Những mảnh đời "trôi…"

Khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc những tòa cao ốc bên kia đường khoác lên mình vẻ đẹp lộng lẫy của sự hiện đại, thì chiếc thuyền cũ mục vẫn leo lét trong ánh đèn dầu, lọt thỏm dưới gầm cầu nhuộm đặc rác thối.

Nằm đung đưa trên chiếc võng mắc ngang ghe, ông Đực cao hứng ngâm vài câu thơ như gói trọn tâm ý kẻ tha hương: "Về lại Bến Tre vẫn không nhà/ Con đò rữa mục biết về đâu?/ Quê hương nơi nào không yêu dấu/ Chỉ sợ trong lòng chẳng vươn lên…" 

Mối tình "nhặt được"

Con thuyền gỗ bệ rạc nằm dưới chân cầu Rạch Bàn 2, đường Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7, TP Hồ Chí Minh) là nơi cư ngụ của cả ba thành viên gia đình ông Lê Văn Đực (55 tuổi). Trải qua bao mùa nước lớn nước ròng nhưng ba mảnh đời, hai thế hệ vẫn chưa thoát khỏi cuộc sống lênh đênh sông nước.

Ông Đực quê ở cù lao Bình Đại (Bến Tre). Còn vợ ông, bà Nguyễn Thị Vĩnh quê miệt Trà Vinh. Ngồi nhâm nhi li trà nhạt bên vệ đường, cách chỗ đậu con thuyền không xa, người đàn ông mái tóc hoa râm ngước mắt lên nhìn những tòa nhà lộng lẫy của khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Giọng trầm, ông Đực thổ lộ: "Bé My con gái tôi năm nay 8 tuổi. Cứ sáng ra chuẩn bị đến lớp học tình thương, con bé lại nhìn lên mấy tòa cao ốc rồi hỏi tôi: "Ai ở trong đấy ba nhỉ". Nghe con hỏi tôi và vợ nhiều khi cũng chạnh lòng. Nó ngần này tuổi mà luôn mơ về một căn nhà có bốn bức tường gạch".

 
Nhà của gia đình ông Đực.
"Nhà" của gia đình ông Đực.

Tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam, ông Đực đã bị bom đạn cướp mất một bên chân trái. Chiến tranh kết thúc, ông trở về quê và bén duyên với một người phụ nữ sống cùng xóm. Có với nhau 5 mặt con, khi đàn con chưa kịp lớn thì người vợ mắc bệnh hiểm nghèo qua đời, một mình ông vật lộn với lũ con côi cút, khóc ngằn ngặt đòi mẹ. Vốn là dân sông nước, lại không có cục đất chọi chim, kể từ ngày vợ mất, một mình ông Đực ngày đêm miệt mài chài lưới kiếm tiền nuôi con. Khi cả năm đứa con đủ lông đủ cánh, có thể tự mưu sinh đã lần lượt rời xa ông đi tìm miền đất hứa. Ông Đực còn lại một mình, thui thủi chui vô chui ra trong chiếc ghe chấp chếnh.

Bà Nguyễn Thị Vĩnh là người đàn bà đẹp nhưng bất hạnh chuyện chồng con. Ngày trẻ, bà sở hữu vẻ đẹp trời cho, nhiều chàng trai "trồng cây si" trước nhà. Nhưng bà đã ưng một anh chàng con nhà lái buôn khá giả, thề rằng sẽ cho bà cuộc sống no đủ cả đời. Bà gật đầu về làm vợ người ta. Sự chênh lệch thân thế và đối nghịch tư tưởng đã đày đọa bà xuống gậm chạn nhà chồng.

Chuyện làm ăn, buôn bán và những toan tính thiệt hơn đã khiến con người đối xử với nhau bạc bẽo. Chồng thương bà nhưng lại nghe lời mẹ, hùa vào mạt sát nàng dâu. "Con giun xéo lắm cũng quằn", sự cay nghiệt của mẹ chồng đến một ngày "vỡ bờ", bà đội nón ra đi, mang trong bụng cái thái được ba tháng. Lời miệt thị của dân quê ném vào mặt người đàn bà dám cả gan bỏ chồng, bà phải sống thui thủi một mình, mò cua bắt ốc chờ đến ngày "vượt cạn".

