Những mối tình già khiến hàng vạn người rung động

(Dân trí) - Trải qua hàng chục năm bên nhau cùng muôn vàn sóng gió luôn kề cận, nhưng những cặp vợ chồng già vẫn giữ vẹn nguyên tình cảm, luôn chăm sóc và quan tâm nhau như thời còn son trẻ khiến nhiều người phải ngưỡng mộ.

Ông lão 80 tuổi dựng “vườn yêu” bên mộ vợ

Đó là câu chuyện cảm động có thật về tình yêu vĩ đại mà ông Nguyễn Tài Thiệp (Thường Tín, Hà Nội) dành cho người vợ đã khuất của mình là bà Nguyễn Thị Bùi. Đã 56 năm trôi qua kể từ ngày ông bà lấy nhau, nhưng khi nhắc về người vợ đầu gối tay ấp, ông vẫn dành cho bà những lời nói ngọt ngào nhất.

Ông Thiệp bên mộ người vợ quá cố.
Ông Thiệp bên mộ người vợ quá cố.

Lấy nhau được 4 năm, ông lên đường vào Nam nhập ngũ. Trong thời gian ấy, bà ở nhà làm đinh, hàng ngày đem ra chợ Đồng Xuân bán, dựa vào ít tiền lãi mà rau cháo tằn tiện nuôi các con. Đều đặn, tháng nào 2 ông bà cũng viết thư tay qua lại, dặn dò và trao cho nhau lời thương nhớ tình cảm.

Khi nghỉ hưu, ông tự nhủ phải bù đắp cho những chuỗi ngày vất vả của vợ. Mặn nồng với nhau được ngót hai chục năm thì bà Bùi lâm bệnh nặng. Ông tự tay chăm sóc bà rất chu đáo, nhất định không rời vợ lấy nửa bước. Trước khi mất, vợ ông nói không muốn rời xa chồng, muốn ở bên ông muôn đời, muôn kiếp. Lúc ấy, ông Thiệp nước mắt cứ chực tuôn trào.

Khi bà mới mất, ông xót thương đến ngất người. Nhớ về mong muốn của vợ lúc còn sống - đó là một khu vườn để trồng hoa quả và cây cối, ông Thiệp quyết định dựng lên cả một khu vườn đầy hoa thơm, trái ngọt xung quanh nơi yên nghỉ của bà.

Những vần thơ ông viết tặng vợ trước lúc bà đi xa.
Những vần thơ ông viết tặng vợ trước lúc bà đi xa.

Khi có bạn bè hay khách phương xa đến hỏi thăm, dân làng thường chỉ thẳng ra nghĩa trang. Người ta đã quá quen với việc ông cặm cụi hàng ngày nơi góc vườn nhỏ, vừa chăm sóc cây cối, vừa làm thơ, trò chuyện như hồi bà còn sống và ngồi lặng nơi đó hàng giờ đồng hồ.

Mộ được thiết kế hai ngăn, khum hình mái nhà, bên phải dành cho bà, bên trái dành cho ông. “Tôi thiết kế mộ đôi để sau này xuống suối vàng rồi vẫn được ở chung nhà với bà ấy, được chăm sóc và san sẻ mọi nỗi vất vả như trước kia. Đến lúc đó, hai chúng tôi sẽ chẳng còn ai cảm thấy cô đơn nữa, mãi mãi chẳng rời xa”…

Chuyện tình hơn 7 thập kỷ vẫn mặn nồng của cặp vợ chồng 90 tuổi

Dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng mỗi ngày, ông Lê Văn Ninh (sinh năm 1929) và bà Nguyễn Thị Hân (sinh năm 1928) vẫn trao cho nhau những lời nói yêu thương một cách tự nhiên nhất.

