Những lưu ý để đảm bảo an toàn cho trẻ khi sống ở chung cư

Ngọc Linh

(Dân trí) - Để đảm bảo an toàn cho con trẻ khi sống tại các căn hộ chung cư cao tầng, các bậc phụ huynh cần chú ý đến cả những chi tiết nhỏ, tránh những mối nguy hiểm tiềm tàng cho con.

Chiều ngày 28/2, một em bé 3 tuổi trèo qua lan can ban công căn hộ tầng 12 tại chung cư số 60B, đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội sau đó bị ngã xuống dưới, may mắn một thanh niên đã đỡ được nên bé chỉ bị thương.

Những lưu ý để đảm bảo an toàn cho trẻ khi sống ở chung cư - 1
Bé gái rơi từ tầng 12 xuống được nam thanh niên đỡ được. (Ảnh chụp màn hình)

Vụ việc xảy ra khiến nhiều người hoảng hốt, lo sợ. Trong khi đó, chung cư cao tầng đang là lựa chọn của nhiều người, cha mẹ nên có những lưu ý sau để đảm bảo an toàn cho trẻ khi sống tại các chung cư cao tầng.

Thiết kế lan can an toàn

Ban công là một trong những điều cần lưu ý nhất khi ở chung cư, vì vậy khi nhà có trẻ em lan can ban công phải có chiều cao tối thiểu 1,4m mới có thể an toàn. Một điều quan trọng khác là không được phép làm lan can theo thanh ngang tính từ mặt sàn lên đến đỉnh. Ban công phải được làm bằng các thanh dọc hoặc đặc để tránh trường hợp trẻ con trèo lên dễ dàng. Ngoài ra hiện nay có một giải pháp an toàn khá thuận tiện và rẻ đó là làm lưới an toàn.

Trẻ nhỏ bắt đầu biết bò, biết đi thường có xu hướng hiếu động thích leo trèo lên các lan can để nhìn ra bên ngoài. Vì vậy, gia đình cần để ý đóng cửa ban công hoặc lắp các thiết bị kính chắn, lưới thép theo hướng dẫn vừa đảm bảo an toàn phòng cháy vừa an toàn cho trẻ.

Những lưu ý để đảm bảo an toàn cho trẻ khi sống ở chung cư - 2
Thiết kế lan can ngoài ban công đủ chiều cao và bổ sung thêm lưới an toàn để tránh nguy hiểm khi có trẻ nhỏ.

Ngoài ra, về phía phụ huynh, tuyệt đối không cho trẻ dưới 6 tuổi ở một mình, không có người lớn bên cạnh. Không bế trẻ ra ban công chơi, cho trẻ đứng ở vị trí chênh vênh ở ban công vì hành động đó vô tình khiến cho trẻ hình thành cảm giác đó là khu vực an toàn, có thể trèo lên lan can.

Luôn giám sát, trò chuyện để giúp trẻ nhận biết nguy hiểm

Dù đã trang bị tất cả các biện pháp an toàn cho căn hộ, nhưng cũng không nên lơ là khi chăm sóc trẻ. Đặc biệt với trẻ dưới 6 tuổi phải luôn có người lớn sát sao các hoạt động.

Trong trường hợp bất khả kháng, nên nhờ hàng xóm hay những người có thể tin tưởng trông nom trẻ. Có thể lắp đặt thêm camera ở các khu vực trẻ hoạt động để luôn theo dõi được ở mọi lúc mọi nơi.

Những lưu ý để đảm bảo an toàn cho trẻ khi sống ở chung cư - 3
Thường xuyên trò chuyện để con nhận thức được những điều nguy hiểm.

Khi trẻ bắt đầu hiểu chuyện, bố mẹ hãy giáo dục trẻ những điều nguy hiểm xung quanh. Dặn trẻ không được vui chơi, leo trèo ở ban công, lan can. Một nơi mà bố mẹ cũng nên lưu ý là cầu thang bộ hay cầu thang thoát hiểm ở các tòa nhà.Đây là vị trí khuất mà trẻ thường hay nô đùa và có các hành động như chạy nhảy, ngó đầu nhìn xuống.

Bố mẹ nên chỉ cho trẻ các biển báo nguy hiểm trong tòa nhà như khu vực có điện, khu vực thang máy, khu vực dễ cháy nổ,...Ngoài ra, bố mẹ có thể thường xuyên tham dự lớp kỹ năng sống cho gia đình ở chung cư để nắm bắt thêm các biện pháp phòng tránh và xử lý khi gặp sự cố.

Lưu ý khi di chuyển tới những khu vực tiềm ẩn nguy hiểm

Ở chung cư cao tầng, việc đi tháng máy là không tránh khỏi. Trẻ em rất hiếu động, chưa biết các kỹ năng đi tháng máy và nhận biết các tình huống nguy hiểm, chưa có khả năng tự xử lý các sự cố. Nên phụ huynh cần phải giám sát chặt chẽ, không để trẻ tự ý ra vào thang máy, không để trẻ đi một mình. Để tránh gặp các chấn thương như kẹt tay, vấp ngã, không gian hẹp và nghiêm trọng hơn là gặp các sự cố nguy hiểm như hỏng thang máy, tai nạn...

Những lưu ý để đảm bảo an toàn cho trẻ khi sống ở chung cư - 4
Người lớn phải giám sát trẻ kĩ càng khi di chuyển tới những nơi có nguy hiểm.

Hầm giữ xe thường có dốc cao, nhiều em nhỏ không để ý và có cảm giác thích thú khi được ngồi xe đạp thả trôi xuống dốc. Đa số các khu chung cư thường có hồ bơi, vì hồ bơi không quá rộng lớn nên phụ huynh thường chủ quan hơn, cho rằng mình dễ ứng cứu trẻ. Đặc biệt, phụ huynh nên dạy con kỹ năng tự chống đuối để bảo vệ mình.