối được phát động và nhiều trường học dành riêng cho trokosi được lập ra. Nhưng khuôn mặt những cô gái nô lệ của thần linh đã hằn sâu sự bi ai và thống khổ tột cùng mà không liệu pháp tinh thần nào có thể xóa đi được...

 

Trong khi ở Ghana và một số nơi khác, trokosi chưa bị xóa sạch thì ở Sierra Leone, Kenya, Liberia... phụ nữ lại chịu tập tục cắt bỏ âm vật (teõfoos). Tập tục này bám rễ rất lâu đời ở nhiều nước châu Phi và đặc biệt được áp dụng tại Sierra Leone, nơi đang tồn tại Bundo - một hội toàn nữ giới chiếm đến 90% phụ nữ xứ này.

 

Theo ghi nhận của các tổ chức y tế thế giới, hiện có khoảng 130 triệu phụ nữ ở ít nhất 22 nước châu Phi đã bị cắt âm vật và mỗi năm chừng 2 triệu trẻ gái phải chịu hình thức “phẫu thuật” dã man này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức xem teõfoos là hành động vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, cho đến nay, Bundo ở Sierra Leone và nhiều tổ chức phụ nữ khác tại châu Phi vẫn chống đối quyết liệt trước sự can thiệp nhằm xóa bỏ tập tục teõfoos do phương Tây đã và đang khởi xướng mạnh từ đầu thập niên 1990.

 

Theo Anh Vũ

An ninh thế giới