Những đứa trẻ sống sót nhờ bản năng sinh tồn: Ăn quả rừng, uống nước bể téc
(Dân trí) - Bé trai 6 tuổi ở Yên Bái sinh tồn nhờ ăn quả rừng, uống nước suối. Trước đó, hai bé trai ở Sa Pa sống sót sau 3 ngày mắc kẹt nhờ uống nước trong bể téc.
Sống sót kỳ diệu nhờ bản năng sinh tồn
Ngày 21/8, ông Đào Văn Bộ, Chủ tịch UBND xã Lâm Giang (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết hơn 10h cùng ngày người dân đã tìm thấy bé trai Đ.T.L. (6 tuổi) sau 4 ngày đi lạc trong rừng.
Theo ông Bộ, bé trai được người dân tìm thấy cách vị trí mất tích khoảng 5-6km. Qua kiểm tra ban đầu, sức khỏe cháu ổn định. Bé mệt và đói, cảm thấy hoảng sợ nhưng "đi lạc nên không biết làm sao".
"Suốt 4 ngày lạc trong rừng, cháu bé nói đã ăn cây cỏ hoặc hoa quả rừng để chống đói, khi khát thì uống nước suối. Tối gặp đâu cháu ngủ đó, ngày lại tìm đường ra", ông Bô cho hay về bản năng sinh tồn của bé trai.
Ngày 17/8, bé trai cùng gia đình đi ăn rằm tháng 7 tại nhà họ hàng cùng thôn. Buổi chiều, bé cùng các anh chị em sang bên kia con suối chơi, cách nhà khoảng vài trăm mét, được một lúc cháu rẽ lên khu vực trồng sắn gần đó và mất tích.
Sau 20 phút không thấy L., người thân bắt đầu tìm kiếm. Chính quyền địa phương sau đó đã huy động 150 người tham gia tìm kiếm cháu bé.
Đây không phải lần đầu những đứa trẻ sống sót kỳ diệu nhờ bản năng sinh tồn mãnh liệt.
Tháng trước, hai bé Lý A P. (10 tuổi) và Lý A S. (7 tuổi), dân tộc Mông, trú tại thôn Lao Hàng Chải (xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đi bắt cá tại suối Mường Hoa, nghi mất tích không liên lạc được.
Hai đứa trẻ sau đó leo lên mái tum của trường Tiểu học Lao Chải, thì chốt cửa bên ngoài bị sập xuống. Lúc này, do đang trong thời gian nghỉ hè nên quanh trường rất ít người qua lại.
Khu vực tầng tum - nơi hai cháu mắc kẹt - thiếu ánh sáng, không gian bí và nóng. Duy nhất téc nước là thứ đã cứu sống hai em trong 3 ngày sinh tồn.
Hai đứa trẻ đã nhanh trí mở téc nước, trèo vào múc nước uống và tránh nóng trong những ngày mắc kẹt.
Ông Lồ A Seng, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Liên, cho hay hai cháu bé bình an sau 3 ngày nhờ những ngày qua địa bàn có mưa, trời mát mẻ. Ngoài ra, dù không có đồ ăn nhưng may mắn có téc nước để uống tại khu vực hai cháu bị mắc kẹt.
Tính cấp thiết của kỹ năng sinh tồn
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia cứu hộ và cấp cứu ngoại viện người Úc Tony Coffey, đồng sáng lập Doanh nghiệp Xã hội Kĩ Năng Sinh Tồn SSVN (Survival Skills Vietnam), cho biết có ba điều kiện cần thiết để con người sinh tồn: Nơi trú ẩn (tránh các yếu tố cực nóng, cực lạnh, cực gió, cực nắng); nước và thức ăn.
Điều quan trọng, trẻ đi lạc hay mắc kẹt trong không gian kín, cần giữ bình tĩnh, không hoảng loạn để tránh mất năng lượng.
Theo chuyên gia, hiện không có con số cụ thể con người có thể tồn tại bao lâu trong môi trường khắc nghiệt, thiếu thốn. Nếu không có thức ăn và nước uống, con người được cho là có thể sống sót lâu nhất là khoảng một tuần (tùy thể trạng).
Ông Tony Coffey cho rằng trẻ em ở thành phố thường không phải đối mặt những điều kiện khắc nghiệt như trẻ em ở những vùng sâu, vùng xa - nơi có điều kiện sống khó khăn.
Trong trại hè "Vượt khó thành công" đầu tháng 7, anh Phan Mạnh Hà, chủ nhiệm trại hè, cho biết nhiều trẻ em ở thành phố được bố mẹ đăng ký các khóa học sinh tồn, học bơi.