Ông Ninh và bà Hân là những người bạn chơi với nhau từ thuở tấm bé. Ông là con trai của một gia đình khá giả, tài giỏi, phong lưu, lại thêm tài ăn nói khéo léo. Bà cũng là con gái phố cổ, lại người có nhan sắc nên được nhiều chàng trai để ý. Sau này, nhờ sự sắp đặt của cha mẹ mà hai người nên duyên cùng nhau

Ông Ninh chăm sóc cho vợ từ những điều nhỏ nhất.
Ông Ninh chăm sóc cho vợ từ những điều nhỏ nhất.

Khi 8 đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống của gia đình nhỏ cũng bước vào giai đoạn khó khăn nhất. Bà vì chăm con mà gầy rộc cả đi, có lúc chỉ còn 37kg. Tuy chẳng có tiền nhưng chưa lúc nào ông Ninh thấy vợ kêu ca, than phiền.

Giờ đây, khi đã về già, đến lượt ông chăm sóc, lo lắng cho bà từng chút một. Hàng ngày, cứ 6 giờ sáng là ông đã ra khỏi nhà, mua đồ ăn sáng chiều theo đúng sở thích của bà. Lo lắng mọi việc đâu đó xong xuôi, ông mới yên tâm đi tập dưỡng sinh. Tối trước khi đi ngủ, ông pha cho bà cốc sữa, thỉnh thoảng xoa bóp, trò chuyện đến tận khuya.

Biết rõ tính hay ăn vặt của vợ nên lúc nào ông cũng mua sẵn gói bánh hay ít hoa quả để trên bàn. Ngày 8/3, 20/10,… ông luôn chuẩn bị những món quà nhỏ như tấm áo, cái khăn, cái cặp tóc hay chiếc lược,…

Khi nghe hỏi về bí quyết giữ gìn hạnh phúc hôn nhân, ông Ninh chỉ cười xòa: “Chẳng có gì đáng gọi là bí quyết, đơn giản là tình cảm xuất phát từ trái tim. Chúng tôi gắn bó bằng tình yêu, nhưng tình thương còn nặng hơn gấp bội phần…”

Bộ ảnh cưới của cô dâu, chú rể U80

Vào tháng trước, cư dân mạng đã “dậy sóng” bởi bức ảnh chụp một cặp vợ chồng già trong trang phục áo cưới. Giữa phố đông, hai ông bà không ngần ngại mà trao cho nhau nụ hôn dịu ngọt, những ánh mắt và nụ cười của niềm hạnh phúc trào dâng. Qua tìm hiểu, được biết nhân vật chính trong bức ảnh trên là ông Vũ Mạnh Hoan (sinh năm 1941) và bà Nguyễn Thị Thanh Hồng (sinh năm 1943).

Bộ ảnh kỷ niệm 50 năm ngày cưới của đôi vợ chồng già. (Ảnh: NVCC)
Bộ ảnh kỷ niệm 50 năm ngày cưới của đôi vợ chồng già. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ với PV Dân trí, chị Nguyễn Phương Linh, cháu gái của ông Hoan – bà Hồng cho biết, bộ ảnh được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới của ông bà. “Ý tưởng chụp bộ ảnh cưới là của ông. Từ mấy tháng trước, ông đã yêu cầu mọi người đưa bà đi may váy và thuê thợ chụp ảnh. Ông còn mua 1 cặp nhẫn để trao cho bà vào buổi lễ kỷ niệm, dự kiến sẽ được tổ chức đúng vào dịp Tết”.

Ông Hoan – bà Hồng có với nhau 3 người con gái. Ông Hoan là trưởng họ, lại còn là lãnh đạo cấp cao nên không tránh khỏi có nhiều người trêu đùa, thậm chí mỉa mai khi thấy ông không có con trai. Bỏ ngoài tai mọi lời nói ác ý, ông vẫn một mực yêu thương, bảo vệ vợ, chưa một lần trách móc hay muốn bà đẻ thêm người con nữa.

