Quảng Nam:

Những người phụ nữ làm nghề... bế “Trư Bát Giới” thuê

(Dân trí) - Chợ heo Bà Rén (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) có một nghề rất đặc biệt đó là nghề... bế heo thuê. Không biết có tự khi nào nhưng giờ đây nó đã trở thành nghề mưu sinh của nhiều người, đa số họ là những người phụ nữ.

Theo những người dân sống quanh chợ cho biết, chợ được hình thành từ những năm 1970 của thế kỷ trước. Tên chợ vốn được đặt theo tên một người đàn bà chèo đò dọc khúc sông này. Ngày trước khi chưa có cầu, bên cạnh chợ heo là một cái chợ khác chuyên bán các mặt hàng phục vụ nhu cầu hàng ngày, ai muốn qua sông đều phải nhờ bà đưa sang sông.

Chợ heo Bà Rén
Chợ heo Bà Rén

Sau đó, vì mùi hôi khó chịu từ chợ heo nên nhiều người buôn bán khác khó chịu, họ đành dời chợ sang một khu đất khác bên cạnh. Thế là từ chợ Bà Rén, người ta dùng để đặt cho chợ heo.

Nhọc nhằn bế heo thuê
Nhọc nhằn bế heo thuê

Theo thời gian, nhiều người dân đem heo về đây để mua bán, trao đổi. Những người phụ nữ khỏe mạnh, có “tướng tốt” tay khéo được nhờ bế heo lấy hên. Bên cạnh đó, nhiều tiểu thương về đây giao dịch thường rất ngại phải bế heo một phần vì sức nặng của nó, một phần vì chất xú uế từ heo mà ra.

Chuẩn bị chở heo đi
Chuẩn bị chở heo đi

Mỗi lần cân đong hay bế heo từ chợ ra xe họ đều nhờ đội ngũ những người tình nguyện làm công việc nhọc nhằn này để kiếm thêm thu nhập. Có cung là phải có cầu, những người làm nghề này cũng phát triển dần theo quy mô của chợ Bà Rén.

Những người phụ nữ làm nghề... bế “Trư Bát Giới” thuê - 4
Cho heo vào rọ
Cho heo vào rọ

Có mặt tại chợ heo Bà Rén từ lúc sáng, cái nắng nóng oi bức của mùa hè cùng mùi hôi thối từ phân heo, tiếng chí chóe của chúng càng làm cho không khí trở nên nặng nề. Khi được hỏi về nghề bế heo này, nhiều người đã hóm hỉnh nói vui đây là “nghề ôm Trư Bát Giới”.

Tại đây chúng tôi gặp bà Trần Thị Lợi, một trong những người bế heo thuê tại chợ. Chồng mất, một mình bà gồng gánh nuôi con nên người, dấu vết thời gian dường như đã in hằn lên gương mặt khắc khổ của người người góa phụ này.

Mặc cả giá bế heo
Mặc cả giá bế heo

Những hôm thức khuya, dậy sớm với bà đã quá quen thuộc. Bà dậy từ tờ mờ sáng để lo cơm nước cho con, sau đó thì lại ra chợ bế heo thuê, hết việc tại chợ bà lại tiếp tục đi làm thuê, về nhà lại quần quật đến khuya.

Bà chia sẻ: “Với tôi, cực nhọc mấy cũng chịu được chỉ mong sao con ăn học nên người. Khi những người mua heo đến đây cũng là lúc công việc của chúng tôi bắt đầu. Giá cả tùy thuộc vào cân nặng của con heo mình bế thuê, trước thì con lớn giá 1.000 đồng/con, nhỏ thì 500 đồng/con, giờ đã có tăng chút đỉnh từ 3.000-5.000 nhưng cũng không nhiều. Cực nhọc và vất vả lắm thì mỗi ngày cũng chỉ kiếm được hơn 70 ngàn”.

Những người phụ nữ làm nghề... bế “Trư Bát Giới” thuê - 7
Những người phụ nữ làm nghề... bế “Trư Bát Giới” thuê - 8
Những người phụ nữ bế heo thuê nuôi con
Những người phụ nữ bế heo thuê nuôi con

Hôi hám, nhớp nhúa, cực nhọc… là những gì phụ nữ bế heo thuê ở đây phải gánh chịu. Dù biết nhưng cũng phải chấp nhận, có mấy ai dám bỏ nghề vì như vậy chẳng khác nào họ tự đạp đổ bát cơm của mình. Đấy là chưa kể nhiều trường hợp phải đền bù lại tiền cho người thuê nếu không may làm heo xổng hay chẳng may làm trầy xướt, heo mất giá.

Bà Nguyễn Thị Xí - người đã gắn bó lâu năm với chợ heo Bà Rén - chia sẻ: “Những người bế heo ở đây đa phần đều có hoàn cảnh rất khó khăn, cuộc sống vất vả phải mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau. Sau khi bế heo nơi đây, chúng tôi lại đi làm thuê nơi khác hoặc về nhà làm việc đồng áng… Nhiều lúc bế heo để xổng hoặc trầy xướt có người thì bỏ qua nhưng có người lại bắt đền, thế là ngày công đó coi như đi toi hoặc phải bù thêm”.

Người đàn ông duy nhất bế heo thuê tại đây
Người đàn ông duy nhất bế heo thuê tại đây

Chợ heo Bà Rén hiện nay có khoảng chục phụ nữ bám víu cái nghề nặng nhọc, vất vả và hiểm nguy này. So với khoảng thời gian trước, số lượng người bế heo có giảm sút những người còn lại đều có thâm niên với nghề trên dưới 10 năm.

Họ là những người phụ nữ nghèo trong vùng hoặc đến từ các vùng phụ cận. Nhiều nhất là huyện Quế Sơn, tiếp đến là Duy Xuyên. Cuộc sống đa phần khó khăn, vất vả khiến họ phải kiếm nhiều nghề để kiếm sống lo cho gia đình.

Những chú heo nằm trong chuồng chờ người mua
Những chú heo nằm trong chuồng chờ người mua

Bà Phạm Thị Xuyến có chồng không may mắc phải căn bệnh quái ác, mất khả năng lao động từ nhiều năm nay. Một mình bà phải cáng đáng tất cả, từ nuôi con ăn học đến lo cho chồng, nhiều công việc không tên cứ thế đổ xuống. Bà tâm sự: “Cuộc sống khó khăn nhưng chồng con là động lực để tôi cố gắng vượt qua, tôi còn may mắn hơn vì còn có chồng bên cạnh. Công việc vất vả, tiền lại thấp nhưng đây là một trong những nguồn sống của gia đình, mất công việc này thì tôi mất đi cần câu cơm. Các con chăm ngoan cố gắng học tập, chồng con sẻ chia cùng với tôi chẳng có gì đáng giá hơn”.

Heo đã được thu mua
Heo đã được thu mua

Theo các bà “bế Trư Bát Giới” cho biết, heo nặng không sao nhưng cực khổ và khó chịu nhất là mùi hôi từ heo. Mùa nắng mùi phân bốc lên nồng nặc, mùa mưa thì phân nhễ nhại, bôi trét khắp người. Cực nhọc là thế nhưng nhiều lúc ngồi lại chia sẻ niềm vui họ như ấm áp hơn, đặc biệt nơi đây không có chuyện cãi cọ hay giành mối. Chính sự lam lũ nghèo khó, chia sẻ cùng nhau làm tình người lan tỏa, ấm áp khắp nơi.

N.Linh-C.Bính