Những phận người mưu sinh giữa đêm đông mưa rét

(Dân trí) - Giữa đêm tối lạnh giá, nhà nhà đã chìm trong giấc ngủ say, thì nơi những tuyến phố yên tĩnh ấy vẫn có những quán hàng sáng đèn, đỏ lửa. Lạnh giá với họ chỉ là... chuyện của thời tiết…

Tất cả miếng ăn nhìn vào đó, nghỉ làm sao được

23h đêm, bình thường tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) vẫn khá đông đúc bởi đây là tuyến phố trung tâm, nơi có Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, Bệnh viện TP Hà Tĩnh và cũng là nơi tập trung nhiều cửa hàng thương mại, quán ăn ở thành phố bé nhỏ này.

Nhưng đêm đầu tiên của năm 2019, tuyến phố này khá ảm đạm. Hầu hết người dân sống hai bên đường và các ki ốt, quán hàng đã cửa đóng then cài, tất cả đã chìm trong giấc ngủ say trước đợt lạnh giá nặng nhất của mùa Đông này.

Nơi còn sáng đèn nhiều nhất, còn có người lác đác qua lại là trước khu vực cổng BVĐK Hà Tĩnh. Nói là sáng đèn nhiều nhất, nhưng điểm lại cũng chỉ có dăm ba hộ kinh doanh ăn uống phục vụ người nhà bệnh nhân ở bệnh viện và khách vãng lai.

Hai điểm khác biệt dễ dàng nhận thấy nhất ở quán bà Luận- một quán cóc vỉa hè với món mì tôm trứng nổi tiếng hơn 20 năm nay ở cổng bệnh viện này- đó là một bếp lửa rực cháy và… một quán vắng khách hơn thường lệ. Khách của quán bà Luận không chỉ là người nhà săn sóc bệnh nhân trong bệnh viện mệt, đói ra lót dạ, mà còn là điểm hẹn quen thuộc của người dân đam mê món mì trứng, thậm chí là điểm đáp của nam thanh, nữ tú sau những cuộc vui ở các quán hát.

Mặc cho giá lạnh, quán mì tôm vịt lộn của bà Luận vẫn hoạt động. Bà nhóm lửa cho đỡ lạnh.
Mặc cho giá lạnh, quán mì tôm vịt lộn của bà Luận vẫn hoạt động. Bà nhóm lửa cho đỡ lạnh.

Thường lệ, đôi chân, đôi tay bà Luận và người giúp việc phải cật lực thoăn thoắt mới có thể kịp phục vụ khách. Đêm nào kết thúc buổi bán hàng bà cũng mệt rũ rượi. Nhưng đêm nay, ở phía trong, trên những chiếc bàn nhỏ, tất cả mọi thứ phục vụ khách đã sẵn sàng. Nhưng trời lạnh giá, vắng khách, bà mặc chiếc áo ấm mũ kín đầu ngồi nhóm lửa, sưởi ấm ngóng nhìn khách tới. Thi thoảng bà lại ngước mặt nhìn một vài chiếc xe máy, taxi chạy qua nhưng không tạt vào mà buồn bã.

“Khách giảm hẳn em ơi. Bình thường mỗi buổi tối chị bán cả trăm bát mì tôm, nhưng hôm nay đã gần bước sang ngày mới rồi mà bán chưa được bao nhiêu. Ế là chắc rồi”- giọng bà Luận bớt vồn vã hơn thường lệ, vừa nhóm lửa vừa chuyện trò.

Dù khách ít hẳn, dù tuổi đã cao, nhưng bà Luận nói rằng, chị không thể đóng quán nghỉ ở nhà để tránh cái giá lạnh giữa đêm khuya được. Bà trầm tư tâm sự, giá rét với bà chỉ là chuyện của thời tiết, 7-8 độC, chứ âm độ bà vẫn dọn hàng phục vụ khách.

Bà Luận nói: Nghỉ làm sao được, tất cả cuộc sống gia đình chị trông mong nơi bát mì tôm, quả trứng lộn này.
Bà Luận nói: Nghỉ làm sao được, tất cả cuộc sống gia đình chị trông mong nơi bát mì tôm, quả trứng lộn này.

“Không thể nghỉ được chú ạ. Mình phục vụ quen rồi. Vả lại, nghỉ làm sao được, tất cả cuộc sống gia đình chị trông mong nơi bát mì tôm, quả trứng lộn này. Không mở hàng là không có cái ăn, cái để lo mừng cưới hỏi, đơn giản thế thôi chú ạ”- bà Luận nói.