"Ngoài việc lắng nghe những chia sẻ về kỹ năng sống, cách xác định mục tiêu, quản lý cảm xúc..., trẻ em còn được trải nghiệm thực tế với nhiều hoạt động, thử thách sinh tồn ngoài tự nhiên, học kỹ năng sơ cứu, thoát hiểm, chống đuối nước", anh Hà nói.
Trong rừng, với một hộp dụng cụ sinh tồn, trẻ em học cách tạo ra lửa, lập bếp dã chiến, tự tìm thức ăn, nấu cơm bằng nồi niêu…
Trẻ còn leo núi, đi rừng, được học kỹ năng xác định phương hướng bằng la bàn, tìm nguồn nước uống, đánh dấu vị trí... Đây là những cách xử lý cơ bản giúp trẻ duy trì sự sống khi rơi vào môi trường đặc biệt.
Phần hướng dẫn kỹ năng phòng chống đuối nước cũng được quan tâm trong khóa học. Trẻ học cách xử lý khi bị chuột rút; hướng dẫn cứu người theo cách gián tiếp, từ những vật dụng như sợi dây, chiếc gậy dài hoặc ném phao xuống và kéo dần về bờ.
Ông Tony Coffey khuyến cáo trường hợp đi lạc hay mắc kẹt trong không gian kín, không tìm được lối thoát, người lớn hay trẻ em nên cố gắng giữ bình tĩnh để giảm tiêu hao năng lượng và oxy; dùng mọi phương tiện sẵn có để thu hút sự chú ý bằng cách gây tiếng động/tiếng ồn, tạo lửa/khói.
"Tất cả cha mẹ và người chăm sóc trẻ trước tiên cần phải học/trang bị những kiến thức và kỹ năng sống còn để truyền đạt/hướng dẫn/dạy lại cho những người thân yêu của mình", ông Tony Coffey nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thoại Tường, nhà sáng lập Kỹ năng sinh tồn Corp, cho biết có 3 nguyên tắc về sinh tồn cần ghi nhớ.
Thứ nhất, con người không thể tồn tại quá 3 giờ trong điều kiện nhiệt độ môi trường khắc nghiệt (nơi băng giá, ở nơi nhiệt độ quá cao).
Thứ hai, con người không thể sống sót quá 3 ngày nếu không có nước uống.
Thứ ba, không ai có thể sống sót quá 3 tuần nếu không có thức ăn.
Từ thực tế nghiên cứu và huấn luyện, ông Tường cho hay, thông thường, nếu không may đi lạc hay bị mắc kẹt trong rừng một thời gian dài, giữa thời tiết mưa rét khắc nghiệt, thiếu nước uống, đồ ăn, con người dễ đối mặt với nhiều nguy cơ về an toàn và sức khỏe.
Nếu không có nước uống, họ sẽ bị thiếu nước dẫn tới mất nước, mất cân bằng điện giải, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới tử vong.
Có nước uống mà không có thức ăn thì tùy sức khỏe, thể trạng từng người, họ chỉ cầm cự được khoảng thời gian ngắn nào đó.
"Nếu ai đó chưa được học về kỹ năng sinh tồn mà lỡ lạc vào một nơi hoang dã, thậm chí là một ngôi nhà hoang… đều cảm thấy hoảng sợ, ghê rợn.
Họ thường không biết cách xử lý khi rơi vào tình huống đó và dễ làm nguy hiểm đến tính mạng của mình. Đặc biệt, khi chỉ có một mình ở nơi hoang vắng quá lâu, con người dễ sinh ra ảo giác", ông Tường nói.
Trên thế giới, phụ huynh rất quan tâm đến việc giáo dục kỹ năng sinh tồn cho trẻ em.
Tại các trường mầm non, giáo viên sẽ cho học sinh chơi tự do tại các khu vực cát, bơi lội, tiếp xúc với động vật để các bé cảm nhận được thiên nhiên.
Đồng thời, trường học thường xuyên có tiết học đi vào rừng để hướng dẫn trẻ về hướng đi, phân biệt các loại cây, nhận biết các loại nấm…
Ông Tony Coffey cho biết hiện có rất nhiều tổ chức trên thế giới dạy những kỹ năng sinh tồn cho trẻ em.
Một số tổ chức chuyên dạy về điều kiện môi trường cụ thể như Hiệp hội Hướng đạo thường dạy các kỹ năng trong môi trường hoang dã. Trong khi những hiệp hội khác, chẳng hạn như Surf Life Saving chuyên đào tạo về an toàn dưới nước và sinh tồn nói chung.
"Ngoài ra, mọi lứa tuổi nên được học các nhóm kỹ năng sơ cứu cơ bản để biết cách xử lý, ứng phó hiệu quả khi gặp chấn thương hoặc tình trạng cấp cứu liên quan sức khỏe thể chất để sinh tồn trong mọi môi trường", chuyên gia cho hay.