Những câu “cửa miệng” của bố mẹ dễ làm hại trẻ
(Dân trí) - Những viết xước hay những vết bầm tím chỉ là những vết thương về mặt thể xác và sẽ nhanh chóng qua đi. Trong khi chính những lời nói lúc tức giận hay thất vọng về con mình mới là thứ làm tổn thương trẻ thực sự và để lại nhiều hậu quả lâu dài.
Trẻ em không phải là một người lớn thu nhỏ, vì vậy tâm lý và suy nghĩ của trẻ cũng rất khác chúng ta. Bên cạnh đó, bố mẹ là người có một vị trí rất quan trọng trong suy nghĩ của trẻ. Vì vậy những lời nói hay hành động của bố, mẹ có ảnh hưởng rất lớn đối với tâm tư, tình cảm của con trẻ.
Đôi khi có những câu nói mà các bậc làm cha, làm mẹ hoặc buột miệng nói ra trong lúc tức giận, hoặc cố ý nói vì nghĩ rằng chúng chẳng ảnh hưởng gì lại gây cho trẻ những vết thương lớn về tâm lý, cảm xúc. Lâu dài điều này sẽ gây ra chiều hướng phát triển xấu trong quá trình hoàn thiện tâm sinh lý của trẻ cũng như tạo ra một khoảng cách vô hình giữa bố mẹ và con cái.
Cứ để đấy cho mẹ (bố) làm
Đôi khi vì muốn giúp đỡ con trong việc học hành hay đơn giản là không muốn con vất vả tự làm việc một mình mà bố, mẹ thường dành lấy làm giúp công việc của con cái. Tuy nhiên chính những thử thách, công việc đấy mới giúp trẻ ngày càng trưởng thành hơn. Vì vậy, hãy dừng việc giành làm hết những việc của con mình và tập cổ vũ cho trẻ tự mình vượt qua khó khăn ấy
Tại sao con không được như bạn bè?
Không có điều gì tệ hơn đối với trẻ khi bị chính bố, mẹ mình chê bai và so sánh với bạn bè. Điều đó sẽ thực sự khiến con bạn bị tổn thương và dễ dàng sinh ra tính tự ti, không dám thể hiện bản thân mình.
Thực ra thì mỗi đứa trẻ đều có một điểm mạnh, điểm yếu riêng, nên đừng so sánh một cách phiến diện con cái mình với những đứa trẻ khác. Thay vào đó, hãy tán dương những thành tích của trẻ và chỉ cho trẻ những điểm yếu, thiếu sót giúp trẻ khắc phục chúng.
Bố (mẹ) hứa mà
Đây là một sai lầm thường mắc phải đối với những ông bố và bà mẹ. Chúng ta thường hay có thói quen “hứa cho xong chuyện” với những yêu cầu hay đòi hỏi của trẻ nhưng cuối cùng rất ít khi để tâm mà thực hiện.
Những lời hứa suông lâu dần sẽ khiến trẻ mất lòng tin vào lời nói của bố mẹ, thậm chí là tất cả mọi người. Tệ hơn là sau này con bạn cũng có thể trở thành một người hay thất hứa.
Nín đi! Đừng khóc nữa
Trẻ con cảm thấy an toàn và thoải mái hơn khi chúng được thể hiện cảm xúc của mình. Vì vậy, sẽ là một điều bình thường nếu bé nhà bạn hay mít ướt. Việc không cho trẻ được khóc là một sai lầm của các bậc bố mẹ. Lâu dần sẽ khiến trẻ có xu hướng sống nội tâm và không thể hiện cảm xúc thật của mình.
Không có gì phải sợ cả
Khác với người lớn, trẻ con có nhiều nỗi sợ như bóng tối, chỗ đông người, chó dữ… Việc bảo trẻ không cần phải sợ khi gặp những tình huống này thực chất chẳng có tác dụng gì để giảm bớt nỗi sợ của trẻ cả. Thay vào đó hãy nói chuyện với con bạn để tìm ra căn nguyên của nỗi sợ và từng bước giúp trẻ vượt qua sự sợ hãi.
Bố (mẹ) cũng ghét con
Nhiều lúc giữa con cái và bố mẹ thường xảy ra xích mích và khi không kiềm chế được cơn giận bạn lại nói với con mình rằng:“ Ừ, bố(mẹ) cũng ghét con”. Đây là một câu nói có thể gây chia rẽ tình cảm gia đình và vô hình khiến cho con bạn ngày càng xa cách với bố mẹ.
Con hãy im miệng đi!
Đây thực sự là một câu nói thô lỗ đối với tâm trí còn nhạy cảm và non nớt của trẻ. Nếu không muốn con mình bị tổn thương hay tệ hơn là ảnh hưởng đến tính cách khiên con bạn cũng trở thành một người thô lỗ thì hãy dừng ngay việc nói câu này lại!
Minh Nhật
Tổng hợp