Câu chuyện của ông Hoan – bà Hồng được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. (Ảnh: NVCC)
Câu chuyện của ông Hoan – bà Hồng được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. (Ảnh: NVCC)

Suốt thời trai trẻ, ông Hoan chỉ chuyên tâm nghiên cứu cho công việc mà phó mặc mọi chuyện con cái, công việc nhà cửa cho bà Hồng một tay lo liệu. Đến khi về già, ông tự nhận mình đã xao lãng cuộc sống gia đình nên muốn chăm sóc và chiều theo mọi điều bà thích. Ông thấy biết ơn vì bà đã hy sinh quá nhiều.

“Ông bà tôi hay xem phim Hàn Quốc, nhưng chỉ có ông là hay học những câu nói trong phim và thể hiện tình cảm một cách rất “sến”. Câu nói ông thường xuyên nói với bà nhất, đó là: Cho dù có kiếp sau hay sau nữa, em hóa thành gì thì anh vẫn nhận ra và tìm được em. Những lúc đó, bà thường chỉ lườm và thẹn thùng mà mắng yêu rằng: Đồ bốc phét”, cháu gái ông bà kể.

“Nhặt” được vợ ở tuổi gần đất xa trời

Ở cái tuổi 70, ông Phạm Ngọc Sơn (quê ở Nam Định) tưởng rằng mình sẽ cô đơn đến hết đời thì bỗng “nhặt” được vợ. Đó là bà Chu Thị Mận (quê ở Hải Dương). Cả hai tuy tuổi đã cao nhưng có chung cảnh ngộ và cùng bất hạnh nên dễ tìm được sự cảm thông, thấu hiểu ở chốn phồn hoa đô hội.

Trước đó, ông Sơn - bà Mận đã có gia đình riêng. Tuy nhiên, vợ ông Sơn và chồng bà Mận đều có nhân tình, bỏ mặc tình xưa nghĩa cũ. Quá đau buồn, 2 ông bà bỏ quê lên Hà Nội kiếm sống. Ông làm bảo vệ tại trạm chắn tàu trên đường Nguyễn Thái Học, còn bà thì hàng ngày đi bán ốc gần đó.

Ông Sơn – bà Mận đến với nhau khi cả hai đã bước qua tuổi 70. (Ảnh: Internet)
Ông Sơn – bà Mận đến với nhau khi cả hai đã bước qua tuổi 70. (Ảnh: Internet)

Công tác ở trạm chắn, hàng ngày ông Sơn thấy một người đàn bà gầy còm, vất vả bán cua, bán ốc nhưng chẳng bao giờ được ăn bữa cơm tử tế. Thương cảm với hoàn cảnh khốn khó, mỗi ngày ông đưa cho bà bán hàng nước gần trạm 20.000 đồng để biếu người phụ nữ tội nghiệp.

Thấy ông thương người lại chỉ sống một mình, mọi người bảo ông ngỏ lời mời bà về sống chung. Phải mãi về sau, bà Mận mới đồng ý. Khi đó, ông Sơn 68 tuổi, còn bà cũng đã trải qua 61 mùa xuân

Kể từ ngày hai ông bà dọn về ở chung, dù thiếu thốn về vật chất nhưng luôn có sự quan tâm, chia sẻ. Khó khăn thì không kể xiết, phải kiếm cơm từng ngày, thế mà hai ông bà lại ham làm việc thiện. Hồi còn khỏe, ông bà đi vận động người dân quyên góp quần áo để gửi lên cho trẻ em nghèo vùng núi và động viên những mảnh đời nghiện ngập trú ngụ ở đường ray Nguyễn Thái Học từ bỏ ma túy.

Thế nhưng, con người không tránh được quy luật sinh – lão – bệnh – tử. Cách đây 1 năm, ông Sơn qua đời vì bệnh tật. Còn bà Mận, do quá đau buồn nên cũng trở về quê sinh sống.

Hoàng Ngọc

Tổng hợp