Những người ăn trong khi ngủ
Nghe có vẻ lạ tai? Nhưng lại chẳng hiếm những người như vậy. Vào nửa đêm, rời giường, lao vào bếp lục tìm đồ ăn rồi xơi ngấu nghiến trong trạng thái... say giấc nồng. Đó là những chuyện không bình thường của cô nữ sinh 22 tuổi Amy Koecheler tại Eau Claire, Wisconsin (Mỹ) ngay từ khi còn nhỏ.
Hiện tượng này được gọi là "ăn trong khi ngủ" - một ứng xử bất thường trong khi đang ngủ. Nó được gây ra do stress, rượu, thuốc ngủ hay trong trường hợp của Koecheler: do di truyền.
Được Koecheler cho phép, chương trình truyền hình "Good Morning America" (Chào buổi sáng) của Mỹ đã đặt các camera quan sát trong căn hộ của cô trong 1 tuần lễ, và đã "bắt quả tang" chuyện Koecheler ăn đêm khi đang ngủ, đồng thời ghi lại những cảnh mà cả cô và bạn trai của cô chưa bao giờ được thấy. Khi xem băng, Kocheler rất ngạc nhiên về ứng xử của mình. "Tôi làm gì thế này? Tôi không dám tin là tôi đã ăn bimbim, cái thứ kinh khủng ấy...? Trông tôi chẳng khác gì một thây ma sống dậy". Cô cho biết, cô hoàn toàn không nhớ những việc mình làm và những thứ mình ăn trong đêm đã được camera ghi lại.
Nhưng mẹ cô thì rất nhớ những "thói quen" của cô. "Ngay từ khi còn bé, nó đã mắc chứng ăn trong khi ngủ”, bà cho biết. “Đêm nào nó cũng dậy và đi vào bếp. Sau đó, nó ngồi chễm chệ trên đivăng, mồm, đầu, cổ dính đầy chips chocolate. Và tôi luôn phải gội đầu cho nó vào lúc 3 giờ sáng”.
4 năm trước, trước khi vào đại học, Koecheler đã được gửi đến Trung tâm Chẩn đoán và Điều trị rối loạn giấc ngủ tại Minnesota và căn bệnh của cô đã thuyên giảm phần nào. TS Carlos Schenck của Trung tâm cho biết: “Amy không mắc chứng rối loạn ăn uống, cũng chẳng mắc chứng biếng ăn hay háu ăn. Tôi tin rằng, hội chứng cuồng chân của cô đã kích thích vấn đề ăn trong khi ngủ”. Trường hợp của Koecheler là khá đặc biệt: cô thừa hưởng hội chứng cuồng chân của cha và chứng ăn trong khi ngủ của mẹ.
Tuy vậy, theo Schenck, bệnh tình của Koecheler là khá nhẹ so với một số trường hợp ông đã chứng kiến và buộc phải dùng thuốc chống co giật. Ông cho biết, đây không phải là vấn đề thức ăn. “Có thể một số người bị ám ảnh bởi thức ăn. Nhưng họ chỉ chiếm số lượng rất nhỏ. Chắc là có sự mất cân bằng về hoá chất”.
Tại Trung tâm Chẩn đoán và Điều trị rối loạn giấc ngủ (Minnesota), các camera quan sát đã chộp được khoảng 100 bệnh nhân đang nhấm nháp một thứ gì đó trong khi vẫn say ngủ. Schenck cho biết, điều này xảy ra thường xuyên hơn nếu họ ở nhà. “Họ sẽ ăn các món ăn nhiều calorie, chất béo và carbohydrate”, ông nói. “Họ xơi hết cả một cái bánh ngọt to, một hộp kem, hay một nửa lọ bơ đậu phộng”.
Trong cuốn sách mới "Paradox Lost" (Tạm dịch: Nghịch lý bị đánh mất) của mình, Schenck đã ghi chép những câu chuyện đau khổ từ các bệnh nhân, trong đó có một người cho biết: “Tôi không thể nhớ tôi đã ăn gì và ăn bao nhiêu. Tôi đã thử khoá miệng mình, buộc hai tay lại với nhau, băng chặt tủ lạnh... nhưng hoàn toàn vô tác dụng”.
Theo Kỳ Phong
Lao động/ABC