Papua New Guinea
Những cái chết oan khốc từ mê muội
(Dân trí) - Hồi đó là năm 1997, Jomani và những đàn ông cùng làng đã lôi 4 người phụ nữ đó ra tra hỏi về những cái chết xảy ra trong làng, trong đó có một thanh niên 18 tuổi mà họ tin rằng óc của anh ta đã bị thay thế bằng nước bởi một Sanguma.
Những cuộc hành hình man rợ
Giống như những người dân khác sống cùng làng Mondo One, một ngôi làng nằm ở vùng cao nguyên phía Đông Papua New Guinea, Jomani luôn sống cùng với nỗi lo sợ ám ảnh về bóng ma Sanguma (phù thuỷ - theo tiếng địa phương). Anh luôn thận trọng thu hồi từng sợi tóc, từng mẩu móng tay và nhặt nhạnh từng vụn thức ăn bị rơi vãi vì anh sợ chúng có thể bị bọn phù thuỷ dùng để làm hại mình.
Anh kể lại cái đêm anh cùng những người đàn ông khác trong làng hành hình 4 phụ nữ láng giềng mà họ tin là những Sanguma.
Cuộc “điều tra” diễn ra rất dã man: nạn nhân bị treo một tay hay một chân lên, cứa dao hoặc dí sắt nung đỏ vào bộ phận sinh dục. Jomani kể rằng cuối cùng cả 4 người phụ nữ đều đã thú nhận họ là Sanguma và bị giết hết: 3 người bằng súng ngắn tự chế, 1 người bằng dao. Vì sao họ thú nhận, Jomani trả lời thản nhiên “vì chúng tôi tra tấn bằng dao cho tới khi họ chịu nhận mới thôi”.
Làng của Jomani không phải là nơi duy nhất ở Papua New Guinea vẫn xảy ra những vụ hành hình như vậy. Mấy năm trước, Yauwe Riyong, một nghị sĩ quốc hội ở Simbu đã báo cáo lại trước nghị viện về một trường hợp 15 phụ nữ đã bị “chặt ra thành từng mảnh” vì bị nghi là Sanguma. Những vụ tương tự cũng đã xảy ra ở nhiều nơi, thậm chí ngay tại Port Moresby, thủ đô của Papua New Guinea.
Bộ trưởng Bộ Cảnh sát đã nhận lệnh điều tra chi tiết về những vụ hành hình đó, nhưng rất khó có thể thực hiện được nhiệm vụ. “Hầu như toàn bộ dân làng đều từ chối hợp tác. Họ hoặc là không khai gì hoặc là cả làng đều khai rằng họ đã tham gia vào vụ hành quyết”.
Niềm tin mù quáng
Jim Tanner, một nhà truyền giáo đã sống gần 30 năm ở một làng trên cao nguyên New Guinea:
“Thử hình dung bạn sẽ nghĩ gì nếu bạn không hiểu biết về khoa học và thấy một người đột nhiên lăn ra chết” - Jim Tanner, nhà truyền giáo đã sống gần 30 năm ở một làng trên cao nguyên New Guinea.
“Tôi đã cố gắng giải thích với họ về những con vi trùng - những sinh vật vô cùng bé nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt thường là thủ phạm gây bệnh tật. Và họ nghĩ rằng chắc tôi phải có phép thuật của người da trắng để nhìn thấy chúng”.
Hồi đầu thập niên 80, nhà nhân loại học người Mỹ Bruce M. Knauft đã nghiên cứu làng Gebusi, một làng ở một tỉnh phía Tây Papua New Guinea. Ông thấy rằng cứ 3 cái chết của người lớn thì có 1 do bị hành quyết; trong số đó, trong đó 86% là do bị kết tội làm phù thuỷ. Những dân làng là phụ nữ cao tuổi, hoặc có ít người thân thường là những người có nguy cơ cao nhất bị giết hại vì bị kết tội làm phù thuỷ.
Người ta cho rằng “lũ phù thuỷ” thường biến thành các con vật - như dơi, chim, thú có túi... - rồi đi lang thang trong đêm. Bọn chúng có thể dùng cành lá cây để thực hiện những nghi lễ của chúng, hoặc có thể nhặt lấy những thứ do mọi người bỏ lại như đồ ăn thừa, phân, rồi gói lại bằng lá cây và phù phép vào đó, làm cho những nạn nhân bị ốm rồi chết.
Một số Sanguma còn bị cho rằng vẫn ăn xác chết hoặc thay thế các bộ phận trong cơ thể nạn nhân bằng cỏ hoặc các hòn đá.
Sự u mê ngày càng trầm trọng
10 năm trước, một thanh niên tên là Arnold Roid và nhiều người khác ở làng Simbu của anh đã thiêu sống 4 người phụ nữ mà họ tin là những phù thuỷ; anh cho biết họ đã giấu tro hài cốt của 4 phụ nữ trên trong một cái hang. Cũng giống như Joe Jomani, Roid cho biết anh sẽ lại tham gia vào các vụ hành quyết để trừ khử bọn phù thuỷ.
Cả hai người đàn ông ấy đều đã lớn lên trên đất nước Papua New Guinea hiện đại với đèn điện, máy bay, xe tải, bia lon, thuốc kháng sinh và thiết bị điện tử. Nhưng hơn 60 năm sau khi nền văn minh của người da trắng thâm nhập vào mảnh đất cao nguyên của họ, những mối sợ hãi và hủ tục từ ngàn đời vẫn còn bao trùm và sức mạnh chi phối dường như không suy chuyển.
Vũ Anh Tuấn