Đứa con sinh ra nhờ cua ốc mà lớn lên. Đời dân chài lênh đênh theo con nước, mỗi một mùa trăng, nước biển "ngoạm" vào bờ, đẩy con đò của mẹ con bà vào sâu trong đất liền, đụng đến nhà dân. Hai mẹ con bà phải dạt lên cù lao Bình Đại. Sóng biển xô đẩy thế nào đò của bà va phải đò của ông Đực.

Hai mảnh đời trơ trọi, dập dềnh gặp nhau như là định mệnh. Những ngày biển nổi sóng lớn, con đò bà Vĩnh không thể bươn ra kiếm ăn, thì ông Đực "cưỡi sóng" quay cuồng trong bão táp kiếm cái ăn cho cả hai gia đình. Cám cảnh neo đơn, ông Đực ngày càng thể hiện dũng khí của bậc nam nhi đại trượng phu, giang cả hai tay giúp sức mẹ con bà Vĩnh. Đò của bà rách, ông nhảy lên bờ, đi dặt dẹo tìm cây nẹp lại. Bóng ông đổ dài trên bờ cát, liêu xiêu, tập tễnh khiến bà Vĩnh chảy nước mắt. Lúc ấy bà mới biết ông bị "thọt" một bên chân là di chứng của chiến tranh. Trong bụng bà đã ưng về sống bên ông luôn rồi, nhưng còn ngại ngùng chưa dám thổ lộ. Nhờ một người bà con dắt sang "mớm lời", ông Đực chỉ cười hiền lành khi hiểu được con tim của bà Vĩnh.

Chất giọng vùng miền còn sang sảng, ông Đực nhớ lại ngày bỗng dưng có vợ: "Người ta dẫn bà ấy tới, nói chuyện một hồi, dòm qua dòm lại thấy ưng nhau rồi". Sau cái lần "nói chuyện" nghiêm túc ấy, hai con người cô đơn trên xứ cù lao quanh năm gió biển đã quyết "góp gạo thổi cơm chung". Hai con đò được nhập thành một, bà Vĩnh luôn sát cánh bên ông Đực phiêu bạt, lênh đênh ngược xuôi giữa cuồng phong của sông nước.

 
Món quà thượng đế ban cho bà Vĩnh tuổi xế chiều.
Món quà thượng đế ban cho bà Vĩnh tuổi xế chiều.

Yêu thương chồng, bà Vĩnh muốn sinh cho ông một đứa con, nhưng cảnh sông nước mênh mông, đò ghe chập chờn nay đây mai đó bà lại sợ không nuôi nổi. Ông Đực cũng chưa muốn có con chung, vì còn đứa con riêng của bà Vĩnh vẫn "tồng ngồng" mà chưa có nơi có chốn. Một lần gặp lại người bạn chài, có thằng con trai đến tuổi cập kê, ông Đực liều mình ngỏ lời luôn. Không ngờ, gia đình người bạn cũng đang "khát" dâu để nội trợ. Gả được con của vợ, ông Đực  trút được nỗi lòng, vui tươi hẳn ra.

Con đò rữa mục biết về đâu?

Trôi dạt mãi cuối cùng ông bà quyết định dừng chân dưới cầu Rạch Bàn 2, một nhánh nhỏ của sông Sài Gòn đổ về. Vẫn lận lưng vào con đò nhưng ông Đực đã bỏ hẳn nghề quăng chài, chuyển sang nghề làm thuê. Năm 2007, một bé gái chào đời trong chiếc thuyền gỗ dưới dòng kênh đen. Vậy là đúng 20 năm sau, sợi dây níu giữ tình yêu của đôi vợ chồng "nhặt" được nhau mới kết nối.

