Những di tích lịch sử nổi tiếng gắn liền với nhà Trần
(Dân trí) - Lễ hội Yên Tử diễn ra từ 10 tháng giêng đến hết tháng 3 Âm lịch hàng năm đây là lễ hội lớn và có thời gian khá dài ở nước ta.
Nhà Trần hay Trần Triều là triều đại quân chủ phong kiến trong lịch sử Việt Nam, bắt đầu từ khi Trần Cảnh được Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi vào năm 1225 dưới sự dàn xếp của Thái sư Trần Thủ Độ. Như vậy nhà Trần trị vì nước ta từ năm 1225 - 1400 là khoảng 175 năm.
Công lao nổi bật của nhà Trần là xây dưng đất nước đưa Nho giáo và Đạo giáo vào nước ta, ngoài ra với 3 lần chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông làm nổi bật vị trí của nhà Trần trong công cuộc giữ nước.
So với các triều đại phong kiến trước nhà Trần đã có tiến bộ rõ rệt về quân sự, chính trị,giáo dục nghệ thuật, sự tiếp thu của Nho giáo,đạo giáo có ảnh hưởng lớn đến triều đại nhà Trần. Để giúp người đọc có thêm thông tin về tín ngưỡng thờ cúng nhà Trần ở các địa phương phía Bắc nước ta như; Di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều Quảng Ninh,đền thờ nhà Trần tại Hưng Hà, Thái Bình, đền thờ nhà Trần tại Nam Định, đền thờ Trần Hưng Đạo tại Vạn Kiếp, Chí Linh, Hải Dương mỗi nơi mang đậm một dấu ấn lịch sử mà chúng ta cần biết:.
Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, Quảng Ninh
Nằm trên địa bàn các xã An Sinh, Tràng An, Bình Khê, Thuỳ An thuộc huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây được Thủ tướng Chính phủ công nhận di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, là quê hương hay còn gọi là thánh địa của nhà Trần. Đặc biệt sự kết hợp du lịch văn hoá tâm linh nhà Trần tại Đông Triều với di tích danh thắng Yên Tử nơi mà vua Trần Nhân Tông đã về đây tu hành sau khi nhường ngôi cho con trai, ông đã xây dựng nơi đây thành trung tâm phật giáo của nước ta dưới thời Trần và xây dựng Thiền phái Trúc lâm. Với hệ thống lăng, miếu, đền, chùa như: Lăng Lư Phúc, Thái lăng, Mục lăng, Ngải Sơn lăng, Phụ Sơn lăng, Nguyên lăng, Hy lăng. Đền An Sinh, chùa Ngọc Vân, chùa Hồ Thiên (Trù Phong Tự), chùa Quỳnh Lâm, chùa Trung Tiết, chùa Quan, chùa Ngọc Thanh, Am Mộc Cảo.
Lễ hội Yên Tử diễn ra từ 10 tháng giêng đến hết tháng 3 Âm lịch hàng năm đây là lễ hội lớn và có thời gian khá dài ở nước ta. Vì vậy khi du khách tham quan lễ hội Yên Tử sẽ kết hợp với thăm quan khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều sẽ giúp cho du khách có chuyến hành hương ý nghĩa và bổ ích hơn.
Khu Di tích đền Trần, Nam Định
Đền Trần Nam Định là nơi thờ các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng Thành phố Nam Định. Đền Trần ở đây được xây dựng vào năm 1695 trên nền Thái miếu cũ của nhà Trần, hệ thống thờ cúng ở đây gồm 3 công trình kiến trúc chính là: Đền Thiên Trường (đền Thượng), đền Cổ Trạch (đền Hạ) và đền Trùng Hoa.
Lễ hội đền Trần Nam Định được tổ chức từ ngày 15 - 20 tháng 8 âm lịch hàng năm.Từ năm 2000 tại đền Trần Nam Định tổ chức khai ấn ngày 15 tháng giêng hàng năm, lễ hội được bắt đầu từ giờ tý (tức 11 giờ đến 1 giờ).
Khu đền Trần tại Hưng Hà, Thái Bình
Khu đền thờ được xây dựng gần khu lăng mộ vua Trần trên đất phát tích Thái Bình( còn gọi là Thái Đường Lăng) thuộc làng Tam Đường xã Tiến Đức huyện Hưng Hà, Thái Bình đã được Thủ Tướng Chính phủ xếp hang di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Đây là nơi phát tích của nhà Trần cách đây khoảng 700 năm, là nơi lưu giữ Thuỷ tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp,Nguyên tổ Trần Lý, Thái Thượng Hoàng Trần Thừa. Khu lăng mộ vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông,Trần Nhân Tông.
Lễ hội đền thờ nhà Trần tại Hưng Hà, Thái Bình diễn ra từ ngày 13 đến ngày 18 tháng giêng hàng năm.
Khu đền thờ Trần Hưng Đạo tại Chí Linh, Hải Dương
Đây là nơi thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người Anh hùng dân tộc đã có công chống giặc ngoại xâm với 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng, khu đền thờ nằm trên hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, Tỉnh Hải Dương.
Kiếp Bạc là tên ghép của hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp.Kiếp Bạc có vị trí cảnh quan vô cùng hùng vĩ và có tầm quan trọng chiến lược, vùng sơn cước giàu có. Cho nên chẳng phải ngẫu nhiên mà Trần Hưng Đạo đã chọn nơi đây để tiến hành cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông với 3 lần chiến thắng bắt đầu từ năm 1258 đến năm 1288. Sau đó ông cũng đã sống những năm tháng cuối đời tại đây.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc
Trần Hưng Đạo mất ngày 20/8/1300. Các công trình kiến trúc hiện nay tại đây được nhà nước và nhân dân trùng tu và tu tạo từ năm 1962 đến nay. Thể hiện sự tri ân của các thế hệ chúng ta với người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo mà nhân dân tôn gọi ông là Đức Thánh Trần, hay Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Hàng năm lễ hội đền Kiếp Bạc được tổ chức từ ngày 16 đến 20 tháng tám âm lịch hàng năm, cũng chính là ngày giỗ ông.
Với 175 năm trị vì đất nước và công lao xây dựng đất nước của nhà Trần qua các triều đại phong kiến Việt Nam trước đó. Nhà Trần đã đóng góp rất lớn vào lịch sử dựng nước và giữ nước của nước nhà, hiện nay có rất nhiều địa phương thờ cúng nhà Trần nhưng 4 điểm trên sẽ là những điểm cần đến trong những chuyến hành hương tâm linh của du khách gần xa.
Hữu Như