Nhiều quý ông thà chết sớm còn hơn… không thể "yêu"!

Bác sĩ choáng váng với lý do nhiều bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt cố trì hoãn việc điều trị, dù điều đó có thể khiến họ chết sớm: sợ rối loạn cương dương, són tiểu…

Nghiên cứu nhằm cải thiện khả năng sống còn của bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt do Imperial College London (ICL, thuộc Đại học London, Anh) thực hiện cho thấy nhiều người đàn ông từ chối, trì hoãn điều trị căn bệnh này dù biết mình có thể chết sớm.

634 người đàn ông tham gia nghiên cứu sẵn sàng từ bỏ cơ hội sống còn của mình với một cái giá chấp nhận: đó là cơ hội thoát khỏi các tác dụng phụ do điều trị căn bệnh này gây ra: chứng tiểu không tự chủ (són tiểu), rối loạn cương dương và cả những mệt mỏi mà quá trình điều trị ung thư lâu dài mang lại.

Nhiều quý ông thà chết sớm còn hơn… không thể "yêu"! - 1

Rối loạn cương dương là một trong các nguyên nhân khiến quý ông trì hoãn việc điều trị ung thư tuyến tiền liệt, dù biết như vậy mình có thể chết sớm - ảnh minh họa từ internet

Cụ thể, để có 1% cơ hội cải thiện chứng són tiểu, họ sẵn lòng đánh đổi 0,68% cơ hội sống. Để có 1% cơ hội giữ được khả năng cương cứng, họ từ bỏ 0,28% cơ hội sống. Và họ cũng sẵn sàng đổi 0,41% cơ hội sống để mạo hiểm với 1% thành công của một phương pháp có thể điều trị dứt điểm.

Điều này cho thấy tuy "sống còn" vẫn là mục tiêu lớn nhất của đại đa số nhưng các vấn đề liên quan đến chất lượng sống cũng không kém cạnh. Các lý do nêu trên cũng khiến nhiều bệnh nhân trì hoãn việc phẫu thuật hoặc xạ trị, và điều này khiến họ chết sớm hơn.

"Đàn ông muốn có cuộc sống lâu dài nhưng họ đánh giá cao các phương pháp điều trị cho tác dụng phụ thấp, sẵn lòng chấp nhận tỉ lệ sống thấp hơn nếu điều đó đồng nghĩa với nguy cơ tác dụng phụ thấp hơn" – giáo sư Hashim Ahmed, người đã đại diện nhóm nghiên cứu trình bày về công trình trong hội nghị của Viện Nghiên cứu Ung thư Quốc gia vừa diễn ra tại Glasgow, nhận xét.

Nhiều nam bệnh nhân than phiền về việc phải dùng vài miếng tã – băng vệ sinh hàng ngày, dùng Viagra và ngán ngẩm với việc điều trị kéo dài. Nhiều người bị trầm cảm sau khi điều trị và đối diện với những vấn đề này, gặp khó khăn trong đời sống lứa đôi.

Nghiên cứu cho thấy việc cải thiện tỉ lệ sống của bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt không chỉ là một phương pháp điều trị tốt, mà còn phải giảm được tác dụng phụ để bệnh nhân hợp tác hơn. Mỗi năm riêng tại Anh đã có trung bình 11.800 người chết vì ung thư tuyến tiền liệt.

Theo A. Thư

NLĐ