Những lưu ý quan trọng không phải ai cũng biết trong lễ cúng Táo quân

Hiệp Nguyễn

(Dân trí) - Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình Việt lại có tục cúng ông Công, ông Táo về chầu trời. Tuy nhiên, nghi thức này nên diễn ra ở đâu, các lễ vật cần những gì thì không phải ai cũng biết.

Trong văn hóa người Việt, ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Công, ông Táo lên chầu trời báo cáo việc bếp núc, làm ăn của gia đình trong năm đó. Phong tục này cũng để tạ lễ năm cũ và cầu chúc cho một năm mới ấm no, hạnh phúc.

Vào ngày này, các gia đình Việt thường làm mâm cơm cúng để đưa tiễn Táo Quân lên chầu trời.

Cúng ông Công, ông Táo ở đâu chuẩn nhất?

Nhiều người quan niệm, ông Công, ông Táo là thần cai quản bếp núc thì phải cử hành nghi lễ ở trong nhà bếp.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia văn hóa, phong thủy điều này chưa hẳn đúng.

Những lưu ý quan trọng không phải ai cũng biết trong lễ cúng Táo quân - 1

Theo các chuyên gia không nên cúng Táo quân ở gian bếp. (Ảnh minh họa: Thảo Trinh).

Chia sẻ với PV Dân trí, chuyên gia phong thủy Phạm Cương cho hay, nếu gia đình nào không có ban thờ ông Công ông Táo riêng thì nên thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo ở ban thờ thần linh hoặc gia tiên chứ không nên đặt trong nhà bếp.

"Trên thực tế, không có một tài liệu nào quy định rõ ràng về việc vị trí đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo. Tuy nhiên lễ cúng bái luôn là một trong những việc yêu cầu sự trang nghiêm, chính vì thế lễ cúng Táo quân cũng nên được thực hiện ở nơi trang trọng nhất trong nhà", chuyên gia Phạm Cương nói.

Chuyên gia này cho biết thêm, theo quan niệm dân gian, ban thờ, bát nhang như "trạm thu phát sóng" để các vị thần linh về thụ hưởng lễ vật. Nếu gian bếp không có bát nhang thì vô hình chung các vị thần linh cũng không thể nhận được lễ vật hoặc những lời gia chủ gửi gắm, ước nguyện.

Tiến sỹ Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho biết, nguồn gốc của tục cúng ông Công, ông Táo là thờ thần giữ lửa vì thế nhiều người mới hiểu lầm cho rằng phải đặt lễ cúng Táo quân ở gian bếp mới là chuẩn. Tuy nhiên, điều này không đúng. Việc cúng lễ cũng giống như "kính mời chiêu đãi trọng thể", không thể "ăn xó, mó niêu". Do vậy, khi "chiêu đãi" cũng phải chọn địa điểm trang nghiêm thanh tịnh và sang trọng.

"Thực ra, nghi thức cúng lễ chỉ là 'giáo cụ trực quan' để thông qua đó, tín chủ bày tỏ tín ngưỡng của mình trong việc giao tiếp tâm linh. Nơi cúng lễ Táo Quân thì phải cúng nơi trang nghiêm thanh tịnh, không nên cúng trong bếp, vì nơi đó vừa rác rưởi, vừa khói bụi, vừa tanh tưởi, vừa thiếu trang nghiêm, vừa không thanh tịnh", tiến sỹ Vũ Thế Khanh nói.

 Lễ vật cúng Táo quân gồm những gì?

Theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương, mâm cỗ cúng Táo quân quan trọng nhất là sự thành kính, thành tâm. Tùy thuộc hoàn cảnh gia đình, phong tục địa phương, mâm cỗ có những khác biệt. Trong đó, các lễ vật không thể thiếu là: ba chiếc mũ ông Công ông Táo, một mâm cỗ và cá chép.

Mâm cỗ cúng truyền thống thường bao gồm: Gà luộc cánh tiên, đĩa xôi, bánh chưng, một món xào, một đĩa giò, một đĩa nem, canh củ quả hoặc canh măng, canh mọc nấu móng giò… Nhiều gia đình cũng có thể thay thế bằng các món chay dâng lên Táo quân trong ngày này.

Những lưu ý quan trọng không phải ai cũng biết trong lễ cúng Táo quân - 2

Người dân đi mua sắm đồ lễ cúng ông Công ông Táo ở Hà Nội. (Ảnh: Tố Linh).

Cùng với mâm cỗ cúng, người xưa thường dâng hoa, rượu, đĩa hoa quả, trầu cau và giấy tiền, vàng mã tượng trưng. Trong đó, hoa quả và hoa cắm thường được chọn theo số lẻ với ý nghĩa mang may mắn, bình yên.

Chuyên gia phong thủy Phạm Cương cũng lưu ý, trong các lễ vật cúng Táo quân, cá chép là vật không thể thiếu. Cá có thể là cá thật hoặc cá giấy. Hai loại đều mang ý nghĩa như nhau song nếu có điều kiện, các gia đình nên chọn việc cúng cá thật.

"Việc cúng cá thật mang nhiều ý nghĩa. Sau khi làm lễ chúng ta phóng sinh cá ra ao, hồ. Phóng sinh không chỉ là một phong tục lâu đời mà còn là việc làm tốt, thể hiện lòng tâm hướng thiện, nhân văn, đại từ đại bi - một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt", chuyên gia Phạm Cương nói.

Những lưu ý quan trọng không phải ai cũng biết trong lễ cúng Táo quân - 3

Việc thả cá chép trong ngày ông Công ông Táo mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. (Ảnh: Mạnh Quân).

Ngày giờ cúng Táo Quân

Tết ông Công, ông Táo năm 2022 rơi vào thứ ba ngày 25/1 (tức ngày 23 tháng Chạp). Tuy nhiên, nhiều gia đình lại "chọn" ngày giờ đẹp để làm lễ cúng với quan niệm như vậy mới mang may mắn, thuận lợi cho một năm mới.

Số khác thì quan điểm, giờ Ngọ (11h-13h) ngày 23 tháng Chạp mới là thời điểm các thần bếp quy tụ để chuẩn bị về trời. Nên đây được coi là khung giờ linh thiêng, thích hợp nhất để đưa tiễn ông Công, ông Táo lên gặp Ngọc Hoàng.

Thực tế, theo chuyên gia Phạm Cương, ngày giờ cúng không cần thiết quá rườm rà, thủ tục mà nên phù hợp với tính chất công việc của từng gia đình. "Nếu có điều kiện, thời gian rảnh rỗi thì có thể cúng vào sáng 23 tháng Chạp. Nếu gia đình là công chức, doanh nghiệp, bận rộn có thể cúng trước ngày 23 tháng Chạp cũng không sao, miễn là chúng ta thể hiện sự thành tâm, thành kính", chuyên gia Phạm Cương nói.