Quảng Bình:
Những căn nhà nổi của người dân vùng "rốn lũ"
(Dân trí) - Bằng sự sáng tạo, trong “cái khó ló cái khôn”, người dân vùng “rốn lũ” Tân Hóa đã tạo ra những căn nhà nổi để chống chọi với thiên tai. Những căn nhà này phần nào giảm được nỗi lo cho bà con mỗi khi mưa lũ về.
Vùng rốn lũ
Địa bàn xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) là vùng đất nằm giữa thung lũng, bao quanh là những ngọn núi đá vôi. Là vùng đất thấp hơn nên khi tới mùa mưa, nước lũ từ vùng cao lại đổ dồn về đây. Lượng nước lớn, thoát không kịp khiến xã Tân Hóa thường bị ngập lụt kéo dài.
Hiện nay tại xã Tân Hóa có khoảng 700 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu. Người dân nơi đây quanh năm vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cuộc sống mưu sinh khó nhọc, lại thêm cảnh nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa mưa lũ kéo về.
Cơn “đại hồng thủy” vào năm 2010, trận lũ lịch sử năm 2016 là một trong những ký ức kinh hoàng mà người dân xã Tân Hóa đã từng phải trải qua. Lũ lớn ập về trong đêm, người dân chỉ kịp dắt nhau chạy lên vùng đất cao để lánh nạn. Nhà cửa bị nhấn chìm trong biển nước, tất cả tài sản đều cuốn trôi theo dòng lũ.
“Ở đây đất thấp, bao quanh là núi nên hễ cứ mưa lớn kéo dài là nước lại dồn về, gây ngập lụt cả một vùng. Hằng năm cứ đến mùa mưa là bà con lại phải đua nhau chuyển tài sản đi tránh lũ, nói đến lũ là ai cũng sợ”, ông Trương Xuân Trỗi, một người dân tại xã Tân Hóa chia sẻ.
Vượt qua những khó khăn, người dân vùng “rốn lũ” Tân Hóa lại tiếp tục gượng dậy, xây dựng lại cuộc sống trên mảnh đất quê hương. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, “trong cái khó ló cái khôn”, họ đã có những phương án để sống chung với lũ, chống chọi lại cái khắc nghiệt của thiên nhiên.
Những căn nhà tránh lũ
Một trong những cách đối phó với mưa lũ cực kỳ hiệu quả mà người dân vùng “rốn lũ” Tân Hóa đang thực hiện đó chính là tạo ra những căn nhà nổi. Hiện nay tại địa phương này, hầu như gia đình nào cũng có cho mình một căn nhà nổi, căn nhà được tạo ra từ những vật liệu thân thuộc, phù hợp với kinh tế của người dân bởi chi phí không quá cao.
Những căn nhà nổi chống lũ này có diện tích từ 15 đến 20m2, được đặt trên 20 đến 30 chiếc thùng phuy rỗng, gắn chặt vào đáy thay vì cố định móng nhà trên mặt đất.
Để giữ thăng bằng và cố định vị trí nổi của ngôi nhà, người dân lắp thêm hai cột gắn vào hai góc nhà. Khi nước dâng cao, các thùng phuy rỗng nổi lên và nâng luôn cả ngôi nhà, nước nổi thì nhà nổi, không còn lo ngập.
Khi nước lũ về, đây là nơi trú ngụ cho cả gia đình từ 8 đến 10 người và còn chứa được thêm các vật dụng thiết yếu.
Theo người dân địa phương, chi phí để đầu tư để xây dựng một căn nhà nổi khoảng 30 đến 35 triệu đồng. Có những gia đình còn làm đến 2 căn, một dành cho người, nhà còn lại thì dành cho gia súc, vật nuôi. Khi nước lũ về, đây là nơi trú ngụ cho cả gia đình từ 8 đến10 người và còn chứa được thêm các vật dụng thiết yếu.
“Tui năm nay hơn 70 tuổi, và cũng không biết đã bao lần phải đi chạy lũ. Nhưng từ khi mọi người nghĩ ra cách làm nhà nổi để sống trong mùa lũ thì chúng tôi yên tâm hơn nhiều. Ít nhất là có chỗ trú ngụ trong những lúc lũ lên cao”, bà Cao Thị Đào (SN 1942) nói.
Tiến Thành – Hùng Trần