Tiếng tít tít từ một chiếc taxi xin đường tấp vào quán. Bà Luận chỉ cần nghe tiếng tít của xe vội đứng dậy rời xa bếp lửa. Khuôn mặt bà tươi tắn hơn, bởi vài chục phút rồi quán của bà mới đón thêm được mấy người khách…

Cũng như bà Luận, giữa khuya giá lạnh này ông Từ Văn Sỹ, một thợ bán bánh bao từ huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) ra mưu sinh tại TP Hà Tĩnh vẫn đạp xe quanh các tuyến phố để bán hàng. Âm thanh quen thuộc “Bánh bao đê. Bánh báo đê” vẫn vang lên không ngớt từ chiếc loa lắp trước thành ghi đông của chiếc xe bánh bao mà ông Sỹ nói gắn liền với gia đình ông từ mấy chục năm nay.

Ông Sỹ đứng đội giá lạnh chờ khách tới mua bánh bao ở một ngã tư ở TP Hà Tĩnh.
Ông Sỹ đứng đội giá lạnh chờ khách tới mua bánh bao ở một ngã tư ở TP Hà Tĩnh.

Ông Sỹ nói, giá rét thì đương nhiên là cực hơn, giao được chiếc bánh cho khách nhiều khi phải che chắn cẩn thận khỏi nước mưa nhỏ vào bánh. Rồi nữa, đêm khuya tiếng loa nhỏ quá thì khách ở trong những ngôi nhà tránh rét không nghe thấy, mà to quá có khi gây tiếng ồn, tiếng chó sủa làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người dân.

Giá rét, ông vẫn cứ đứng chờ, bởi ông tin khách sẽ thích bánh bao vào những dịp rét thế này.
Giá rét, ông vẫn cứ đứng chờ, bởi ông tin khách sẽ thích bánh bao vào những dịp rét thế này.

Vừa đút củi vào bếp than rực cháy, ông Sỹ nở nụ cười chất phác, gần gũi: “Rứa chừ rét ri cũng có cái hay là bán bánh dễ hơn đó. Bình thường tui chỉ bán được mô 60-70 cái một đêm thôi, mấy hôm ni trời rét lại dễ bán hơn, đêm trước tui bán được hơn 100 cái”.

Người đàn ông chất phác thật thà cho biết, mấy hôm nay trời rét bánh bao dễ bán hơn, đêm trước ông bán được hơn 100 cái.
Người đàn ông chất phác thật thà cho biết, mấy hôm nay trời rét bánh bao dễ bán hơn, đêm trước ông bán được hơn 100 cái.
Những phận người mưu sinh giữa đêm đông mưa rét - 6

Tính ra, mỗi chiếc bánh giá 5000 đồng, trừ chi phí mỗi đêm giá rét, ông Sỹ kiếm đơn hơn hai trăm ngàn. “Nói thiệt là tui vẫn thích trời lạnh hơn. Mà tui không quan tâm thời tiết mô, tui chỉ quan tâm là bán được bánh hay không thôi”, ông Sỹ nói.

Đêm “thất bát” của những bác xe ôm

Dạo quanh TP Hà Tĩnh suốt gần một đêm rét mướt, dẫu cuộc sống rất khó khăn, dẫu muốn lăn lộn, muốn đội mưa rét để kiếm tiền lắm, nhưng những người chạy xe ôm vẫn không thể hành nghề. Đơn giản, dù trời rét, gần như có đứng đợi, có giảm giá, có phục vụ tận tình thì cũng chẳng ai đón xe, chẳng ai gọi chở.

49378811_302625087051915_8184387154093277184_n

Ngã tư giao cắt giữa tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông và Hà Huy Tập bình thường rất đông xe ôm đứng đợi khách, mấy hôm nay mưa rét ngã tư này vắng hẳn.

Bình thường sau bữa cơm tối, anh Hùng và các chiến hữu của mình tụ tập ở ven ngã tư giao nhau giữa đường Hải Thượng Lãn Ông và đường Hà Huy Tập. Đây là điểm xuống bệnh viện, cũng là điểm đón trả khách ngược huyện miền núi Hương Khê và các vùng phụ cận huyện Thạch Hà.

Những người không đủ điều kiện taxi hay nhỡ chuyến xe buýt, thường đến đây để đi xe ôm. Nhưng những đêm rét mướt này không một bóng dáng khách chọn phương tiện xe ôm thuận tiện, giá rẻ. Ngã tư vì thế mà cũng vắng bóng anh Hùng và tổ đội xe ôm chốt trực ở đây.

“Ai cũng muốn kiếm thêm, nhưng đêm trước đứng ở đó cả tiếng đồng hồ mà không lấy một khách nào. Có khách vừa có tiền, vừa quên bớt thời gian. Không có khách, đứng cả tiếng dưới giá lạnh, thời gian nó dài như cả đêm. Đứng mãi có khi chân tay cóng, khó đi lại. Vậy là anh em đành ngậm ngùi rủ nhau ở nhà”- anh Hùng buồn bã nói.

Với những người chạy xe ôm như anh Hùng, họ mong lắm đợt giá rét qua đi để con đường mưu sinh sớm trở lại như những ngày ấm áp.

Văn Dũng