Những mẹo đơn giản giúp bạn không bao giờ say tàu xe
Những mẹo đơn giản dưới đây để có thể giúp bạn chống say tàu xe một cách hiệu quả nhất mà không cần thuốc.
Say tàu xe là một hội chứng xảy ra khi di chuyển bằng tàu thuyền, xe hơi hoặc máy bay. Các triệu chứng thường gặp là chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn mửa, đổ nhiều mồ hôi, tụt huyết áp… Y học gọi là rối loạn tiền đình do di chuyển.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hiện tượng say khi đi phương tiện ảnh hưởng tới hơn 80% dân số, phổ biến nhất là khi họ đi bằng xe ôtô, máy bay hoặc đi tàu trên biển; trong đó, khoảng 60% là trẻ em ở tuổi từ 5 đến 16.
Hơn 1/3 lái xe thú nhận họ thường xuyên căng thẳng hoặc quẫn trí khi hành khách của mình bị say xe và hơn 1/4 cho biết họ sẽ dừng lại để chăm sóc người bị say hoặc lái thật nhanh đến đích cuối cùng. Tuy nhiên, chỉ có một nửa trong số lái xe được hỏi thừa nhận họ đã chuẩn bị đầy đủ để tránh tình huống này.
Vậy nên, để tránh tình trạng say tàu xe, bạn hãy áp dụng những cách sau:
Chống say tàu xe bằng gừngTheo đông y, để trị chứng nghịch lên, trước khi khởi hành khoảng 30 phút, nên dùng một khúc gừng tươi bằng cỡ ngón tay cái, gọt bỏ vỏ, rửa sạch, giã nát hoặc nhai nát rồi uống với một cốc nước ấm. Trong suốt hành trình, thỉnh thoảng nên ngậm trong miệng một lát.
Theo y học cổ truyền gừng có vị cay, tính âm, còn gọi là sinh khương có tác dụng phát tán phong hàn, chống nôn ói. Vì thế việc sử dụng gừng trong điều trị chống say xe vừa dễ vừa đảm bảo hiệu quả, không gây các tác dụng phụ.
Nếu không sử dụng được trà gừng sống thì có thể dùng kẹo gừng. Ngậm kẹo gừng rất tốt vì trong kẹo gừng có chất ngọt sẽ giúp người đi xe ô tô tăng cường tuần hoàn não bớt chóng mặt, đau đầu.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cắt một lát gừng tươi cầm trên tay, lúc ngồi trên xe ô tô đặt ở dưới lỗ mũi để cho mùi vị hăng, cay bay vào trong mũi. Cũng có thể cắt một miếng gừng dán vào rốn, lấy băng bông dính lại là được.
Chống say tàu xe bằng lá trầuBạn có thể sử dụng lá trầu dán vào rốn, dùng chiếc vải xô, khăn mùi xoa lót, rồi dùng băng dính hoặc khăn buộc cho lá trầu cố định lại. Lá trầu sẽ có tác dụng làm ấm vùng rốn. Giữ 1-2 lá cầm tay để thi thoảng ngửi sẽ “át” mùi của xăng xe, và cản trở gió sẽ giúp bạn đỡ mệt mỏi, say xe.
Chống say tàu xe bằng cách quấn khăn khôTương tự như việc dùng lá trầu, phương pháp quấn khăn khô để giữ ấm từ phía sau ót ra trước ngực cũng có tác dụng rất hữu hiệu giúp không bị say tàu xe đối với một số người.
Dùng khoai langTheo kinh nghiệm dân gian thì lấy 1/2 củ khoai lang gọt bỏ vỏ, rửa thật sạch, cắt miếng nhỏ, nhai nát để nuốt nước cũng có thể phòng chống được say tàu xe.
Chống say tàu xe bằng Vỏ quýt
Trước khi lên xe khoảng 1 tiếng, lấy 1 quả quýt bóc vỏ, gấp đôi vỏ quýt, đặt vào giữa hai lỗ mũi và lấy tay nặn cho bắn ra những tinh dầu có kèm theo mùi thơm, có thể hít 10 lần như vậy.
Trong khi ngồi trên xe cũng có thể làm như thế bất cứ lúc nào.
Xoa dầu gióNgoài ra, có thể thực hiện cách xoa dầu gió vào hai huyệt thái dương, hai huyệt nội quan (giữa hai gân tay, phía trên và cách lằn chỉ cổ tay 3-4cm, huyệt nhân trung (giữa đường rãnh môi trên), hai huyệt phong trì (chỗ lõm phía sau gáy, trên cổ). Cũng có thể lấy hai lát gừng tươi buộc vào hai huyệt nội quan.
Chọn nơi ngồi thoáng mát hoặc ghế trên đầuKhi đi tàu, thuyền thì nên tìm chỗ ngồi nơi thoáng mát. Nếu bạn có “tiền sử” bị say xe thì tốt nhất nên chọn ghế trước để ngồi vì sẽ giúp bạn hạn chế nguy cơ bị say xe. Thêm vào đó, khi đi xe bạn không nên nhìn ngang sang hai bên mà nên nhìn thẳng về phía trước. Hãy cố gắng ngủ trên xe vì giấc ngủ sẽ giúp bạn quên đi cảm giác say xe dễ dàng hơn.
Ăn uống đầy đủ bữa (nhưng đừng quá no) ít nhất một giờ trước thời điểm khởi hành. Cần tránh các thức ăn quá béo, có chất cồn và các chất kích thích như trà hay cà phê.
Trong xe hơi, xe buýt hay trên tàu biển, bạn nên chọn ngồi ở khoảng giữa, để tránh các chuyển động xóc, nảy và để hạn chế bớt tầm nhìn. Nếu bạn ngồi đằng trước, hãy tập trung sự chú ý của mình vào những điểm bất động đằng xa. Trên máy bay, hãy chọn chỗ ngồi gần cánh máy bay.
Tránh đọc, viết hay vận động chân tay trong hành trình.
Tránh những tình huống khiến bạn cuồng nhiệt quá mức, hạn chế nghe nhạc quá lớn, không nên hút thuốc lá và sử dụng nước hoa có mùi nồng nặc. Bạn có thể mở các cửa sổ thường xuyên để không khí trong tàu, xe được đối lưu.
Theo Báo Giao thông