Nhiều vùng quê thay áo nhờ những nhịp cầu
(Dân trí) - Những nhịp cầu bắc lên niềm hy vọng về cuộc sống sang trang cho những bà con thuộc các huyện nghèo 3 tỉnh Hà Giang, Vĩnh Long và Tiền Giang.
Với những người dân thuộc các huyện vùng sâu, vùng xa, điều kiện cuộc sống còn nhiều khó khăn, một cây cầu kiên cố chắp nối đôi bờ đã trở thành niềm mong mỏi suốt nhiều năm trời. Đặc biệt, trong một năm khó khăn mọi mặt như 2020, sự hiện diện của dự án "Xây Cầu Đến Lớp" không chỉ giúp việc đi lại thuận tiện, giao thương dễ dàng, mà còn trở thành những "chiếc phao" tinh thần, mở ra một cuộc sống mới tốt đẹp cho bà con.
Cậu học trò nhỏ Triệu Mù Ng., xã Nậm Tỵ, tỉnh Hà Giang, hơn ai hết, là người thấy được rõ rệt những thay đổi trong cuộc sống thường nhật, kể từ ngày cây cầu đập tràn được khánh thành, "Trước khi có cây đập tràn, em thường phải dậy từ 4h sáng, nay em có thể đi từ 6h kém 15 vẫn kịp đến trường."
Trước khi có cây cầu, gà chưa kịp gáy đã thấy bọn trẻ trong xã dậy tay xách nách mang dậy sớm đi học. Nhưng giờ đây, Triệu Mù Ng. và hàng trăm các em nhỏ tại các huyện nghèo thuộc Hà Giang đã có thể yên tâm đến lớp an toàn và nhanh chóng hơn. Đoạn đường đến trường được rút ngắn nhưng tiếp dài tương lai và ước mơ cho nhiều em nhỏ.
Riêng với bác Trần Văn Ng. (50 tuổi), vốn đã quen với cảnh vượt đèo lội suối, sống đời với sự bất tiện trong sinh hoạt và đời sống, cũng không giấu được sự mừng vui: "Trước khi có cầu, gia đình tôi luôn chuẩn bị sẵn một đoạn dây có móc, mỗi khi nghe tiếng "ùm" hoặc tiếng kêu cứu thì phải chạy ra ngay để cứu người và xe rơi xuống sông!". Khi được hỏi lại sợi dây có móc đó nay còn giữ không thì ông cười rất tươi và nói, "Nay làm gì còn có tai nạn nữa thì giữ sợi dây đó làm gì!". Đó chính là một niềm hân hoan cất thành tiếng khi sự mong mỏi bấy lâu đã trở thành hiện thực.
Còn ở đâu đó nơi miền Tây sông nước, với cuộc sống gắn liền với kênh rạch, tàu bè, cây cầu chính là ước mơ được trông mong trong suốt quãng thời gian dài. Chị Nguyễn Thị V. (35 tuổi) ngụ tại xã Phước Thới, tỉnh Vĩnh Long vẫn còn nhớ như in ngày hay tin huyện mình sắp có cây cầu kiên cố, "Dù đi qua đi lại hơn hai chục năm nhưng thú thật lần nào chạy qua cây cầu sắt cũ kĩ mình cũng nơm nớp lo sợ, tại nó lung lay dữ lắm rồi. Bởi hôm nghe xã có cầu mới mình mừng húm, cứ dăm bữa nửa tháng lại ra xem cầu xây tới đâu. Đến hôm cầu khánh thành, chị xin công ty nghỉ mần luôn để ra xem với bà con."
Những cây cầu còn nằm ở vị trí huyết mạch, quyết định con đường giao thương nông sản hàng hóa của bà con. Với những gia đình 3 đời làm nông như chị Vũ Minh A. (36 tuổi) huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, cây cầu Phụng Thớt đóng một vai trò rất lớn, "Ngày khánh thành cầu mình mừng quá xá. Giờ khỏi phải lo mấy chuyện té cầu, lật xe hay hư nông sản nữa, làm lụng cũng an ổn hơn. Mà có cây cầu cái thấy xã khang trang, hiện đại hẳn ra nha."
Từ khi dự án "Xây Cầu Đến Lớp" cập bến các địa phương, bà con luôn được đóng góp ý kiến và tạo cơ hội theo dõi sát sao quá trình thi công. Anh Phàn Chàu K. (26 tuổi) ngụ xã Nậm Ty, tỉnh Hà Giang cho biết: "Mọi người dân đều được tham khảo ý kiến về địa điểm xây dựng. Người dân đã ủng hộ chủ trương xây dựng bằng việc ủng hộ vật liệu, ngày công làm đường tránh trong khoảng thời gian thi công đập tràn. Trong quá trình thi công, có một lần đã xảy ra lũ và một số vật liệu bị cuốn trôi, thì người dân đã đóng góp công sức và vật liệu để khắc phục hậu quả. Và người dân rất phấn khởi được thụ hưởng dự án."
Đi được chặng đường gần 1 năm, dự án "Xây Cầu Đến Lớp" do Grab phối hợp Quỹ Bảo trợ Trẻ em thực hiện đã mang đến những thay đổi rõ rệt cho cuộc sống của hàng trăm bà con tại các huyện nghèo thuộc 3 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Hà Giang. Trẻ em tiếp tục giấc mơ đến trường, người dân an tâm đi lại, kinh tế nhờ đó cũng từng bước được hồi phục. Nhưng tất cả chỉ mới là khởi đầu cho một hành trình ý nghĩa phía trước, là nền móng củng cố mục tiêu xây dựng 12 cây cầu trong toàn bộ 3 năm của dự án, khẳng định và nối tiếp sứ mệnh "Grab Vì Cộng Đồng".