Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Những bà chủ homestay hướng tới bình đẳng giới cho bản thân ra sao?
(Dân trí) - Bà chủ homestay ở huyện Vân Hồ (Sơn La) nói, trước chưa làm ra kinh tế bản thân chị tự ti, ít "phản ứng" lại với chồng. Giờ tiếng nói của chị trong gia đình có ảnh hưởng hơn nhờ biết cách làm kinh tế.
Nằm cách trung tâm huyện Vân Hồ (Sơn La) gần 40km, xã Chiềng Yên là nơi sinh sống của 5 dân tộc anh em Dao, Thái, Mường, Kinh, Mông, với dân số trên 5.000 người, trong đó 93,76% là người dân tộc thiểu số.
Nơi đây vẫn còn khó khăn về cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn.
Nhắc tới bản Phụ Mẫu, Chiềng Yên, du khách nhớ ngay tới thác Tạt Nàng hùng vĩ. Nơi đây có suối nước nóng bản Phụ Mẫu. Dòng suối dài hơn 3km có nhiều loài cá, ốc khác nhau được bảo tồn tự nhiên.
Theo tuyến đường quanh co tựa dải lụa vắt qua các sườn đồi, bản du lịch cộng đồng Phụ Mẫu hiện ra với một bên là những cánh rừng xanh ngát, bên kia là những nếp nhà sàn thơ mộng ẩn hiện trong làn sương.
Khi khách vừa đặt chân đến nơi đây, chị Bàn Thị Hạnh, một phụ nữ làm du lịch, chia sẻ, bản Phụ Mẫu có một hợp tác xã dịch vụ, du lịch Tạt Nàng. Nơi đây có 5 hộ làm homestay du lịch cộng đồng.
"Từ ngày làm mô hình, chúng tôi được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước giúp dân làm đường bê tông, nhà văn hóa, sân thể thao, tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch, quản lý kinh tế vi mô... Ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường được nâng lên. Bà con trồng thêm các loại hoa dọc các tuyến đường để bản đẹp hơn, nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm", chị Hạnh nói.
Người phụ nữ này chia sẻ thêm, trước khi làm du lịch, chị vừa làm ruộng vừa bán tạp hóa nhưng kinh tế cũng không dư giả. Kể từ khi khách du lịch biết đến Phụ Mẫu ngày một đông, gia đình chị và nhiều hộ khác có nguồn thu thêm từ việc bán vé vào tắm ở suối nước nóng, bán những sản phẩm, món ăn từ sản xuất nông nghiệp tại địa phương...
Chị Hạnh trải lòng, trước kia, khi chưa làm được kinh tế tốt, chị không dám "phản ứng" lại những lời nói của chồng. Giờ có thu nhập từ việc tham gia tổ bếp, tổ văn nghệ, rồi được ra khỏi xã, khỏi huyện tiếp xúc với nhiều người, chị đã dám mạnh dạn chia sẻ suy nghĩ với chồng.
"Giờ tôi đi làm bếp phục vụ khách, tối diễn văn nghệ đã có thể thẳng thắn đề nghị chồng ở nhà giúp công việc gia đình", chị Hạnh nói.
Chị cho rằng người phụ nữ được ra ngoài tiếp xúc, tự chủ được kinh tế nên được xem là một trong những cơ sở để có tiếng nói hơn trong gia đình.
Nói về con đường lập nghiệp của mình, chị Mạc Thị Hồng, chủ một homestay trong bản Phụ Mẫu cũng tâm sự, gia đình đã đầu tư xây dựng một ngôi nhà sàn bằng gỗ theo kiến trúc truyền thống cùng khu vệ sinh, nhà tắm đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ tốt cho du khách. "UBND huyện cho mình đi đào tạo các khóa tập huấn học nấu ăn, đón tiếp khách, làm đồ lưu niệm bằng mây tre, vải. Nhờ đó, gia đình mình đón được nhiều khách hơn trước, thu nhập cũng tăng lên", chị Hồng nói.
Theo lời chị Hồng, hôm nào có khách du lịch, trừ mọi chi phí, gia đình chị có thu nhập từ 1 triệu đến 2 triệu đồng.
Không chỉ phục vụ khách đến du lịch, chị Hồng và nhiều phụ nữ ở đây đã biết tiếp cận mạng xã hội để bán hàng qua mạng. Nhiều khách đặt hàng từ đây chuyển về Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước.
Bà chủ Hồng khẳng định, việc chuyển đổi hướng phát triển kinh tế đã giúp phụ nữ ở bản Phụ Mẫu có được sự bình đẳng giới. "Ngày trước phụ nữ phải gánh vác việc nhà, chăm sóc gia đình và hầu như toàn bộ các công việc nặng nhọc ngoài đồng. Nhưng khi chuyển sang làm du lịch, các ông chồng cũng rất tạo điều kiện, cùng chia sẻ với vợ cả trong làm nông nghiệp, làm du lịch, sơ chế nông sản gửi về xuôi", chị Hồng chia sẻ.
Ông Hà Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Yên cho biết, trên địa bàn xã có 18 hộ thực hiện mô hình du lịch homestay, 2 hợp tác xã chuyên kinh doanh mảng nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng để phục vụ khách đến tham quan, du lịch. Từ đầu năm đến nay, xã đón hơn 1.000 lượt khách đến tham quan, trong đó khách tham quan lưu trú trên địa bàn đạt trên 400 lượt, doanh thu ước đạt hơn 500 triệu đồng. Trong đó, hầu hết các hộ làm du lịch cộng đồng đều do chị em phụ nữ làm chủ.
Ông Hiếu mong thời gian tới, xã Chiềng Yên nói chung, bản Phụ Mẫu nói riêng sẽ nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành trong xây dựng các bản du lịch cộng đồng. Thông qua mô hình này, nữ giới được tham gia phát triển kinh tế, có nhiều cơ hội được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm để phát triển sản phẩm du lịch, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, khẳng định được bản thân góp phần thực hiện bình đẳng giới trên địa bàn.
Hoa Lư