Người ta bảo bà Vĩnh có phúc, được hưởng lộc trời cho vì ở cái tuổi tiền mãn kinh mà vẫn sinh được con. Mỗi buổi chiều, ông Đực ôm con lên bờ đi dạo, mọi người nhìn ông chào: "Ông bế cháu đi chơi à?". Ông Đực cười khù khụ, xua tay: "Đây là cô út nhà tôi". Lúc này, ông Đực đã hai màu tóc, sức khỏe sa sút do di chứng của vết thương hành hạ, bà Vĩnh thì trăm thứ bệnh sống trong người. Không ai thuê mướn nữa, ông Đực đạp xe đi bán vé số. Hôm nào mệt không đi được thì xách chiếc bơm lên ngồi gốc cây làm nghề sửa xe. Ông oằn lưng làm, bà oằn lưng lo cho đứa con gái bé bỏng có những bữa cơm no và được đi học.

Mùa mưa, nước kênh đen đặc hôi thối dâng cao, cuốn theo đủ thứ rác rưởi tràn vào ghe. Có khi bưng bát cơm lên mà mùi thối sộc vào mũi đành bỏ xuống. Đêm ngủ, nước "đột kích" do mưa và thủy triều, ông bốc con gái dậy, địu trên lưng, bà cầm chậu múc nước đổ ra để cứu con thuyền khỏi chìm. Hết mưa thì muỗi mòng, ếch nhái, rắn rết bò vào lu nước khiến con bé khóc thét lên vì sợ hãi.

Hiện bé My đang theo học lớp hai tình thương của một bà giáo. Bà dạy miễn phí cho con em dân chài xung quanh khu vực quân 7. Lớn lên trong cảnh thiếu thốn, môi trường sống dơ bẩn, bé My gầy đét, còi cọc, mỗi năm thường phải nhập viện 2-3 lần do sốt xuất huyết. Bà Vĩnh thở dài: "Được đến lớp có bạn bè thì không sao chứ về nhà con bé lại lủi thủi một mình. Ông Đực đi bán vé số cả ngày, còn tôi khi có khách khứa lại chạy tới chạy lui đành để con bé tự chơi một mình".

 
Gia đình nhỏ của ông Đực.
Gia đình nhỏ của ông Đực.

Thế giới tuổi thơ của My, đôi vợ chồng già  Đực - Vĩnh không chỉ là cha mẹ mà còn là bạn. Ghe ở sát đường lớn, đông đúc xe cộ qua lại nên sân chơi của My chỉ gói gọn trong mép vỉa hè trên cầu Rạch Bàn 2. "Bạn" của My còn có chiếc xe đạp cũ được một bà ve chai hay đi ngang cảm thương tặng. Ông Đực đang dạy My tập xe để bé tự đến lớp, chứ ông bà không có thời gian đưa đón.

Ánh mắt người cha già ánh lên niềm vui khi nói về cô con gái bé bỏng: "Tôi đem xe ra sửa nhưng dây xích cũ quá chưa có tiền thay nên đành để tạm ở gốc cây. Hai hôm trước, con bé lấy ra đạp thử vài vòng ai ngờ lại chạy được, thì ra mưa nhiều quá nó tự trôi bớt sét ghỉ rồi".

Cuộc sống hiện giờ của ba thành viên trong chiếc ghe cũ vẫn phải giật gấu vá vai, chật vật lo từng bữa cơm. Nhưng nỗi lo của đôi vợ chồng già không còn là ba bữa cơm trong ngày, mà họ lo tương lai sau này của cô con gái. Ông Đực buồn rầu: "Mỗi lần cháu nó đi học về tôi đều bảo con tranh thủ làm bài tập ban ngày vì đêm không có điện, đọc sách sẽ rất hại mắt. Tôi và bà ấy đều đã già cả rồi, mấy năm nay cũng không có tiền về quê. Giờ tôi lo sau này chúng tôi chết đi thì ai lo cho nó".

Đêm buông xuống, ánh đèn dầu bị một cơn gió quật tắt, ông Đực vén tấm màn thưa lên để hứng ánh sáng tỏa ra lung linh từ hàng nghìn chiếc đèn điện trong các tòa cao ốc. Bà Vĩnh mò mẫm đổ nước vào lu để mai dậy sớm nấu cơm. Tiếng đọc bài của bé My dù trong trẻo nhưng không át được "bản nhạc" muỗi như ong vỡ tổ. Trước khi chia tay tôi chỉ cầu mong có phép màu nào để gia đình bé My bớt khổ?!

Theo CAND